TTO – Đó là hai trạng thái biểu lộ trong nhiều ý kiến tại tọa đàm “Công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi trong bối cảnh mới”, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 6-4.
Những hạn chế phát sinh từ thi giáo viên giỏi đã khiến Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để đổi mới cách công nhận giáo viên dạy giỏi, với mong muốn việc công nhận thực chất, có tác động tốt, có tính lan tỏa trong môi trường dạy học, giáo dục tại các nhà trường phổ thông.
Ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Bộ GD-ĐT, cho biết dự thảo quy định về việc này sẽ công bố trong thời gian tới.
Đề xuất thay thi bằng xét
Tại tọa đàm, Bộ GD-ĐT gợi mở hướng đổi mới công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Theo đó, thay đổi cơ bản, chuyển từ tổ chức hội thi sang xét thông qua điều kiện, tiêu chí, minh chứng và hồ sơ.
Ưu điểm có thể nhìn thấy từ hướng gợi mở này là sự công nhận giáo viên giỏi sẽ căn cứ vào quá trình, thực tiễn dạy học, giáo dục học sinh, bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp đã ban hành.
Người đăng ký công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường sẽ phải trình bày báo cáo chuyên đề trước hội đồng thể hiện các giải pháp của mình đạt được hiệu quả, chất lượng như thế nào. Trong các tiêu chí minh chứng làm căn cứ xét công nhận có ý kiến đánh giá của phụ huynh, học sinh.
Theo ông Hoàng Đức Minh, dự thảo mới về công nhận giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ không quy định 2 năm/lần đối với cấp huyện và 4 năm/lần với cấp tỉnh, thành phố nữa, mà thực hiện từ cấp trường lên đến tỉnh, thành phố ngay trong một năm học.
Nuối tiếc các hội thi
Bà Trần Thị Hải Yến – hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội) – nói “cực kỳ tiếc” hội thi giáo viên giỏi. Dù có mặt trái, nhưng ít nhất phần “hội” đem lại hiệu quả mà nếu bỏ đi thì các công việc khác không làm thay cũng không bù đắp được.
Tất nhiên sẽ có áp lực, nhưng mặt được nổi bật là sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, thực chất. Sau cuộc thi, mỗi thầy cô giáo ấy lại trở thành một cán bộ cốt cán về phương pháp.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Vân Anh (Trường THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) – từng đạt danh hiệu giáo viên giỏi nhiều năm – cho rằng chính việc tham gia các hội thi đã giúp cô học hỏi thêm được nhiều và trở nên tự tin, có kinh nghiệm hơn khi nói đến đổi mới phương pháp dạy học.
Nhiều thầy cô cho rằng dù chuyển từ thi sang xét, nhưng ít nhất cấp trường vẫn phải tổ chức các cuộc thi giáo viên giỏi, tạo thêm những dịp hội giảng để giáo viên có dịp nhìn lại chính quá trình dạy học của mình.
Các cơ quan quản lý giáo dục cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Ông Nguyễn Văn Đầm – trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình – khẳng định các hội thi ở Thái Bình đều “không thấy gì là áp lực”. Nếu chỉ xét giáo viên giỏi thì các trường cũng sẽ vẫn tổ chức hội giảng vào các dịp đặc biệt. “Nếu không có hội giảng thì coi như không có phong trào thi đua hai tốt” – ông Đầm nêu quan điểm.
Ông Bùi Tiến Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội – cho rằng ngay cả khi xét giáo viên giỏi thì trong quá trình xét, giáo viên cũng phải chứng tỏ khả năng của mình thông qua cuộc thi.
Theo ông Dũng, không nên nặng nề hay phủ nhận các hội thi vì không chỉ riêng nhà giáo, mà nhiều ngành nghề khác cũng có những cuộc thi để tìm và công nhận danh hiệu chuyên môn giỏi cho người xứng đáng.