Mua những chiếc Lamborghini mới mỗi chiều không thể làm cạn kiệt lượng tiền vô tận trong tay các tỷ phú. Nhưng đôi khi giàu chưa chắc đã sướng, nhiều người giàu gặp phải vấn đề tâm lý do khối lượng tài sản của mình gây ra.
Chán nản vì quá giàu
Vào cuối những năm 1990, Internet đã tạo ra hàng nghìn triệu phú và một số ít tỷ phú ở thung lũng Silicon. Các doanh nhân sớm đón đầu làn sóng đột nhiên thấy mình ở vị trí xa lạ: Trước đây khi mới khởi nghiệp họ phải làm việc 80 tiếng/tuần còn bây giờ lại nhàn rỗi bất ngờ.
Đối với các triệu phú, một cuộc sống thoải mái và tự do theo đuổi những điều mới đang nằm trong tay họ. Còn với các tỷ phú, mua những chiếc Lamborghini mới mỗi chiều không thể làm cạn kiệt lượng tiền mặt vô tận trong tay.
“Toàn bộ triết lý về tiền bạc của bạn sẽ thay đổi,” tác giả Richard Frank viết trong cuốn sách “Richistan”, “Bạn nhận ra rằng bạn không thể tiêu hết tài sản của mình, hoặc thậm chí một phần trong số đó trong suốt cả cuộc đời và tiền của bạn có thể sẽ tăng lên theo năm tháng ngay cả khi bạn chi tiêu xa hoa.”
Có những doanh nhân công nghệ có thể sống theo lối sống thuộc top 1% người Mỹ và không thể tiêu hết tiền trong 4.000 năm. Những người mà nhà báo nổi tiếng Bill Simmons gọi là “người giàu có trong bộ đồ ngủ”, giàu đến mức họ có thể đến một nhà hàng 5 sao hoặc ngồi ghế Courtside (khu vực VIP cho khách hạng sang) ở vòng loại trực tiếp NBA trong bộ đồ ngủ, không cần trưng diện chứng minh sự giàu có với bất cứ ai.
Và điều kỳ lạ là không ít người trong số họ trở nên hoàn toàn chán nản. Đó là bởi thành công bất ngờ khiến họ cảm thấy mất phương hướng, thậm chí cảm thấy mình bị mắc kẹt, khó phát triển xa hơn. Các nhà hoạch định tài chính nói rằng đây là lý do tại sao một tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên những người giàu có nhanh chóng bị trầm cảm.
Như nhà trị liệu Manfred Kets de Vries từng nói trong một cuộc phỏng vấn với The Telegraph: “Khi có sẵn số tiền gần như vô hạn, nạn nhân chìm vào một loại quán tính”. Còn theo cố vấn tài chính Susan Bradley, khi động lực xây dựng trong thời gian dài kết thúc, “cảm giác rơi xuống vực thẳm, tê liệt và thực sự ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của chúng ta”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người giàu có, đặc biệt là những người giàu nhờ thừa kế, xổ số hoặc bán doanh nghiệp thường không hạnh phúc hơn khi đột nhiên sở hữu tài sản khổng lồ. Một tỷ lệ đáng kể trong số họ tin rằng sự giàu có của họ gây ra nhiều vẫn đề hơn.
Trường hợp người có cuộc sống đi xuống sau thành công không hề khó bắt gặp. Buzz Aldrin, được mệnh danh là phi hành gia của thập niên 1960, người thứ 2 đặt chân lên mặt trăng, trở về nhà sau sứ mệnh lịch sử Apollo lại lâm vào trầm cảm nặng nề, cuộc sống bỗng chốc trở nên tồi tệ. Ông trải qua 3 cuộc hôn nhân và viết 2 cuốn hồi ký về sự đau khổ của mình.
Neil Armstrong, người đàn ông bước ra khỏi tàu Apollo 11 ngay trước Aldrin, đã dành vài thập kỷ tiếp theo để tìm hiểu xem mình nên làm gì với cuộc đời mình. Ông dạy học một thời gian ngắn rồi đột ngột bỏ việc. Armstrong tham gia cố vấn cho NASA, thực hiện 1 quảng cáo cho Chrysler rồi đồng thời từ bỏ tất cả. Ông cũng trốn tránh những người xin chữ ký và kiện các công ty sử dụng tên của mình trong quảng cáo.
