Bằng sức cuốn hút kì lạ của mình, Thanh Thúy trở thành ca sĩ được đi vào ngòi bút của nhiều thi nhân, văn sĩ nhất và khiến Trịnh Công Sơn si mê.
Khi bộ phim Em và Trịnh ra rạp vào năm ngoái, khán giả vô cùng ấn tượng với một bóng hồng từng xuất hiện trong giai đoạn đầu sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó cũng là mỹ nhân vô cùng xinh đẹp, khiến vị nhạc sĩ tài hoa này phải si mê tới mức viết nên ca khúc Ướt mi dành tặng riêng cho nàng, để sau này trở thành tuyệt phẩm bất hủ.
Mỹ nhân này là Thanh Thúy, cũng là một trong những danh ca hàng đầu của nền tân nhạc và Bolero Việt Nam, từng được mệnh danh: “Nữ hoàng của thể điệu Bolero, Rumba, Slow” hay “Hoa hậu nghệ sĩ”.
Sự nghiệp lẫy lừng của nữ danh ca đi vào văn thơ nhiều nhất
Thanh Thúy sinh năm 1943, kém Trịnh Công Sơn 4 tuổi và cũng là người con của xứ Huế mộng mơ, đồng hương với nhạc sĩ họ Trịnh. Do mẹ của Thanh Thúy mắc bệnh hiểm nghèo nên gia đình cô phải rời mảnh đất cố đô đưa bà vào Sài Gòn chữa trị.
Đến Sài Gòn, để mưu sinh kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy phải bước vào nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Bà kể:
“Lúc nuôi mẹ bệnh, tôi cũng yêu nghề. Nhưng cái tôi cần nhất lúc đó, là tiền để chữa bệnh cho mẹ. Chỉ sau vài tháng đi hát, tôi may mắn được khán giả đón nhận, biết đến. Mới là cô bé 15 tuổi, tôi không nghĩ là mình đẹp hay hát hay gì cả. Được khán giả thương mến, tôi nghĩ đó là một cái phước” (Nguồn: Suckhoedoisong.vn).
Tuy đi hát với mục đích ban đầu chỉ để có tiền nuôi mẹ, nhưng nhờ tài năng và nhan sắc trời phú của mình, Thanh Thúy đã nổi lên như một hiện tượng bậc nhất khắp các phòng trà tại Sài Gòn.
Trong ba năm liền, theo cuộc trưng cầu ý kiến đọc giả của một tờ báo, Thanh Thúy được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất.
Bà cũng là người nhận được nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí phong tặng nhất như: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, Tiếng hát lúc không giờ, Tiếng sầu ru khuya, Tiếng hát lên trời, Tiếng hát khói sương chiêu niệm…
Bằng sức cuốn hút kì lạ của mình, Thanh Thúy trở thành ca sĩ được đi vào ngòi bút của nhiều thi nhân, văn sĩ nhất, đúng như lời tác giả Hoàng Bích Yên từng nói:
“Trong kiếp cầm ca, tiếng hát Thanh Thúy được nhiều cây bút tên tuổi xuất thủ với ngôn từ độc đáo, tuyệt vời được dàn trải ra, bồng bềnh theo hình bóng qua bốn thập niên của hậu bán thế kỷ 20, tiếng hát đó đã gói trọn tình khúc vượt thời gian và không gian, đi vào ký ức, đi vào chiều dài lịch sử trong làng ca nhạc Việt Nam” (Nguồn: Congly.vn).
Nhạc sĩ Nguyên Sa cũng chia sẻ: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Viên Linh, nhà văn Tuấn Huy…
Bởi vì Thanh Thúy chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ bén nhạy bắt được cảm xúc riêng tư mà diễn đạt cái khách quan mênh mông trong cái chủ quan, riêng lẽ sống thực và chân thành…” (Nguồn: Vietnamnet.vn).
Thanh Thúy sở hữu một vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà, thanh mảnh đầy nữ tính, cùng mái tóc dài đen óng, được xếp vào hàng mỹ nhân trong giới ca sĩ.
Không những vậy, giọng hát của bà còn vô cùng đặc biệt, trầm sâu lắng đến mức biến ảo, liêu trai và u tịch, nhưng giáo sư Nguyễn Văn Trung từng nói:
“Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả cảm thấy như bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt những hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê đồng ruộng, với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…” (Nguồn: Suckhoedoisong.vn).
Kể từ khi xuất hiện, Thanh Thúy đã gây được nhiều tiếng vang nhất trong làng nhạc Việt, ngự trị trên các làn sóng phát thanh, cũng như truyền hình ngày đó. Bà nhanh chóng trở thành ngôi sao lớn trên các sân khấu đại nhạc hội cũng như phòng trà, với lượng đĩa bán ra vượt trội.
Ngoài nhan sắc, Thanh Thúy còn được biết đến là nữ danh ca có phẩm hạnh và đạo đức đáng ngưỡng mộ, với đời tư kín đáo, dù nổi tiếng bậc nhất nhưng không bao giờ ồn ào. Tác giả Hồ Trường An từng viết:
“Thanh Thúy là nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho những người ưa săn tin giật gân…
Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng.
Ở chót vót đỉnh danh vọng mà cô không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí” (Nguồn: Báo Bình Thuận).
Người tình trong mộng khiến Trịnh Công Sơn si mê
Năm 1958, Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn học và dần làm quen với không khí vũ trường, phòng trà, phụ diễn tân nhạc về đêm.
