Cuộc sống cần phải nhìn về phía trước, bởi vì tương lai sẽ mang đến hy vọng. Tuy vậy, sống trên đời cũng cần biết nhìn lại mình, bởi vì chỉ khi biết nhìn lại bản thân mới thấy được con đường tương lai rộng mở…
Chỉ khi chúng ta có can đảm nhìn lại quá khứ thì mới có thể đón nhận được tương lai tốt đẹp. Tô Thức từng viết hai câu thơ trong bài ‘Hoán khê sa’ (Sơn hạ lan nha đoản tẩm khê) như sau:
“Thuỳ đạo nhân sinh vô tái thiểu,
Môn tiền lưu thuỷ thượng năng tê (tây)”
Tạm dịch:
“Ai bảo đời người không trẻ lại,
Nước chảy về tây trước hiên nhà”
Mọi người thường nhắc nhở nhau, sống trên đời thì hãy luôn nhìn về phía trước, mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp. Thế nhưng “luôn nhìn về phía trước” không thể giải khai hết được trạng thái tồi tệ ở hiện tại
Cuộc sống cần phải nhìn về phía trước, bởi vì tương lai sẽ mang đến hy vọng. Tuy vậy, sống trên đời cũng cần biết nhìn lại mình, bởi vì chỉ khi biết nhìn lại bản thân mới thấy được con đường tương lai rộng mở.
Nhìn lại để không quên lý do mình xuất phát
Trong bộ phim kịch truyền hình ‘Phù trầm’ (Chìm nổi), Bạch Bách Hà vào vai Kiều Lỵ, nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài.
Không lâu sau khi vào công ty làm việc, cô nhận được một đơn đặt hàng lớn của công ty nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Cũng bởi vì cô có mối quan hệ rộng với thành viên chủ chốt của công ty mà bị cuốn vào cuộc đấu tranh của ban lãnh đạo cấp cao.
Một ngày nọ, giám đốc marketing Steve gọi Kiều Lỵ lên văn phòng và dùng mọi cách để dẫn dắt cô với hy vọng cô có thể dùng danh nghĩa cá nhân gửi một lá thư báo cáo cho trụ sở chính ở Mỹ với nội dung: “Tổng giám đốc bán hàng Frank, nói bóng gió rằng cô ấy làm ăn phát đạt là nhờ giao dịch bằng tài sắc”.
Trên thực tế, Steve không cần “dùng tình để điều khiển, dùng lý để dẫn dụ”, trong quá trình đàm luận, Kiều Lỵ sớm đã biết bản thân chẳng qua chỉ là một quân cờ do ban lãnh đạo cấp cao của công ty bày ra.
Việc vận động hành lang của Steve kỳ thực chỉ là để xác nhận hoàn cảnh hiện tại của cô: Nếu không viết thư báo cáo thì hoàn cảnh tương lai của cô sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Lúc này, Kiều Lỵ đã nhớ lại ước nguyện ban đầu khi chuyển từ công việc quản lý sang bán hàng của mình: Cô hy vọng rằng thông qua nỗ lực của bản thân mà mang đến hạnh phúc cùng niềm vui cho người khác.
Nếu giờ đây cô đồng ý với hành động vu oan cấp trên của mình, chính là đã vi phạm với tâm nguyện ban đầu. Vì vậy, cô kiên quyết từ chối yêu cầu của Steve.
Trong Đạo Đức Kinh có nói: “Vạn vật trùng trùng đều trở về cội”.
Cho dù con người trên thế gian có sống vội vã đến đâu, chỉ khi không quên nguồn cội thì mới có thể tìm được nơi trở về.
Người sống trên đời sẽ gặp đủ loại cám dỗ, có người đi được nửa đường thì bước vào ngã rẽ, có người thậm chí còn phớt lờ mọi lời cảnh báo mà đi nhầm đường.
Trên đường đời ai cũng mong muốn thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình nhưng không thể vì bước đi trên đường quá lâu mà quên đi tâm nguyện thuở ban đầu.
Do vậy, khi bạn cảm thấy hoang mang thì đừng ngại dừng chân lại một chút, nhìn lại tâm nguyện xuất phát thuở ban đầu, để bản thân không đi lạc hướng, không nghiêng lệch và không lãng phí thời gian.
Quay đầu nhìn lại để ổn định bản thân
Bộ phim ‘Trung Quốc y sinh’ khiến chúng ta không khỏi chú ý đến diễn viên Viên Tuyền.
Phải nói rằng trong giới showbiz hiện nay, có rất ít diễn viên sẵn sàng sống hết mình cho vai diễn.
Năm 22 tuổi, Viên Tuyền đoạt giải Kim Kê Nữ, diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ tham gia bộ phim điện ảnh đầu tay ‘Xuân thiên đích cuồng tưởng’.
Sau đó, cô tham gia các bộ phim “Tình yêu màu xanh” và “Đôi chân xinh đẹp”, cả hai đều có tiếng vang và sự nghiệp của cô dần thăng tiến.
Vào thời điểm đó, cô vốn có thể đảm nhận vai diễn trong các tác phẩm điện ảnh lớn và trở thành ngôi sao hạng nhất, nhưng cô lại chọn dừng lại và vắng bóng trên sân khấu truyền hình. Cô quay trở lại với sân khấu kịch chưa thành danh để ổn định bản thân.
Nhiều người chê Viên Tuyền ngốc nghếch, nhưng cô nói: “Tôi làm diễn viên không phải vì kiếm được bao nhiêu tiền, mà chỉ đơn giản là thích diễn xuất và cảm giác chuyên chú”.
