Sắc đẹp của Điêu Thuyền được xem là thứ vũ khí mạnh nhất của thời Tam Quốc.
Huyền sử hay hiện thực?
Điêu Thuyền vì đại nghĩa
Hy sinh hết thân mình,
Trăng sáng, nàng ở đâu?
Cuối thời Đông Hán, đất nước Trung Quốc lâm vào cảnh loạn lạc, chiến tranh liên miên. Trong triều, do bọn hoạn quan hoành hành quá mức, Đại tướng quân Hà Tiến và một số đại thần chủ trương mời Tây Lương hầu Đổng Trác mang quân từ Tây Lương về lập lại trật tự. Không ngờ, Đổng Trác cậy công và có dã tâm nên tình hình triều đình vẫn không yên, vua và quan lại trở thành con rối trong tay Đổng Trác.
Quan Tư đồ Vương Doãn muốn trừ bỏ Đổng Trác nhưng chưa có dịp nên bên ngoài giả vờ phục tùng Trác và bí mật lên kế sách được ông gọi là “Liên hoàn Mỹ nhân kế” mục đích khiến Đổng Trác và Lã Bố tự diệt lẫn nhau.
Vương Doãn có một người con gái nuôi tên là Điêu Thuyền (sinh vào khoảng năm 175) lúc đó vừa qua tuổi trăng tròn nên tuyệt đẹp, lại thạo múa hát. Người thời đó ca tụng, nàng có vẻ đẹp “Bế nguyệt” (nguyệt thẹn – nghĩa là đẹp khiến trăng thẹn mà nấp sau mây).
Mỗi khi trăng lên nàng ra vườn chơi hóng mát, thì vầng trăng được ví là Hằng Nga dường như thẹn rằng mình quá thua kém Điêu Thuyền nên phải chui vào mây, nói cách khác: Trăng mờ trước vẻ đẹp của Điêu Thuyền.
Có truyền thuyết nói nàng tên thật là Nhâm Hồng Xương, do vào hậu cung của Hán Linh đế, được nhận một chức quan nhỏ là “điêu thuyền”, do đó mới có tên gọi như vậy.
Đổng Trác sở dĩ tác oai, tác quái vì chiêu mộ được một dũng tướng trẻ là Lã Bố (tước Ôn hầu) làm tâm phúc, nhận làm con nuôi. Tháng 4/192, Vương Doãn mời Lã Bố đến chơi rồi hứa gả Điêu Thuyền nên Lã Bố mừng lắm. Sau đó, Vương Doãn lại bí mật mời Đổng Trác đến nhà dự tiệc. Khi nhìn thấy Điêu Thuyền ra mời rượu và múa một điệu ngắn để góp vui, Đổng Trác nhìn như ngây dại si mê.
Lúc đó, Vương Doãn mới thưa với Đổng Trác: “Nghĩa nữ của tôi là Điêu Thuyền đó, nếu thái sư không chê thì xin cho được nâng khăn sửa túi”. Trác gật gù: “Tốt lắm, ta có thể đón nàng về hôm nay được không?”.
Đã có sự liệu từ trước nên 2 cha con Vương Doãn đồng ý. Đổng Trác sai người lập tức về nhà lấy lễ vật sang coi như đồ sính lễ rồi lập tức đưa Điêu Thuyền lên xe, hô quân tiền hô hậu ủng về phủ.
Nhận được tin báo, Lã Bố nổi giận vác kích đến phủ Vương Doãn trách mắng om sòm. Vương Doãn giả vờ buồn rầu nói rằng: “Tôi đâu dám sai lời hứa, chỉ vì thái sư nhìn thấy tiểu nữ của tôi liền đòi tôi phải tiến cho ngài ấy ngay. Tôi định phân bua về việc cháu đã có nơi chốn nhưng thái sư cứ gạt đi. Tướng quân gần thái sư đã lâu chắc hiểu tính tình ngài. Vả chăng, hiện nay thái sư quyền nghiêng thiên hạ, chúng tôi làm sao dám trái ý”.
Nói xong, Vương Doãn lại sụt sùi, nắm lấy tay áo của Lã Bố, dường như đứng không vững. Lã Bố nguôi giận, đỡ Vương Doãn rồi nói: “Tiểu tử đã trách nhầm tư đồ rồi, chỉ tại cái lão thất phu họ Đổng”.
Biết Lã Bố đã mắc mưu, Vương Doãn kích động, cuối cùng Lã Bố nhận lời cùng các trung thần nhà Hán giết Đổng Trác lập công và giành lại Điêu Thuyền.
Nguyên nàng Điêu Thuyền rất đẹp. Sách chép rằng nàng có khuôn mặt kiểu “thái dương”: Mặt hơi nhỏ, thon, đầy đặn, cằm hơi nhọn. Môi mỏng nhưng hồng, ít mín lại; mũi hơi quặp.
Mắt trong xanh, ngời sáng, mở rộng. Đó là người thông minh, sáng tạo, suy nghĩ trong sáng, nhân từ, nhạy cảm. Khi biết cha nuôi có chí giúp nhà Hán, trừ Đổng Trác mà không có kế sách gì, muốn dùng Điêu Thuyền nhưng không nỡ, cứ buồn rầu, suy tư không ăn ngủ được, chính Điêu Thuyền đã chủ động xin cha nuôi đừng lo nghĩ, nàng tình nguyện hy sinh vì nghĩa lớn.
Vương Doãn đã khâm phục vái tạ đứa con nuôi rồi 2 cha con bàn nhau thực hiện kế hoạch nói trên.
Thực ra Vương Doãn cũng biết Điêu Thuyền phận mỏng, khó tránh kiếp nạn nên khi quyết định cho nàng tham dự “mỹ nhân kế” lòng ông càng xót thương bội phần.
Nhìn nghĩa nữ, Vương Doãn thấy dưới 2 mắt có lệ đường (nơi nước mắt thường đọng lại) sâu, hẹp cũng biết tình duyên sẽ kết cục không tốt. Sau này, Lã Bố giết Đổng Trác lấy Điêu Thuyền làm thiếp. Được ít lâu Tào Tháo nổi lên vây Từ Châu bắt giết Lã Bố ở lầu Bạch Môn, Điêu Thuyền lại bơ vơ.
Biết nàng đẹp, Tháo đến sủng hạnh vài lần. Khi Quan Công thất thủ Hạ Bì phải nương nhờ Tào Tháo, Tháo định gả Điêu Thuyền cho Quan Công. Có sách chép: Quan Công cho rằng Điêu Thuyền là mầm tai họa nên giết chết, có sách lại chép: Quan Công lấy làm thiếp, yêu quý vô cùng; lại có sách viết rằng: Nàng tìm đến nương nhờ cửa Phật những năm tháng cuối đời.
Theo Giáo dục & Thời đại