Tiềm năng đất hiếm của Việt Nam có sức hấp dẫn không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới, có thể kể đến Nhật Bản, Australia và Canada.
Vai trò của Việt Nam
Theo Argus Media – công ty nghiên cứu thị trường thế giới có trụ sở tại London, Việt Nam đang tự định vị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu để các quốc gia dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, giữa bối cảnh nhu cầu đối với một loạt các sản phẩm công nghệ cao cũng như mở rộng nguồ cung ứng đang tăng lên.
Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam được ước tính có nguồn tài nguyên đất hiếm có thể khai thác lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, với trữ lượng 22 triệu tấn so với 44 triệu tấn của Trung Quốc.
Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng đất hiếm mặc dù đã có nhiều năm thăm dò. Việt Nam chỉ khai thác 400 tấn đất hiếm vào năm 2021, giảm từ 700 tấn vào năm 2020, dữ liệu của USGS cho thấy, thấp hơn so với mức 140.000 tấn vào năm 2020 của Trung Quốc và 168.000 tấn vào năm 2021.
Nhật Bản đã có mong muốn hợp tác với Việt Nam vào năm 2010 sau khi một số tranh chấp khiến Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang nước này. Thống kê thương mại của Nhật Bản cho thấy Việt Nam là nước xuất khẩu kim loại đất hiếm lớn thứ hai sang Nhật Bản sau Trung Quốc. Do đó, Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng là một nguồn cung cấp đất hiếm ổn định cho Nhật Bản và các nước khác trong tương lai.
Nhật Bản là nhà sản xuất đất hiếm chứa nam châm vĩnh cửu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong thập kỷ qua nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu không tới từ Trung Quốc. Động lực phát triển nguồn cung tại Việt Nam chậm lại sau khi Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa thương mại. Nhưng hiện tại, chính phủ Nhật Bản tỏ ra có mối quan tâm mới với đất hiếm khi áp dụng chiến lược an ninh quốc gia khuyến khích các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của họ.
Đất hiếm là nguyên liệu thô quan trọng không chỉ cho xe điện và tua-bin gió – vốn là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch – mà còn cho các thiết bị điện tử, y tế và thiết bị quân sự.
Gần đây, các quốc gia khác đã bắt đầu để mắt tới Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn cung trước khi đất hiếm được khai thác lên mặt đất bằng cách đầu tư vào các dự án phát triển.
Nền kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh — theo ước tính của Fitch Solutions đạt 7,8% vào năm 2022 và 6,5% trong năm nay. Và Việt Nam đang trở thành một cơ sở khu vực ngày càng hấp dẫn đối để các công ty ứng phó với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng hậu Covid và chi phí lao động Trung Quốc gia tăng.
Tiềm năng hợp tác
Việt Nam đang trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng ở Đông Nam Á đối với các thiết bị và linh kiện điện tử, đồng thời là một trong những thị trường năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất. Một số quốc gia đang hình thành quan hệ đối tác với chính phủ Việt Nam và các công ty tư nhân nhằm thiết lập chuỗi cung ứng tích hợp cho đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác.
Đầu tháng 12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã ký thỏa thuận với người đồng cấp Hàn Quốc về hợp tác thăm dò và phát triển các khoáng sản cốt lõi bao gồm đất hiếm tại Việt Nam để cung cấp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang đã đề xuất tăng cường hợp tác về cung cấp đất hiếm vào tháng 8 và cử một nhóm nghiên cứu để tìm cách phát triển lĩnh vực này.
Các công ty Australia cũng đang xem xét đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam, bao gồm Công ty Khoáng sản Chiến lược Australia (ASM), công ty đã ký một thỏa thuận vào giữa tháng 12 với Công ty Đất hiếm Việt Nam để cung cấp dài hạn oxit đất hiếm nhằm tạo nguồn cung nguyên liệu cho Nhà máy kim loại Hàn Quốc của ASM trước khi mỏ Dubbo bắt đầu hoạt động.
Canada đã tăng cường thương mại với Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương và vào tháng 12, tỉnh Saskatchewan của Canada đã cử một phái đoàn đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội tiềm năng khác. Đại diện thương mại và xuất khẩu của Saskatchewan ghi nhận tiềm năng hợp tác giữa các quốc gia về năng lượng xanh, bao gồm khai thác bền vững và các nguyên tố đất hiếm.
Theo Tất Đạt-Theo Nhịp sống thị trường