Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi yến ở tỉnh Bình Phước đã cải thiện được những hạn chế nêu trên nhờ áp dụng khoa học công nghệ mới, không chỉ giúp tăng đàn mà còn hạn chế ô nhiễm tiếng ồn xung quanh.
Nuôi chim yến mang lại giá trị kinh tế cao, vì vậy những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hoạt động xây nhà yến phát triển mạnh. Tuy nhiên, cũng không ít người thất bại vì đàn yến không phát triển hoặc phát triển chậm do nhiều yếu tố khác nhau. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi yến đã cải thiện được những hạn chế nêu trên nhờ áp dụng khoa học – công nghệ mới, không chỉ giúp tăng đàn mà còn hạn chế ô nhiễm tiếng ồn xung quanh.
Tạo môi trường sống phù hợp, ổn định cho chim yến
Trước thất bại của chính mình và nhiều gia đình nuôi yến ở địa phương, năm 2020, anh Đặng Văn Tiến, Giám đốc Công ty Bảo tín Rồng vàng JSC ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập sang Malaysia học tập kinh nghiệm nuôi chim yến.
Theo anh Tiến, nhà nuôi yến ở Việt Nam và Malaysia về hình thức giống nhau, nhưng khác về tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ.
Sau khi nắm bắt kỹ thuật, công nghệ mới, anh Tiến trở về cải tạo lại nhà nuôi yến của gia đình. Anh điều chỉnh lại toàn bộ phương hướng, cấu trúc thông tầng nơi yến ra vào; vị trí loa, dàn âm… Qua đó đảm bảo các yếu tố về mùi, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, hướng gió và cường độ âm thanh phù hợp.
Hầu hết những người nuôi yến ở Việt Nam thường dùng phân yến rải trong nhà nuôi để tạo mùi dụ yến ở lại, điều này không những không hiệu quả mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Còn các nhà yến ở Malaysia, môi trường bên trong được xử lý bằng công nghệ vi sinh tổng hợp từ 11 loại vi sinh ngủ đông.
Sau khi phun loại vi sinh này sẽ làm phân hủy phân yến và các chất hữu cơ khác. Đồng thời còn giúp diệt nấm mốc, vi khuẩn để nhà yến sạch sẽ, tổ yến trắng, đẹp, không bị biến chất.
Âm thanh dụ yến được điều chỉnh ở mức nhỏ vừa phải, khi đàn yến đạt từ 200-300 con sẽ tiến hành “cai âm”. Các yếu tố nêu trên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường bên trong nhà yến và tiếng ồn xung quanh.
Anh Tiến chia sẻ: “Khi mình học hỏi kinh nghiệm nuôi chim yến bên Malaysia thì mới nhận ra nguyên nhân thất bại. Yến nuôi khác với yến đảo tự nhiên, nếu muốn thành công thì phải am hiểu, tạo môi trường sống phù hợp và ổn định cho yến. Sau khi mình cải tạo lại nhà nuôi chim yến theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vi sinh thì 5-6 tháng đã thấy hiệu quả rõ rệt”.
Hiệu quả kinh tế từ công nghệ nuôi chim yến mới
Những ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong thiết kế xây dựng cùng với việc xử lý môi trường bằng công nghệ vi sinh của anh Tiến đã khắc phục được nhiều điểm yếu của nhà yến.
Thời gian qua, nhiều người nuôi yến trên địa bàn tỉnh từ chỗ thất bại đã thành công nhờ áp dụng công nghệ mới này. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người nuôi yến, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Phun công nghệ vi sinh tổng hợp ngủ đông là công nghệ mới và là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo môi trường sống phù hợp của chim yến
Anh Đặng Văn Tiến, Giám đốc Công ty Bảo tín Rồng vàng JSC: Công nghệ – kỹ thuật làm nhà yến được chuyển giao từ Malaysia về có nhiều ưu điểm, như: Âm thanh cực nhỏ vẫn dẫn dụ được những con chim ban đầu vào nhà và phát triển tăng đàn đều theo thời gian; môi trường sống trong nhà yến luôn đảm bảo ổn định về nhiệt độ, không khí; không dùng bất kỳ chất dụ yến nào và tạo môi trường sống phù hợp.
Tuy nhiên, không vì chắc chắn đảm bảo kỹ thuật mà đầu tư ồ ạt, người nuôi cần tuân thủ nghiêm quy định của Luật Chăn nuôi, phát triển vùng nuôi chim yến phù hợp, không gây ảnh hưởng đến đời sống của dân cư tại khu vực.
Với mong muốn có thu nhập khá từ “lộc trời”, năm 2018, ông Nguyễn Minh Chiến ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập bỏ ra hơn 1,2 tỷ đồng đầu tư xây nhà yến.
Để đảm bảo, ông Chiến thuê kỹ thuật đến hỗ trợ thường xuyên, nhưng sau hơn 3 năm đàn yến vẫn không tăng lên. Trong lúc chán nản, thông qua một người bạn “mách nước”, ông Chiến chủ động liên hệ với anh Tiến để được hỗ trợ. Sau khi áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới, nhà yến của gia đình ông bắt đầu có sự chuyển biến tích cực.
“Sau 3 năm, qua nhiều lần liên hệ đội kỹ thuật đến sửa chữa, điều chỉnh âm thanh… tôi thấy cũng không thay đổi gì. Nhưng khi được anh Tiến hỗ trợ điều chỉnh lại toàn bộ, sau 10 tháng đã có sự thay đổi rõ rệt. Qua theo dõi, đàn chim và tổ tăng lên theo từng tháng” – ông Chiến cho hay.
Nhà nuôi chim yến của hộ ông Đoàn Lê Minh ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) cũng tương tự. Qua học hỏi bạn bè nhiều nơi ông tự tin bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây nhà nuôi yến.
Nhưng sau gần 1 năm, đàn yến vẫn phát triển chậm vì âm thanh dụ yến chưa đạt chuẩn, môi trường sống không đúng kỹ thuật gây ô nhiễm. Nhưng sau khi áp dụng kỹ thuật và công nghệ vi sinh, nhà yến của gia đình ông bắt đầu có sự thay đổi về đàn lẫn chất lượng tổ.
Ông Minh chia sẻ: “Qua bạn bè giới thiệu, tôi gặp được anh Đặng Văn Tiến. Anh Tiến đã hỗ trợ về kỹ thuật, chỉnh lại hướng bay của chim, gắn lại đường loa, chỉnh lại dàn âm, dùng thuốc vi sinh để phun trong nhà yến… Qua 5 tháng áp dụng tôi thấy đàn yến bắt đầu tăng và làm tổ nhiều hơn. Đặc biệt là tổ yến đẹp, trắng và ít lông hơn so với trước”.
Văn Đoàn (Báo Bình Phước)