Đó là nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Trong khi, cũng theo vị chuyên gia này, quản trị công ty là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh.
Tại Hội nghị ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp ngày 15/5 vừa qua, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kể lại: “Gần đây, một công ty trong ngành xây dựng đang hoạt động rất bình thường. Tuy nhiên sau khi nhiều cổ đông thực hiện mua, bán cổ phần và thiết lập nên các nhóm cổ đông mới, trong công ty đó liền xảy ra nhiều tranh chấp”.
Ông Hiếu cho rằng tranh chấp này bắt nguồn từ nhiều yếu tố nhưng một trong những nguyên nhân cốt lõi là do quản trị công ty không tốt.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sau một thời gian xảy ra hiện tượng tranh chấp giữa các nhóm 2-3 bạn trẻ với nhau hay sự sụp đổ trong ngành cà phê, tơ lụa… theo ông Hiếu là đều xuất phát từ công tác quản trị công ty yếu kém.
Chuyên gia này nhìn nhận, Việt Nam có rất nhiều điểm yếu nhưng quản trị doanh nghiệp là một điểm rất yếu.
Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN năm 2017 cho thấy các doanh nghiệp Việt được đo lường ở mức 41,3 điểm trên thang điểm 120, thấp hơn rất nhiều so với Indonesia (62,7 điểm), Malaysia (76,9 điểm), Singapore (78,1 điểm) hay Thái Lan (87,5 điểm).
“Nhiều người bảo Việt Nam ở mức trung bình yếu nhưng theo tôi, yếu là yếu, trung bình là trung bình, không có khái niệm trung bình yếu. Ta phải nhận ta yếu thậm chí kém”, ông Hiếu bình luận.
Chuyên gia đến từ CIEM cho rằng chỉ số về quản trị như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư không muốn đổ tiền vào mua cổ phiếu của công ty Việt Nam và chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác vì lo ngại xung đột nội bộ có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài việc giúp cải thiện hoạt động kinh doanh và khả năng quản lý rủi ro, quản trị tốt có khả năng giúp công ty tăng cơ hội tiếp cận vốn, cải thiện sự bền vững cho doanh nghiệp đồng thời giúp nâng cao giá trị cổ phiếu bởi theo McKinsey, nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn tới 40% cho những công ty quản trị tốt.
Khi đứng trước sự lựa chọn là hai công ty có cùng sản phẩm với cùng chất lượng, giá cả lại như nhau, rõ ràng, một công ty với hệ thống quản trị tốt sẽ có lợi thế hơn nhiều bởi nó ảnh hưởng đến quan hệ lâu dài, tránh được những mầm mống xung đột trong nội bộ.
Khi đánh giá về khả năng quản trị công ty, các chuyên gia quốc tế chỉ ra bốn giai đoạn bao gồm: Thức tỉnh, nâng cao nhận thức, đi vào áp dụng và thay đổi văn hoá quản trị công ty. Việt Nam, theo ông Hiếu là đang chuyển từ giai đoạn thức tỉnh sang nâng cao nhận thức trong khi nhiều nước đã bước sang giai đoạn cuối cùng.
Các chuẩn mực về liêm chính, chống tham nhũng, hành vi của người quản lý trong công ty cũng còn vô cùng xa lạ ở Việt Nam.
“Có một lần tôi tham gia chấm điểm bình chọn các doanh nghiệp niêm yết có mức độ quản trị tốt nhất, đa số doanh nghiệp đang nằm ở mức độ đáng khen, cơ bản, khích lệ… như cô giáo cấp 1 chấm điểm cho học sinh, còn chưa đến mức tạm gọi là trung bình”, ông Hiếu kể lại.
Trong số 5 yếu tố trong Thẻ điểm quản trị ASEAN 2017 bao gồm quyền cổ đông, đối xử công bằng giữa các cổ đông, vai trò các bên có liên quan, công khai và minh bạch và trách nhiệm của HĐQT thì Việt Nam có điểm rất thấp ở hai yếu tố cuối cùng.
Vấn đề được đặt ra là tại sao công ty các nước lại có thể minh bạch, công khai hoá, tại sao thành viên hội đồng quản trị của họ có trách nhiệm rất cao?
Giải pháp được nhiều người đưa ra là hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thay đổi thể chế, nâng cao chất lượng… Tuy nhiên ông Hiếu nhấn mạnh, khung khổ pháp lý không phải là vấn đề.
Cụ thể, Việt Nam từng đứng thứ 87/189 quốc gia trong xếp hạng về khung khổ quản trị doanh nghiệp của Ngân hàng thế giới năm 2017 với khung khổ pháp luật về quản trị khá đầy đủ, cao hơn rất nhiều so với Philippines, thấp hơn Indonesia một chút nhưng khả năng quản trị lại thấp hơn rất nhiều.
Luật pháp là một phần nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Chẳng hạn trong xếp hạng về khung pháp luật, Thái Lan xếp sau Singapore và Malaysia nhưng trên thực tế khả năng quản trị của Thái Lan đứng đầu khu vực. Philippines dù chỉ xếp thứ 137/189 về khung pháp luật nhưng chỉ số về quản trị công ty trên thực tế còn ngang ngửa Singapore và Indonesia.
Ông Hiếu cho rằng thay vì dựa vào mức độ tuân thủ về pháp luật, cam kết thực hiện quản trị tốt là cam kết của doanh nghiệp chứ không phải cam kết của chính phủ. Quản trị trước hết cần vì lợi ích của chính doanh nghiệp, vì cạnh tranh, sống còn và phát triển lâu dài thay vì hình thành hệ thống quản trị để đáp ứng yêu cầu pháp luật.
“Việc vươn xa hơn yêu cầu về tuân thủ và áp dụng thông lệ hàng đầu có thể giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động và gửi tín hiệu mạnh mẽ đến với thị trường, dẫn tới lợi thế cạnh tranh cho công ty”, đại diện CIEM nhấn mạnh.
Quản trị cần mang tính thực chất thay vì hình thức. Lập ra người quản trị nhưng lại không trao quyền thì chẳng khác nào một thành viên hội đồng quản trị bù nhìn.
Luật Doanh nghiệp quy định, đối với công ty chưa niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/5 số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập, con số này với công ty niêm yết là 1/3. Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định kể cả đáp ứng đúng với pháp luật nhưng những người nằm trong nhóm này có làm việc thực sự hiệu quả hay không vẫn là một dấu chấm hỏi.
“Có những trường hợp thành viên HĐQT độc lập do một thành viên HĐQT có tiếng nói đề cử, miễn là đáp ứng được yêu cầu trong luật định. Nếu muốn vì lợi ích chung của doanh nghiệp, việc bổ nhiệm phải trải qua một quá trình tuyển dụng công khai”, ông Hiếu khuyến nghị.
Chuyên gia này cho rằng, muốn cải thiện khả năng quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam thì không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà phải tiến dần để đến được giai đoạn thay đổi văn hoá mới hy vọng có quản trị tốt.
“Quản trị phải bằng trái tim chứ đừng quản trị vì pháp luật”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Quỳnh Chi (The Leader)