Ký ức luân hồi của nữ văn sĩ người Anh đã góp phần giải khai những điều nan giải trong lịch sử. Mọi người cho rằng đó chỉ là một cuốn tiểu thuyết, nhưng những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh: Những gì cô ấy nói là sự thật! (Theo: Epoch Times)…
Xin chào các bạn! Câu chuyện hôm nay chúng tôi chuẩn bị kể cho các bạn bắt đầu từ rất lâu, rất lâu rồi. Là bao lâu? Là thời kỳ Ai Cập cổ đại cách đây 5000 năm.
Mộng về Ai Cập
Một ngày, trong đại điện của ngôi Thần miếu, một cô nương trẻ đang chú tâm nghe bài giảng của vị đại tư tế. Nàng chính là công chúa Sekeeta hồi nhỏ, tương lai sẽ là “Pharaoh có cánh” (Winged Pharaoh), người có thần chức thống trị tối cao. Để chứng minh bản thân đủ tư cách, nàng phải có đủ kỹ năng để vượt qua khảo nghiệm nhập môn nghiêm khắc của các thần chức nhân viên. Nàng cũng phải có đủ năng lực để coi nhẹ tự ngã, tương lai sẽ phụng hiến cuộc đời mình cho những thần dân mà nàng cai trị. Có vẻ như còn một chặng đường rất dài phía trước! Vì vậy mà phụ mẫu của nàng đã sớm đưa nàng vào Thần miếu để bồi huấn.
“Hoa sen luôn là biểu tượng của một bậc chân tu – dù rễ mọc trong bùn dưới nước, nhưng hoa lại khai nở trong ánh dương. Chỉ những người sẵn có ký ức thông đạo, cũng chính là những cành sen, mới có thể nhìn thấu mỹ cảnh trong ánh quang minh mà chúng mang đến Địa cầu…”
Giọng nói của vị lão sư thật ấm áp và ân cần, cùng với làn gió nhè nhẹ thanh sảng của mùa hè, tiểu cô nương cứ lắng nghe, lắng nghe và bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, đầu nàng nhanh chóng rũ xuống. “Dậy đi, tỉnh lại đi Joan!” Một giọng nói từ sâu thẳm trong trái tim nàng bắt đầu lớn tiếng gọi. Nàng nỗ lực lắm mới mở được mắt ra, định thần lại nhìn, ơ, vị lão sư và ngôi Thần miếu biến đi đâu mất vậy?
Cô gái hoàn hồn, khẽ buông tiếng thở dài. Cô biết rằng linh hồn của mình đã lang thang giữa thanh thiên bạch nhật một lần nữa, quay trở về Ai Cập cổ đại. Cô ấy là nhân vật chính của câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay, nhà văn huyền thoại người Anh Joan Grant. Còn nàng công chúa Ai Cập cổ đại Sekeeta chính là kí ức tiền kiếp không thể lay chuyển hay xóa nhòa trong tâm trí cô.
Những mảnh ký ức chưa phai mờ
Grant sinh ra trong một gia đình giàu có ở London vào năm 1907. Từ nhỏ cô đã học múa ba lê, chơi tennis, cuộc sống ngày qua ngày nhàn nhã tự tại. Mẹ của Grant có năng lực thông linh siêu phàm, bà từng dự ngôn chính xác vụ đắm tàu Titanic. Có lẽ nó được di truyền từ gia tộc, nên Grant từ nhỏ đã có thể nhìn thấy những thứ mà người khác không thể nhìn thấy, chẳng hạn như ma quỷ.
Chồng của Grant là Leslie (Leslie Grant) làm công tác nhiếp ảnh khảo cổ. Năm 1934, Leslie đến Iraq để tiến hành khai quật khảo cổ, nhân tiện, Grant cũng đi cùng chồng đến Ai Cập và sống ở đó gần một tháng. Grant nhận thấy khung cảnh xung quanh vách đá bên ngoài thủ đô Amarna của Ai Cập cổ đại trông rất quen thuộc. Sau đó, cô mới ý thức được rằng, nguyên lai Sekeeta đã từng đánh một trận lớn với quân xâm lược ở đây với thân phận là một Pharaoh, vì vậy trong ký ức của cô có ấn tượng rất sâu sắc.
Kể từ đó, những mảnh ký ức của Sekeeta thỉnh thoảng lại lóe lên trong tâm trí Grant. Chồng cô, Leslie đã sử dụng tốc ký để giúp cô ghi lại những cảnh tượng thoáng qua này, và sau đó đã tổng hợp được hơn một trăm mảnh ghi chép nhỏ. Cặp đôi căn bản xác định đây là những mảnh ký ức từ tiền kiếp của Grant, nhưng họ chỉ không biết vị công chúa Ai Cập cổ đại này sống ở triều nào đại nào?
