Nguyễn Sư Mạnh sinh năm 1458 ở làng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Tây. Ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa thi Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông. Ông được bổ làm quan Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu.
Thời đấy quan hệ giữa Đại Việt và nhà Minh có nhiều bất hòa. Là người tài giỏi lại hiểu biết rộng, Nguyễn Sư Mạnh được vua giao cho đi sứ sang nhà Minh vào năm 1500.
Yết kiến vua, để hở bụng
Khi đến kinh thành yết kiến vua nhà Minh, Nguyễn Sư Mạnh sơ ý không cài khuy áo, để hở cả bụng. Hoàng đế nhà Minh giận lắm, cho rằng sứ thần Đại Việt dám khi quân, thất lễ, định trục xuất về nước. Nguyễn Sư Mạnh liền tâu rằng: ”Vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy chữ, nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, thần xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá”.
Thấy sứ của Đại Việt đã thất lễ lại còn mồm mép, Hoàng đế nhà Minh bèn nghĩ cách thử tài, cũng là lấy lý do để trị tội, nên liền ban chiếu chỉ: ”Nếu sứ thần nước Nam là người hay chữ thì hãy giúp thiên triều chép lại thiên ‘Vi Chính’ trong sách ‘Luận ngữ’ mới bị thất lạc”. Nhà vua cũng yêu cầu rằng “Trong 30 ngày phải hoàn tất”.
Trong 30 ngày này, Nguyễn Sư Mạnh bị giữ trong dinh trại không được ra ngoài, Hoàng đế nhà Minh cũng cho người giám sát, tiên đoán ông sẽ không làm nổi và sẽ mang ra trị tội.
Lạ thay Nguyễn Sư Mạnh không hề lo lắng hay vội vàng gì cả, suốt ngày vẫn vui vẻ và chơi cờ. Đến ngày thứ 25, Hoàng đế nhà Minh phải cho người nhắc nhở. Bấy giờ Nguyễn Sư Mạnh liền trả lời rằng: “Ngày mai thần sẽ viết”.
Đến ngày thứ 29, Nguyễn Sư Mạnh dâng thiên “Vi Chính” cho Hoàng đế nhà Minh. Nhà vua kinh ngạc khi thấy vị sứ thần của Đại Việt chép lại không khác gì bản chính cả. Nhưng Hoàng đế nhà Minh cũng quyết tìm ra một lỗi gì nhỏ nhất để bắt tội, nên dò lại chi tiết đến từng nét chữ, cuối cùng cũng phát hiện được chữ “công” có viết thừa một dấu chấm.
Khi bị Hoàng đế nhà Minh hạch tội thừa một dấu chấm, Nguyễn Sư Mạnh cũng khẳng khái nói rằng: ”Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa.”
Hoàng đế nhà Minh liền cho đối chiếu với bản gốc thì thấy rằng đúng là bản gốc có thừa một dấu chấm thật. Đến lúc này Hoàng đế nhà Minh quá phục tài sứ thần Đại Việt. Biết ở Đại Việt Nguyễn Sư Mạnh giữ chức thượng thư, Hoàng đế nhà Minh bèn phong cho ông chức thượng thư của nhà Minh nữa. Vậy nên Nguyễn Sư Mạnh đã trở thành ”Lưỡng quốc thượng thư”.
Sau khi về nước, Nguyễn Sư Mạnh được vua Lê tin dùng, được ban quốc tính (tức họ của Vua), được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại Phu, trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ. Tuy vậy, ông vẫn sống giản dị, cửa nhà đơn sơ, thọ đến 82 tuổi.
Miệng nói thành áng văn đẹp
Từ đường dòng họ Nguyễn Sư Mạnh có câu đối: Luận ngữ nhất thiên, tâm ấn quyển – Thái bình tứ cú, khẩu thành chương.
Nghĩa là: Một thiên luận ngữ khắc rõ trong tim – Bốn câu Thái bình, miệng nói thành áng văn đẹp.