Chắc chắn có nhiều yếu tố góp phần vào sự sa sút sau khi những người đàn ông này đi bộ trên mặt trăng. Còn với họ, có lẽ câu hỏi: Bạn sẽ làm gì sau khi đi bộ trên mặt trăng? trở thành một gờ giảm tốc khổng lồ. Cũng giống như các tỷ phú, khi đạt đến đỉnh cao, động lực của họ thường dừng lại, như thể giờ đây họ chỉ là người cổ vũ trên võ đài thay vì trực tiếp tham gia trận đấu.
Đây cũng là lý do chỉ ⅓ người Mỹ hài lòng với công việc của họ. Khi không có động lực tiến lên trong sự nghiệp chúng ta dễ cảm thấy chán nản. Vậy làm thế nào để một tỷ phú tránh trầm cảm, hay một người bình thường tránh sự bế tắc, thiếu động lực trong công việc?
“Chiến thắng nhỏ”, động lực lớn
Giáo sư Teresa Amabile của Trường Kinh doanh Harvard đã đưa ra câu hỏi này vào giữa những năm 2000 trong một nghiên cứu về nhân viên văn phòng. Cô ấy giao cho 238 nhân viên văn phòng có công việc tẻ nhạt trong các lĩnh vực khác nhau nhiệm vụ ghi nhật ký hàng ngày. Các nhân viên sẽ trả lời các câu hỏi mở về cảm giác của họ, những sự kiện nổi bật trong ngày của họ. Sau đó, Amabile và các đồng nghiệp đã “mổ xẻ” 12.000 kết quả, tìm kiếm điều ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đời sống công việc “bên trong” của mọi người.
Câu trả lời chỉ đơn giản là sự tiến bộ, một cảm giác chuyển động về phía trước, bất kể nhỏ như thế nào. Amabile cũng phát hiện ra rằng những thành tựu nhỏ trong công việc gần như có sức mạnh tâm lý ngang với những đột phá lớn.
Các doanh nghiệp cần giúp nhân viên của họ trải nghiệm nhiều chiến thắng nhỏ, thúc đấy họ không ngừng phát triển. Kết quả của ghiên cứu này cũng là gợi ý về những gì các tỷ phú và phi hành gia có thể làm để ngăn chặn sự chán nản sau khi đạt đến đỉnh cao.
Joan DiFuria và Stephen Goldbart, những người đồng sáng lập Viện MMC (Mỹ) để thoát khỏi cảm giác chán nản, chỉ đơn giản là phải bắt đầu lại từ đầu. Đây là lý do tại sao rất nhiều người tạo ra các doanh nghiệp mới dù họ chẳng cần nhiều tiền hơn, lý do tỷ phú như Andrew Mason của Groupon và Paul Allen của Microsoft thành lập các ban nhạc.
Ngay cả khi những thành tựu sau đó rất nhỏ, nhưng chúng có thể ngăn chặn sự trầm cảm bằng cách đạt được tiến bộ về bất kỳ thứ gì. Họ chỉ cần chắc chắn rằng mình đang tiếp tục di chuyển. Nhà tâm lý học Karl Weick của Đại học Michigan (Mỹ) gọi đây là “những chiến thắng nhỏ, dù có tầm quan trọng vừa phải nhưng có khả năng thúc đẩy những thành tựu tiếp theo”.
Không phải mọi phi hành gia đều phải vật lộn sau khi trở về không gian như Buzz Aldrin. Phi hành gia huyền thoại John Glenn tham gia chính trị. Người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ Alan Shepard trở thành doanh nhân thành đạt. Alan Bean, người đã đi bộ trên mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 12, đã trở thành một họa sĩ. Mỗi người đều biến động lực của mình thành một thứ gì đó giữ cho bánh xe cuộc sống tiếp tục quay.
Đối với những người đang thiếu động lực, sự chán nản một phần đến từ cảm giác thiếu kiểm soát. “Những chiến thắng nhỏ là cơ hội bạn có thể kiểm soát được, tạo ra kết quả rõ ràng. Và đó là tất cả những gì cần thiết để bắt đầu cảm thấy tốt hơn”, nhà tâm lý học Karl Weick nói.
Theo Business Insider-Phương Linh–Thể thao & Văn hóa