Leslie quyết định mua lại một cuốn “Lịch sử Ai Cập”, và hai người dần dần khảo cứu. Kết quả họ thực sự tìm thấy một số manh mối. Họ không chỉ tìm thấy những văn tự tượng hình mà Grant đã nhìn thấy, mà trong một bức ảnh chụp xác ướp, họ nhìn thấy chiếc vòng tay mà Sekeeta đã tặng cho mẫu thân của mình. Vì vậy, về cơ bản chắc chắn rằng niên đại của cuộc đời Sekeeta là vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên. Phụ thân của nàng là Djer, vị pharaoh thứ ba của vương triều đầu tiên của Ai Cập cổ đại. Tên của nàng khi còn là nữ vương là Merneith.
Vì niên đại quá lâu, nên sử sách viết về Merneith không còn nhiều. Grant đã chiểu theo hơn một trăm mảnh ký ức của vị nữ pharaoh để điền vào cuộc đời của bà. Cuộc đời của vị nữ vương mỹ lệ này đã được trình hiện lại một cách sinh động trên giấy.
Câu chuyện bắt đầu trong một khuôn viên ninh tĩnh và bình dị, kể lại quá trình Sekeeta làm thế nào để trở thành một “Nữ tu sĩ xứ Anubis”, người có thể hồi ức lại nhiều ký ức tiền kiếp. Là một tế ti, nàng có thể ly khai khỏi cơ thể trong mộng cảnh, giúp người giải trừ khó nạn và chiến đấu với ác quỷ; Nàng cũng có thể nhìn vào chiếc chén minh lượng, liền có thể thấy hình ảnh của các vị tế ti khác gửi đến bằng cách dùng lực lượng tinh thần. Vào thời điểm đó, tất cả các địa khu của Ai Cập đều được kết nối theo phương thức này, có thể nói đó chính là “Internet” cổ đại.
Sau đó, phụ vương pharaoh của nàng đã chiến bại và chết trong cuộc xâm lược của người Sumer, và nàng bắt đầu thống trị Ai Cập cùng với anh trai là Nea – người hơn nàng ba tuổi. Họ dùng chung danh xưng Pharaoh, được gọi là Djet, cũng được gọi là Uadji / Wadji. Sau đó, họ đã đánh bại người Sumer ở Amarna và đẩy lùi quân xâm lược. Sau khi trận chiến kết thúc, nàng đã dựng lên một bia đá tưởng niệm ở đó để tuyên cáo thắng lợi của mình. Nàng cũng đã vượt biển Địa Trung Hải để thực hiện chuyến thăm hoàng gia tới vương quốc Minoan trên đảo Crete, được ghi lại trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Có vẻ như xã hội loài người cách đây 5000 năm đã phát triển phồn vinh và náo nhiệt, hoàn toàn khác xa với những gì chúng ta nghĩ tưởng.
Hồi ức về vị Pharaoh có cánh
Với sự giúp đỡ của một người bạn, năm 1937, câu chuyện về Sekeeta được xuất bản với tựa đề “Vị Pharaoh có cánh” (Winged Pharaoh), với ngôn ngữ đơn giản và ưu mỹ phát ra ánh sáng của sự chân thành cùng những tình tiết thăng trầm, mỗi chương đều hấp dẫn người đọc. Cuốn sách tuyệt vời này nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi. Thời báo New York lúc bấy giờ nhận xét rằng đây là “một cuốn sách của chủ nghĩa lý tưởng phi thường, với thiện ý sâu sắc và phẩm chất tinh thần trong sáng và thuần khiết như một ngọn lửa”.
Mặc dù Grant nhìn nhận rằng bản thân mình đang kể lại lịch sử chân thực, nhưng những độc giả đều coi cuốn sách như một thiên tiểu thuyết. Tuy nhiên, nhiều năm sau, khi nhiều hiện vật Ai Cập cổ đại hơn được khai quật xuất lai, thì diện mạo chân thực của thời đại đó dần được hoàn nguyên, người ta đột nhiên phát hiện ra rằng rất nhiều mô tả trong cuốn sách gốc là thực sự dựa trên sự thật.
Ví dụ, về việc đương thời ai là vị pharaoh đầu tiên của triều đại đầu tiên của Ai Cập, hoàn toàn chưa có định luận. Có ba cái tên, Narmer, Menes và Hor-Aha. Ai vậy? Trong cuốn sách của Grant, Narmer là vị pharaoh đầu tiên của triều đại đầu tiên, và Hor-Aha là người kế vị ông. Từ Menes có nghĩa là “có thành tựu”, và nó là tôn xưng thuộc về vị pharaoh vĩ đại, người đã thống nhất thượng và hạ Ai Cập, nó có lẽ là bí danh của Hor-Aha.
Hai mươi bốn năm sau, vào năm 1961, nhà Ai Cập học cổ đại Walter Emery lặp lại tuyên bố của Grant trong cuốn sách “Ai Cập thời kỳ cổ đại” (Archaic Egypt) của ông. Là một vị học giả nghiêm cẩn, ông không thể nào tham khảo một cuốn “tiểu thuyết” để đi đến kết luận này. Rất có thể có khả năng là Grant đã tự thuật lại thực cảnh, còn Emery đã dựa trên bằng chứng khảo cổ học để chứng thực câu chuyện này.
