Gà Đông Tảo là loại gà độc đáo của Việt Nam và từng là đặc sản mà chỉ vua chúa mới được thưởng thức.
Le Van Hien, một nông dân ở miền bắc Việt Nam, cẩn thận lựa chọn con gà tốt nhất từ đàn 2.000 con “gà rồng” của mình, một giống gà nổi tiếng với đôi chân dày và có thể bán với giá rất cao.
Giống gà của anh Hien được biết đến nhiều hơn với tên gọi gà Đông Tảo, được đặt tên xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Giống gà này được săn lùng vì đôi chân sần sùi, được coi là món ngon và đặc biệt phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam. Bên cạnh đó, gà Đông Tảo còn là giống gà quý hiếm thuần chủng của Việt Nam, vào thời xa xưa thường được dùng để tiến vua và hiện nay đã trở thành đặc sản chỉ những người có điều kiện mới săn lùng.
Trong cuộc phỏng vấn của AFP, con gà nặng 4kg với đôi chân chiếm khoảng 1/5 trọng lượng cơ thể của anh Hien được bán với giá khoảng 3,6 triệu VNĐ. Nhưng những con gà có trọng lượng lớn hơn và ngoại hình xuất sắc có thể được bán với giá cao hơn nhiều – lên tới gần 48 triệu đồng một con. Tuy nhiên, số lượng gà có giá cao như vậy không nhiều, thậm chí 1000 con mới chọn được 1 con.
Vì sao gà Đông Tảo đắt như vậy?
Trước hết, chúng ta phải “chiêm ngưỡng” đôi chân khổng lồ của chúng. Để những đôi chân phát triển được như vậy, rõ ràng gà Đông Tảo tiêu thụ một lượng rất nhiều thức ăn. AFP cho biết chúng có một chế độ ăn nghiêm ngặt với ngô và gạo chất lượng cao.
Chế độ dinh dưỡng của gà Đông Tảo có thể nói là cao hơn các giống gà khác rất nhiều. Ngày thường, gà ăn ngô hạt, thóc ngâm, cá rô phi gỡ xương… Khi gần ngày xuất chuồng, gà được ăn thịt lợn, thịt bò, trứng gà cùng nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác để tăng mỡ, lông bóng mượt, thịt vừa có độ chắc, độ thơm và độ ngậy.
Ngoài ra, gà cũng cần có không gian rộng rãi để di chuyển và vận động, điều đó góp phần giúp phát triển cơ bắp và hương vị tổng thể đối với món ăn từ gà.
“Gà càng đi nhiều, cơ bắp càng to và khỏe”, anh Hien, người nuôi gà hơn 15 năm, cho biết.
Thịt gà Đông Tảo được đánh giá cao bởi độ dai và ít mỡ, chứa hàm lượng collagen cao mà theo anh Hien là “tốt cho sắc đẹp của phụ nữ”.
Anh Le Van Luan là khách quen mua gà Đông Tảo từ trại của anh Hien. Gà được anh Luan mua làm quà cuối năm cho đối tác làm ăn và người thân lớn tuổi.
“Cái ngon nhất của gà Đông Tảo là da ở chân. Chân càng to càng ngon”, anh nói.
Nhưng những con gà này không chỉ được đánh giá cao về hương vị mà còn vì vẻ đẹp của chúng, và đôi khi được tham gia các cuộc thi sắc đẹp. Chúng cũng được coi như một biểu tượng quyền lực và là một mặt hàng xa xỉ.
Kinh nghiệm dân gian cho biết, gà Đông Tảo đạt chuẩn phải có các đặc điểm như: đầu gộc tre, mình cốc (thân giống con cốc), cánh vỏ trai (cánh giống vỏ trai úp vào thân), đuôi nơm (giống cái nơm úp cá), mào mâm xôi, chân gà to, tròn, các ngón chân thẳng, múp, vảy thịt có da đỏ chứ không phải vảy xương và không bao giờ mọc thành hàng, không có cựa, bàn chân dày, cân nặng từ 4 đến 5 kg thậm chí có con đến 7kg.
Chế biến gà Đông Tảo như thế nào?
Luộc, rán, hầm và thậm chí nướng đều là những cách phù hợp để nấu gà Đông Tảo. Thông thường nhất, gà Đông Tảo được chế biến bằng cách luộc chín rồi chấm với nước chấm làm từ nước mắm, đường, nước cốt chanh và ớt. Gà Đông Tảo rán ăn với cơm cũng rất hợp. Trong khi đó, hầm thịt gà là một cách nấu truyền thống được ưa chuộng, gà thường được nấu với gừng, sả, hành và nước mắm.
Năm 2021, một chuyên gia ẩm thực đã kể lại trải nghiệm ăn gà Đông Tảo trên trang TVBS (Đài Loan, Trung Quốc). Món ăn được nấu trong bài viết là chân gà Đông Tảo hầm với ngải cứu và 11 loại thảo mộc khác nhau.
Chuyên gia ẩm thực mô tả cảm giác ăn chân gà Đông Tảo: “Ngay miếng đầu tiên đã thấy hoàn toàn khác biệt so với chân gà thường. Chân gà dày tới mức tôi không cắn được tới xương gà. Nước gà đậm đà và mỡ gà trào ra trong miệng ngay lập tức, quyện với vị da gà tạo thành một hương vị độc đáo khó tả.”
Theo Thể thao Văn hoá