TTO – Dường như khi tranh luận về một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều người đã hiểu sai và nhầm lẫn giữa chương trình với sách giáo khoa.
Trao đổi bên lề hội thảo góp ý cho dự án Luật giáo dục (sửa đổi) do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 5-4, GS Nguyễn Minh Thuyết – tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – đã giải thích rõ với Tuổi Trẻ về điều này.
Chỉ có một chương trình
GS Thuyết cho biết: “Việc thực hiện một chương trình với một số sách giáo khoa (SGK) đã được đưa ra bàn nhiều ở Quốc hội khóa XIII để cuối cùng thống nhất đưa vào nghị quyết 88.
Việc để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK là nhằm phá thế độc quyền, nâng chất lượng SGK, đa dạng hóa nguồn SGK – tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh trong dạy và học, đồng thời tăng cơ hội chọn lựa bộ sách hoặc một số cuốn sách phù hợp với vùng miền, địa phương”.
Thế nhưng đã có không ít người, trong đó cả các trí thức, những người có tiếng nói ảnh hưởng đến xã hội cũng không hiểu đúng khái niệm “chương trình” và “SGK”.
Theo nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện Bộ GD-ĐT đã xây dựng một chương trình duy nhất áp dụng trên toàn quốc. Chương trình này mang tính pháp lệnh để giáo viên, học sinh căn cứ vào đó dạy và học, các cơ sở đào tạo căn cứ để kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và ra đề thi trong các kỳ thi cấp quốc gia.
Chương trình chỉ có một, nhưng SGK có thể có nhiều bộ, nhiều sách trong cùng một môn do các tổ chức, cá nhân biên soạn, được phát hành, sử dụng sau khi qua thẩm định của hội đồng thẩm định quốc gia.
Những tổ chức, cá nhân biên soạn SGK phải tuân thủ tiêu chí do Bộ GD-ĐT ban hành và bám sát chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học đã được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Như vậy, chương trình không phải là SGK. SGK chỉ là tài liệu, là chất liệu để thực hiện chương trình. Do đó, không có chuyện mỗi địa phương sẽ dạy một chương trình.
Ngay trong hội thảo của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, khi phát biểu cũng nhầm SGK với tài liệu giáo dục của địa phương, nhầm giữa quy định “viết SGK” và quy định “chọn SGK” nên phản đối việc để các trường, địa phương tự do viết sách.
Về điều này, GS Thuyết giải thích các tổ chức, cá nhân có điều kiện có thể viết SGK, nhưng sách có được dùng hay không còn phải được thẩm định. Các cơ sở giáo dục, cụ thể là giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh được quyền lựa chọn bộ sách, cuốn sách đã qua thẩm định để sử dụng. Chứ không phải ai viết sách cũng được tự ý đưa vào nhà trường.
Cũng chưa hiểu tường minh về việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”, tại hội thảo trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – thành viên Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật VN – cho rằng: “Bộ GD-ĐT cần biên soạn một bộ SGK mang tính chính thống. Các trường phổ thông công lập sử dụng duy nhất bộ sách này. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân có thể biên soạn các bộ sách khác sử dụng trong các trường ngoài công lập”.
Ông Long bày tỏ quan điểm: “Phụ huynh học sinh bỏ tiền cho con học ngoài công lập thì không được thắc mắc, còn các trường công lập phải sử dụng bộ SGK chính thống” (?!).