Bốn câu Thái bình nhắc bài thơ ứng khẩu đọc dâng vua Lê Thánh Tông của Nguyễn Sư Mạnh khi ông đi sứ về: Nhật nguyệt quang thiên đạo – Sơn Hà tráng đế cư – Thái bình vô di đáp – Nguyệt thượng vạn niên thư.
Nghĩa là: Đạo trời sáng như mặt trời mặt trăng – Hoàng Thượng trị vì giữa non sông hùng vĩ – Thái bình là dĩ nhiên – Xin chúc vĩnh viễn được như thế.
Nguyễn Sư Mạnh được nhà Lê tin dùng và được ban quốc tính, được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại phu, giao cho trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ.
Được biết, trong các triều đại phong kiến ở nước ta, có Mạc Đĩnh Chi triều Trần, Nguyễn Trực, Nguyễn Nghiêu Tư và Nguyễn Đăng Đạo triều hậu Lê được nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Song, người được phong “Lưỡng quốc Thượng thư” đến lúc này thì chỉ có Nguyễn Sư Mạnh. Và ông cũng là sứ giả duy nhất của các nước lân bang khi vào yết kiến “thiên triều” – vua nhà Minh lại không cài khuy áo mà để hở bụng.
Thời ấy, người phương Bắc luôn ỷ thế nước lớn mà coi thường các nước nhỏ, thậm chí họ còn bắt các quốc gia láng giềng phải cống nạp đủ thứ… Vì thế, việc làm này của ông cũng đã là quá đủ để hậu thế hiểu bản lĩnh cũng như tài năng của sứ giả Đại Việt.
Được ban quốc tính Lê Lan Hinh
Chính sử không ghi chép nhiều về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Sư Mạnh, nhưng việc ông được vua Lê ban quốc tính đã ghi nhận những cống hiến lớn lao của ông đối với triều đình nhà Lê, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao.
Trong lĩnh vực văn chương, di sản của ông tuy bị thất truyền nhưng từ nhiều thế kỷ qua, nhân dân ta vẫn tôn thờ và ngưỡng mộ tài năng đức độ và coi ông là tấm gương lớn để noi theo. Và chính điều này làm cho hậu thế nể phục và tôn vinh ông, bởi bia đá rồi cũng mòn với thời gian.
Hoạt động và cống hiến của Nguyễn Sư Mạnh chủ yếu ở thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và thời Lê Hiến Tông (1498 – 1504) – là thời kì phát triển thịnh đạt của quốc gia phong kiến Đại Việt.
Năm Cảnh Thống thứ 3 (1500), Nguyễn Sư Mạnh tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Về sự kiện này, các tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư; Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí đều chép rõ: “Mùa xuân, tháng giêng ngày 25 vua sai sứ sang nước Minh. Hình bộ Tả thị lang Nguyễn Duy Trinh, Lễ khoa đô cấp sự trung Lê Lan Hinh, Thượng bảo thiếu khanh Nguyễn Nho Tông sang tạ ơn cúng tế”…
Về tên gọi Lê Lan Hinh, Đại Việt sử ký toàn thư và Cương mục còn ghi rõ: Người xã Cổ Đô, huyện Tân Phong, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức; nguyên trước họ Nguyễn, tên là Sư Mạnh, sau được ban quốc tính họ Lê.
Được biết, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ đã tổ chức phong thưởng tước vị và ban quốc tính cho những bậc “khai quốc công thần” trong đó có Nguyễn Trãi …
Tuy nhiên từ triều Lê Thái Tông, việc ban quốc tính không còn được thực hiện rộng rãi như trước, chỉ những người thực sự có tài năng, cống hiến to lớn mới được hưởng ân tứ ấy. Thời Lê Thánh Tông có Dương Bang Bản ở Thanh Liêm, Hà Nam được ban họ Lê tức Lê Tung.
Cho đến thời Lê Hiến Tông có Nguyễn Sư Mạnh được ban quốc tính gọi là Lê Lan Hinh. Nguyễn Sư Mạnh là người tài cao, học rộng, kiến thức quảng bác, uyên thâm mà câu chuyện đi sứ kể trên là một minh chứng.
PV (t/h)