Một ví dụ khác, Grant đã từng mô tả chi tiết một chiếc lược chải tóc của Sekeeta trong cuốn sách của mình:
“Trong ngôi tự miếu của tế tự, tôi chỉ có duy nhất một chiếc lược và một chiếc gương đồng nhỏ, hình ảnh của tôi được chiếu ra từ đó rất hư không… Đương thời chiếc lược ngà của tôi được chạm khắc biểu tượng của tôi – “Pharaoh có cánh”, với hình ảnh một chú đại bàng được thụ huấn ngồi trên con thuyền thắng lợi”, đó là phần trên; phần bên dưới là tên Horus của tôi – Zat, được viết ra giống một chú rắn, bên cạnh là chìa khóa sinh mệnh, hai bên là quyền lực trên địa cầu mà huy động, vùng vẫy”.
Các bạn biết không, chân thực có một chiếc lược như vậy – đúng như lời Grant mô tả, nó được nhà Ai Cập học nổi tiếng Flinders Petrie khai quật từ lăng mộ của Pharaoh Jett. Chiếc lược này hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Ai Cập.
Ai đó sẽ nói, biết đâu Grant đã đọc các tài liệu liên quan và sao chép chúng? Khả năng không cao. Tại sao? Chiếc lược này lần đầu tiên được Petrie giới thiệu với mọi người trong một báo cáo học thuật xuất bản năm 1925. Nó không phải là một di tích văn hóa nổi tiếng vào thời điểm đó nên không tạo ra nhiều sự chú ý, ngoại trừ giới học thuật và khảo cổ học. Vào những năm 1930 khi truyền thông chưa mấy phát triển, cơ hội của Grant để tiếp cận nội dung của báo cáo này là rất ít. Hơn nữa, cách giải thích của cô về các hoa văn trên chiếc lược và ý nghĩa đằng sau các chữ tượng hình không nằm trong luận điểm của Petrie.
Câu chuyện của người thợ mộc chuyển sinh
‘Sở vị vô xảo bất thành thư’ – không có chuyện nào mà không có sự trùng hợp. Một sinh viên từ Đại học Oxford tham gia một thực nghiệm tâm lý học, trong trạng thái thôi miên trở về tiền kiếp, hồi ức mình từng là một người thợ mộc ở Ai Cập cổ đại, cùng thời đại với Sekeeta.
Theo một ký thuật trong cuốn sách “The Big Book of Reincarnation” (Luân hồi toàn thư) của Roy Stemman, người sinh viên này “nói với họ rằng cậu phải chạm khắc gỗ trong lăng mộ rỗng của vị quốc vương tên là ‘Deng’ ”, cậu mô tả diện mạo của lăng mộ, đề cập rằng có một vị Thần đội vương miện trắng trong lăng mộ.
Trong cuốn sách của Grant, “Deng” là con trai của nữ vương Sekeeta.
Vài tháng sau, hai nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số bằng chứng trong số tài liệu do Flinders Petrie khai quật được. Trong lăng mộ được coi là của pharaoh “Deng”, chiếc vương miện màu trắng mà cậu sinh viên nọ từng đề cập đến được đội trên đầu bức tượng của Hades Osiris trong thần thoại Ai Cập. Vẻ ngoài của lăng mộ cũng phù hợp với mô tả của cậu sinh viên.
Có vẻ như nhiều người đã được chuyển sinh từ Ai Cập cổ đại xa xôi. Thế giới thật nhỏ bé, phải không?
Tiểu thuyết gia truyền kỳ người Anh – Jean Overton Fuller đã xuất bản một bài báo có tên “Joan Grant: vị Pharaoh có cánh” (Joan Grant: Winged Pharaoh) vào năm 1989, sau khi bà Grant mất. Văn bản được trích dẫn và dẫn chứng đã chứng minh tính xác thực của ký ức tiền kiếp của Grant. Sau khi bài báo được xuất bản, nó đã gây chấn động trong cộng đồng khảo cổ học. Tất nhiên, một số người tin, một số người không tin, và một số người dùng ‘kính lúp’ soi đi soi lại cố tìm ra điều gì sai trái. Nhưng cho đến nay, dường như không ai có thể tìm ra điều gì không phù hợp với sự thật lịch sử trong cuốn sách.
Chính vì vậy, trong giới khảo cổ, Grant được biết đến là một trong hai huyền thoại có thể giúp các nhà khảo cổ vén màn những bí ẩn của lịch sử. Vị còn lại là ai? Giữ bí mật chút nhé, rồi chúng ta sẽ lắng nghe phân giải vào lần sau.
Theo Epoch Times-Hương Thảo biên dịch