Trong một lần đến phòng trà Đức Quỳnh, người thư sinh chốn kinh thành Huế bỗng chớm nở những rung động đầu đời với hình ảnh của bóng hồng Thanh Thúy.
Dường như đêm nào, Trịnh Công Sơn cũng đến đây, lấy cớ là nghe nhạc để được nhìn thấy người mỹ nhân trong mộng từ trên sân khấu tới khi “lặng lẽ đi vào ngõ tối”. Ông kể:
“Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi 17 tuổi, đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì mặc cảm nghèo và vô danh.
Trong khi đó, Thanh Thúy là một ca sĩ có tiếng lúc bấy giờ, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh.
Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng” (Nguồn: VTC).
Vậy là từ khi đặt chân vào giới văn nghệ Sài Gòn, Trịnh Công Sơn đã phải lòng “tiếng hát khói sương” Thanh Thúy.
Nhà báo Nguyễn Công Khế, người em tri kỷ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng kể lại: “Lúc sinh thời, mỗi lần uống rượu, anh Sơn thường kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc Thương một người dành tặng cho chị Thanh Thúy.
Có đêm, anh Sơn ngồi ở một góc vắng trên đường Cao Thắng, đợi người trong mộng đi hát về, chỉ để được nhìn thấy.
Cái dáng gầy, tà áo dài mong manh khuất dần vào con hẻm nhỏ, tiếng guốc hối hả bước về phòng trọ cho kịp chăm sóc mẹ già đang bệnh tật, đã làm anh Sơn xúc cảm. Ca khúc Thương một người ra đời từ đó. Anh Sơn rất si mê chị Thanh Thúy” (Nguồn: Vnexpress).
Mỗi ca từ của bài Thương một người, Trịnh Công Sơn đều trĩu nặng tình yêu dành cho nữ ca sĩ. Người nhạc sĩ tài hoa nhiều lần lặp lại từ “thương”.
Vài năm sau, mẹ danh ca Thanh Thúy qua đời. Nỗi đau mất mẹ đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp và phong cách trình diễn của bà.
Kể từ đó, Thanh Thúy trút hết buồn đau vào các ca khúc cô trình diễn trên sân khấu như: Chuyến tàu hoàng hôn, Tình đời, Duyên kiếp cầm ca, Phố buồn… Điều này khiến giọng hát của bà càng u sầu, chan chứa cảm xúc, chạm tới tận đáy lòng người nghe và khiến họ rung động. Chính từ lúc này, cô được mệnh danh là “Tiếng hát sầu ru khuya”. Và tiếng hát ấy đã gây thương nhớ, day dứt cho nhạc sĩ họ Trịnh.
Trịnh Công Sơn lúc này vốn nhút nhát, lại mang mặc cảm cái nghèo nên tình yêu của ông cũng chỉ thầm lặng, vụng trộm, chờ đợi, đơn phương, nhớ nhung thầm kín, dù nhiều lần gặp mà không dám nói ra.
Một ngày nọ, Trịnh Công Sơn đánh liều viết một mẩu giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát ca khúc Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong.
Trịnh Công Sơn không ngờ rằng, lời yêu cầu của ông đã được Thanh Thúy đáp lại.
Hình ảnh con chim non trong bài hát làm Thanh Thúy nhớ đến mẹ và bà cảm thấy cô đơn, đau đớn trong day dứt, quằn quại. Chính vì thế nên bà thể hiện ca khúc trong dòng cảm xúc mãnh liệt đến mức tuôn thành nước mắt.
Cũng từ giọt nước mắt ấy, Thanh Thúy đã lay động trái tim thổn thức đang say đắm của Trịnh Công Sơn, khiến ông viết nên ca khúc tuyệt phẩm Ướt mi. Đây là cũng là một trong những bài ca bất hủ đầu đời của ông.
Về khoảnh khắc sáng tác Ướt mi, Trịnh Công Sơn nói: “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ.
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống hình thành.
Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong tôi. Và, tôi đã viết ra như không kiềm giữ được…” (Nguồn: Laodong.vn).
Sau khi hoàn thành Ướt mi, Trịnh Công Sơn đã chép thật nắn nót vào một tờ giấy và luôn mang theo bên mình để cơ hội đến là trao cho Thanh Thúy.
Nhưng phải năm lần bảy lượt mang đi rồi lại mang về, ông mới dám đánh liều lên ngồi hàng ghế đầu để có dịp gởi tặng bài hát cho mối tình đầu.
Đêm đó, sau khi gửi tặng Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn đã mất ngủ vì hồi hộp, lo lắng, không biết số phận của Ướt mi sẽ như thế nào.
Phải 3 tuần sau, giữa lúc vô cùng tuyệt vọng, hụt hẫng Trịnh Công Sơn bất ngờ được nghe Ướt mi cất lên từ tiếng hát Thanh Thúy và vỡ òa trong hạnh phúc.
Thanh Thúy hát xong, cố ý nán lại sân khấu để chờ người đã tặng nhạc. Lúc này, Trịnh Công Sơn thu hết can đảm bước lên nói lời cám ơn Thanh Thúy vì đã hát bài hát ca khúc của mình.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa cả hai chỉ dừng lại ở đó. Về phía mình, Thanh Thúy chưa bao giờ thừa nhận về mối tình với Trịnh Công Sơn. Bà chỉ xem ông như một người nhạc sĩ đáng kính trọng và ngưỡng mộ. Khi bộ phim Em và Trịnh ra đời với cảnh quay Thanh Thúy mặc sườn xám và đi về cùng Trịnh Công Sơn trong ngõ tối, bà đã lên tiếng phủ nhận.
Theo thể thao văn hóa