Ngay sau khi Nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết, Hội Yến sào tỉnh Phú Yên đã tuyên truyền, hỗ trợ người nuôi yến thực hiện các bước thủ tục ban đầu. Người nuôi yến cũng tích cực chuẩn bị các yêu cầu của phía đối tác để có thể sớm đưa tổ yến Việt xuất ngoại.
Cần chủ động
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: Theo như thỏa thuận từ Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, để có thể đăng ký xuất khẩu tổ yến sang nước này, các doanh nghiệp phải hoàn thiện 7 khâu thủ tục; trong đó, khâu giám sát dịch bệnh nhà yến mất khá nhiều thời gian, tối thiểu là 6 tháng (yêu cầu từ phía Trung Quốc – PV).
Vì vậy, để có thể nhanh chóng có sản phẩm xuất khẩu thì chúng ta phải tập trung triển khai nhanh và chắc. Để các chủ nhà yến trên cả nước nói chung, tại Phú Yên nói riêng có thể bước chân vào chuỗi cung cấp nguyên liệu tổ yến phục vụ việc xuất khẩu thì trước tiên phải được Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cấp mã số nhà yến, đây là điều kiện đầu tiên, nếu nhà yến nào không có mã số thì sẽ không thể cung cấp tổ yến xuất khẩu.
Hiện nay, Bộ NNPTNT đã giao nhiệm vụ cho Cục Chăn nuôi xây dựng hướng dẫn đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi yến và cục đã hoàn thiện nội dung dự thảo, đang lấy ý kiến góp ý từ các địa phương, đơn vị để hoàn chỉnh trình Bộ NNPTNT ban hành.
Ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên cho biết: Việc gắn mã số đối với từng cơ sở nuôi yến là rất cần thiết để có thể quản lý được tổng thể các nhà yến trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Mặt khác, mã số này còn có thể dùng để truy xuất thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường cũng như xuất khẩu.
Trong khi chờ đăng ký cấp mã số nhà yến, các chủ nhà yến cần chủ động rà soát lại các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh của nhà yến theo quy định, đối chiếu với nhà yến của mình. Qua đó, điểm nào đã đạt yêu cầu thì cần duy trì, những điểm chưa đạt cần sửa chữa ngay, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian.
Cũng theo ông Khiêm, ngoài các quy định về giám sát dịch bệnh, vệ sinh an toàn, truy xuất nguồn gốc…, các chủ nhà yến cũng cần phải biết nếu đơn lẻ mỗi nhà yến thì không thể tự trực tiếp xuất khẩu, mà phải thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu đã được Bộ NNPTNT và phía Trung Quốc chấp nhận.
Vì vậy, các chủ nhà yến muốn đưa tổ yến của mình vào chuỗi xuất khẩu thì phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn doanh nghiệp được phép xuất khẩu để liên kết cung cấp nguyên liệu tổ yến.
Tích cực hỗ trợ người nuôi chim yến
Với những yêu cầu nghiêm ngặt và nhiều thủ tục cần phải được hoàn thiện để đưa yến Việt vào thị trường Trung Quốc, ngay sau khi nghị định thư được ký kết, Hội Yến sào Phú Yên đã triển khai tuyên truyền, hỗ trợ cho hội viên.
Ông Phạm Duy Khiêm cho hay: Xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là vô cùng mới. Hầu hết các chủ nhà yến, hội viên đều chưa nắm bắt được nhiều. Chính vì vậy, hội đã tập trung tuyên truyền mạnh về các quy định, yêu cầu và các bước để tham gia vào chuỗi xuất khẩu tổ yến đến với các hội viên.
Cùng với đó, hội cũng đã kết nối Công ty CP Việt Nam Quốc Yến (trụ sở văn phòng tại TP Hồ Chí Minh, nhà máy sản xuất tại tỉnh An Giang, là một trong những doanh nghiệp được phép xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc – PV) với các chủ nhà yến có nhu cầu cung cấp nguyên liệu tổ yến phục vụ xuất khẩu.
Các chủ nhà yến khi đồng ý liên kết sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về nhà yến cho doanh nghiệp này. Phía doanh nghiệp sẽ trực tiếp kiểm tra, xác minh thông tin nhà yến và hai bên sẽ ký kết hợp đồng nguyên tắc với nhau.
Sau đó, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thực hiện mọi bước thủ tục với Cục Chăn nuôi để được cấp mã số cho nhà yến. Tính đến nay đã có khoảng 60 chủ nhà yến của tỉnh liên kết với doanh nghiệp này.
Bà Trần Bảo Châu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Khang Châu (TP Tuy Hòa) cho biết: Sau khi liên kết với Công ty CP Việt Nam Quốc Yến, các thủ tục để được cấp mã số nhà yến đều do phía đối tác thực hiện.
Mới đây, Công ty CP Việt Nam Quốc Yến thông báo các nhà yến của tôi đã được thông qua, sẽ sớm được cấp mã số. Ngay sau khi có mã số, chúng tôi sẽ phối hợp cùng cơ quan thú y để tiến hành thủ tục giám sát thú y cho nhà yến, nhanh chóng hoàn thành đầy đủ các bước thủ tục theo yêu cầu.
Còn theo ông Đặng Văn Thành, chủ nhà yến ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa), được Hội Yến sào Phú Yên hướng dẫn, ông đã ký cam kết đăng ký sản xuất tổ yến theo chuỗi. Mong rằng thời gian tới, địa phương tích cực hỗ trợ trong việc xác nhận nhà yến để có cơ sở đăng ký mã số cho nhà yến, tham gia vào chuỗi liên kết xuất khẩu.
Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên: Toàn tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 1.000 nhà yến, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tấn yến tổ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 170 chủ nhà yến tham gia hội. Để bà con có thể tiếp cận chính thống và nhanh nhất các thông tin về việc xuất khẩu tổ yến thì các chủ nhà yến cần nhanh chóng tham gia hội để được hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi.
Thủy Tiên (Báo Phú Yên)