Từ đó về sau, cô bắt đầu tham gia câu lạc bộ kịch để học kịch bản. Chính trong khoảng thời gian này, kỹ năng diễn xuất của cô đã có một bước tiến nhảy vọt về chất lượng.
Trong kịch bản “Jane Eyre”, với sự thể hiện xuất sắc của mình, cô đã giành được “Giải thưởng Hoa Mai”, giải thưởng kịch nghệ quốc gia cao quý nhất.
Ở tuổi 30, cô đã trở thành thành viên của “Trung quốc thoại kịch bách niên danh nhân đường”.
Hiện nay, Viên Tuyền đã 44 tuổi, cô vẫn không rời ước nguyện thuở ban đầu với Hí kịch.
Kazuo Inamori nói: “Chỉ khi học được ổn định bản thân, bạn mới có thể sống theo cách mình muốn”.
Trên đời này, không có việc gì có thể thành công trong một sớm một chiều, không ai có thể lột xác trong nháy mắt. Việc trên đời không thể làm xong trong một khắc. Khi thấy khả năng không đủ để giúp bạn đạt được mục tiêu, bạn nên ổn định lại bản thân để tích lũy thêm sức mạnh. Chỉ khi tài năng tương xứng với hoài bão, bạn mới có thể theo gió vượt sóng căng buồm ra khơi.
Quay đầu nhìn lại để nhận ra chính mình
Người dẫn chương trình Bạch Nham Tùng từng nói: “Nếu để cho con chó xuất hiện trên truyền hình, nó sẽ trở thành con chó nổi tiếng. Nhưng bạn phải biết rằng, không có sân khấu truyền hình, chẳng bao lâu sau con chó sẽ trở về với cát bụi”.
Lời nói này tuy ‘thô’ nhưng không ‘tháo’.
Nếu một người không thể nhận ra vị trí của chính mình, tự đánh giá cao bản thân, thì chẳng những không đi được xa mà bay cũng không cao được.
Trịnh Bản Kiều, một nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh, đã từng có một trải nghiệm như vậy:
Một năm nọ, ông đến núi Vân Phong ở Lai Châu, tỉnh Sơn Đông để xem “Bia Trịnh Văn Công”. Bởi vì trời đã ngả về tối, ông bèn xin tá túc ở nhà của một lão Nho gia trong núi.
Trong nhà ông lão có một chiếc bàn vuông lớn giống như một nghiên mực lớn được làm bằng đá rất tinh mỹ, Trịnh Bản Kiều ngợi khen không ngớt. Ông lão thấy vậy liền mời Trịnh Bản Kiều viết lưu niệm lên chiếc bàn hình nghiên mực. Trịnh Bản Kiều liền vui vẻ đồng ý.
Ông đặt bút viết xuống bốn chữ “khó đắc hồ đồ”, đồng thời còn lấy ra bản khắc ấn “Khang Hi tú tài, Ung Chính cử nhân, Càn Long tiến sĩ” và đắc ý đóng lên.
Sau đó, ông thấy trên bệ chiếc bàn hình nghiên mực vẫn còn nhiều chỗ trống, bèn mời ông lão đề từ. Ông lão viết: “Được đá đẹp khó, được đá ngoan càng khó, từ đá đẹp đi đến đá ngoan lại càng khó hơn. Đẹp ở bên trong, ngoan biểu hiện ở bề ngoài, cất ở nhà dân dã, không nằm trong nhà phú quý”.
Sau khi viết xong, ông lão lấy ra một con dấu vuông có khắc chữ “Viện thí đệ nhất, hương thí đệ nhị, đình thí đệ tam”. Lúc này Trịnh Bản Kiều mới biết ông lão chính là một quan viên thoái ẩn, lập tức cảm thấy xấu hổ vì lòng tự phụ của chính mình nên vội vàng cầm bút viết: “Thông minh khó, hồ đồ càng khó, từ thông minh đến hồ đồ càng khó hơn. Bỏ một chiêu, lùi một bước, lập tức an tâm, sai rồi tới nhận lỗi”.
Có câu: “Tự cao sẽ gặp nguy, tự mãn tất sẽ biểu hiện ra”.
Trên con đường đi tới thành công, chú chim ngu ngốc có thể bay trước, nhưng chú chim bất khả chiến bại sẽ biết lùi lại phía sau.
Người sống trên đời, biết nhận rõ vị trí của mình, nhìn ra trạng thái của mình vẫn tốt hơn so với việc nỗ lực cố gắng một cách mù quáng.
Chỉ khi hiểu rõ chính mình chúng ta mới có thể nhìn rõ hướng đi, không theo đuổi mục tiêu xa vời, không coi thường bản thân, an tâm làm người bước từng bước thật tốt.
Cựu Thủ tướng Anh Churchill từng nói: “Bạn có thể nhìn lại quá khứ càng sâu thì sẽ có thể nhìn về phía trước càng xa”.
Đời người giống như con đường, một khi đã xuất phát thì rất khó dừng lại.
Mọi người không ngừng nhìn về nơi xa xôi, lao tới hết núi này đến biển khác mà không ngớt lời than thở về sự mệt mỏi của bản thân và kết quả thu được chẳng đáng bao nhiêu.
Không ngờ rằng, cuộc sống không chỉ có nhìn về phía trước, tiến về phía trước, mà còn cần có những lúc ngừng chân, quay đầu xem lại con đường đã đi qua.
Đừng đợi cho đến khi bạn không thể quay đầu lại mới than thở rằng bản thân đã lãng quên nguyện ước ban đầu. Đừng đợi đến khi ngã ngựa mới biết bản thân mình không biết lượng sức. Một người có dũng khí nhìn lại quá khứ mới có thể đón nhận được tương lai tốt đẹp.
Theo Trăn Trăn – Apolo-San San biên dịch