Trước những biến động tài chính và tình hình lạm phát, nguồn vốn của các quỹ đầu tư thắt chặt khiến các startup đối mặt áp lực buộc phải có lãi, không thể tiếp “đem tiền đi đốt” để kiếm khách.
“ Trong mọi cuộc khủng hoảng, nguyên tắc chung là tự cứu lấy mình. Tồn tại là vấn đề hàng đầu. Nếu tồn tại, phát triển được thì vượt qua khủng hoảng sẽ có nhiều cơ hội ”, Chủ tịch Simple Tech Investment Phan Minh Tâm phát biểu trong buổi tọa đàm “ Hiệu Quả Hay Tăng Trưởng? – Chiến Lược Tối Ưu Hoá Nguồn Vốn Trong Giai Đoạn Tăng Trưởng ” của Endeavor Việt Nam.
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh các startup gặp nhiều thách thức khi gọi vốn do suy thoái kinh tế, lạm phát, việc giải ngân của các quỹ đầu tư thắt chặt hơn. Năm 2021, các startup tại Việt Nam thu hút được số vốn kỷ lục là 1,44 tỷ USD từ 165 thương vụ, nhưng tới năm 2022 con số này chỉ còn 855 triệu USD từ 85 thương vụ.
Ông Phan Minh Tâm chỉ ra rằng không ai dự đoán được chính xác khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu. “ Vấn đề là phải có kế hoạch đủ để sống sót. Vận mệnh của mình phải do mình quyết định. Đó là điều quan trọng nhất ”, nhà đầu tư này nhấn mạnh, nói thêm rằng không nên trông chờ vào “phao cứu hộ” từ bên ngoài.
Ông Tiến Nguyễn – Đồng sáng lập Earth Venture Capital (EVC) có quan điểm tương tự.
“ Hiện giờ với chúng tôi, việc gom tiền đầu tư ở bất kỳ đâu cũng không quan trọng bằng việc các startup của mình đang có bao nhiêu khách hàng, họ đang trả bao nhiêu tiền và trung thành đến mức nào. Dòng tiền đó sẽ giúp startup sống lâu hơn trong giai đoạn này, bởi không biết chừng nào mọi thứ được giải quyết ”, ông phân tích.
Bên cạnh đó là vấn đề tối ưu hóa chi phí. Ông Tiến cho biết hiện nay có rất nhiều phương thức để tiết giảm chi phí như thuê từ những nguồn bên ngoài, tìm nền tảng giải quyết được các bài toán của doanh nghiệp mà không cần trả quá nhiều tiền.
“ Do đó, kỹ năng tôi thấy cực kỳ quan trọng với founder bây giờ là biết sử dụng công cụ nào, nền tảng nào để tiết kiệm được chi phí hàng tháng, hàng quý của doanh nghiệp, thay vì đốt tiền như trước đây. Cách đó không phù hợp trong giai đoạn này ”, ông nói.
Cũng theo nhà đầu tư này, điều đầu tiên EVC nói với các founder gọi vốn hiện nay là dòng tiền đầu tư mạo hiểm đang vô cùng đắt đỏ, do kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận cực kỳ cao. Ông cho rằng các founder nên tìm hiểu những nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu.
“ Không nhất thiết startup là phải tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm. Càng khủng hoảng thì nguồn vốn này càng khó gọi hơn ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng trong buổi tọa đàm, ông David Đỗ – Tổng Giám đốc Vietnam Investment Group chỉ ra những thay đổi với startup hiện nay.
“ Trước đây, nhà đầu tư hướng dẫn các công ty rằng cứ phát triển nhanh. Nhưng bây giờ vì vốn giảm, các công ty cần hoạt động hiệu quả hơn. KPI đặt ra là phải có lãi, không thể tiếp tục đốt tiền kiếm khách hàng ”.
“ Thật ra đây cũng là lỗi của nhà đầu tư. Trước đây, họ thiên về B2C (kênh bán từ doanh nghiệp tới khách hàng), nên tập trung đưa tiền cho công ty đốt để có khách. Bây giờ, họ lại thiên về B2B (kênh bán từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp), dựa vào khách hàng doanh nghiệp để sống sót ”.
“ Sau 12-18 tháng nữa, có thể nhà đầu tư sẽ muốn quay lại B2C, bởi khi đó doanh nghiệp nào còn sống thì ít bị cạnh tranh hơn, đốt tiền sẽ đem lại hiệu quả hơn. Vì vậy, founder cũng phải cân đối hướng đi của nhà đầu tư, họ cũng hay đổi ý nhiều ”, ông David đưa ra lời khuyên.
Theo Minh Anh-Nhịp sống thị trường