TTO – Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hai ngày qua cho thấy lo ngại đầu tiên là sự phức tạp trong sử dụng nếu xuất hiện cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa.
Tưởng rằng chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” đã được thống nhất cao sau khi trung ương ban hành nghị quyết 29 và Quốc hội thông qua nghị quyết 88, nhưng đến nay vẫn còn tranh luận gay gắt trước thời điểm Quốc hội bấm nút thông qua Luật giáo dục (sửa đổi).
Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hai ngày qua cho thấy lo ngại đầu tiên là sự phức tạp trong sử dụng nếu xuất hiện cùng lúc nhiều bộ SGK.
Chẳng hạn, cùng một địa bàn có nhiều trường học mà mỗi trường lựa chọn một bộ sách, khi học sinh chuyển từ trường này sang trường khác thì sao; thậm chí cùng trường học nhưng năm nay chọn một bộ, năm sau lại chọn bộ khác.
Hệ quả dễ bị liên tưởng nhất của lo ngại loại này là sự lãng phí, như trường hợp chuyển trường thì học sinh phải mua sách khác hoặc thay đổi liên tục thì sách năm trước không sử dụng được cho năm sau.
Cũng từ đó nảy sinh lo ngại thứ hai là xảy ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm, các tổ chức biên soạn, xuất bản SGK để bán được sách của mình. Đặc biệt, liệu có bất bình đẳng giữa sách của các nhóm, các tổ chức xã hội với bộ SGK do Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn?
Liệu có hóa giải hai lo ngại nêu trên không? Thứ nhất, sự lãng phí trong sử dụng SGK có thể khắc phục bằng sự hoán đổi, cho tặng lại giữa những người sử dụng. Tỉ lệ học sinh chuyển trường cũng không phải là lớn.
Kinh nghiệm trên thế giới cũng cho thấy rất khó có tình trạng “loạn SGK” khi cùng lúc xuất hiện nhiều bộ sách. Học sinh cũng có thể cùng lúc sử dụng các bộ SGK khác nhau, khi hệ thống thư viện trường học phát triển, đảm bảo cung cấp cho người học sự đa dạng các nguồn tiếp cận tri thức và đặc biệt là khi người thầy trở về đúng vị trí người hướng dẫn để học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Còn lo ngại nguy cơ “thương mại hóa” cũng hơi phiến diện, bởi lâu nay xã hội đã nhiều phen bức xúc tình trạng “độc quyền SGK” khi chỉ có một bộ sách và một nơi cung cấp. Như vậy, khi xã hội hóa SGK (bao gồm cả biên soạn và in ấn, phát hành) thì đó là cơ sở để chấm dứt tình trạng độc quyền.
Thế còn việc đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh thì cần đến các công cụ giám sát, điều chỉnh, giống như nhiều mặt hàng khác. Ở đây, vai trò của ban giám hiệu, các tổ chuyên môn, hội phụ huynh và tính chủ động của học sinh trong lựa chọn sách là rất quan trọng.
Cuối cùng, nếu đã khẳng định quan điểm “lấy người học làm trung tâm” trong quá trình giáo dục, xem đây là điều kiện tiên quyết của mục tiêu “đổi mới căn bản, toàn diện” nền giáo dục nước nhà thì việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” là đúng đắn.
Vì lẽ này, những băn khoăn về thực hiện chủ trương trên phải được coi là thứ yếu và những cuộc tranh luận nếu có, cần tập trung vào việc làm thế nào để thực hiện điều đó một cách hiệu quả nhất, thay vì dẹp bỏ chủ trương đúng đắn ấy đi.