Sau khi nộp hồ sơ tới 825 công ty, cô gái này vẫn rơi vào cảnh thất nghiệp. Quá thất vọng về tình hình hiện tại, cô đã làm video chia sẻ lên mạng xã hội.
Thời sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng mơ ước sau này đi làm có một công việc lý tưởng. Thế nhưng phải bước chân vào thị trường lao động, nhiều người mới nhận ra được nhận làm đã khó, chứ đừng nói đến việc đòi hỏi môi trường chuyên nghiệp hay có mức lương cao.
Khi rơi vào cảnh thất nghiệp, nhiều người lại quay ra tự hỏi: Phải chăng một tấm bằng cử nhân mà bản thân đã nỗ lực suốt 4 năm đại học không giúp họ lọt được vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng?
Đơn cử như mới đây, mạng xã hội đã lan truyền clip ghi lại chia sẻ của cô gái ở Hà Nam (Trung Quốc) đang ở trong tình trạng thất nghiệp. Theo đó, cô nàng này đã gửi hồ sơ tới 825 công ty, tham gia 30 cuộc phỏng vấn nhưng vẫn không có việc làm. Quá suy sụp về tình hình hiện tại, cô đã làm video bật khóc nức nở và chia sẻ lên trang cá nhân.
Được biết, cô gái trẻ này tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân ngành Quảng cáo. Các kiến thức chuyên ngành cô đều học mỗi thứ một chút, nhưng không chuyên sâu ở mảng nào. Cô cho biết thêm, các kiến thức được học quá nặng về lý thuyết, khó áp dụng trong thực tiễn. Chỉ đến khi ra trường, cô gái mới bắt đầu đi tìm việc làm nên kinh nghiệm gần như bằng không.
Trong suốt quá trình xin việc, cô đã nộp hồ sơ tới 825 công ty nhưng chỉ có 30 công ty trong số đó gọi đi phỏng vấn. Thậm chí, nhiều nhà tuyển dụng còn cho biết, họ chỉ nhận cô ở vị trí thực tập sinh không có lương, cơ hội thăng tiến lên nhân viên chính thức vô cùng thấp.
Cũng trong đoạn clip, cô gái vừa khóc nức nở vừa than thở về giá trị của tấm bằng đại học. “Không phải người lớn luôn nói tốt nghiệp đại học là sẽ có công việc tử tế hay sao?”. Thế nhưng, thực tế từ thị trường lao động lại quá đỗi phũ phàng với cô.
“Tôi tự hỏi bản thân, học đại học để làm gì?”, cô gái nức nở đặt câu hỏi.
Dưới phần bình luận của đoạn clip, nhiều người cũng lên tiếng an ủi cô gái bởi hiện nay, làn sóng sa thải đã khiến nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành.
Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến lại chỉ ra nguyên nhân của vấn đề thực tế xuất phát từ chính cô gái. Hầu hết đều chê trách cô chỉ mải miết học tập trên trường mà quên đi việc đi làm thêm hoặc tham gia các hoạt động có liên quan đến chuyên ngành bên ngoài để có thể trải nghiệm thực tế công việc từ sớm. Việc quá ỷ lại vào giá trị của tấm bằng cử nhân khiến cô gái càng ngày càng không nhận ra giá trị thật của mình.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, cô gái nộp hồ sơ tới hơn 800 công ty chứng tỏ cô đã không có sự chọn lọc mà chỉ nộp hồ sơ một cách bừa bãi. Do đó, việc hồ sơ của cô dễ dàng “chìm nghỉm”, không để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng cũng là điều dễ hiểu.
Câu chuyện của cô gái này cũng một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính quan trọng của tấm bằng cử nhân. Rõ ràng, việc học tập tại môi trường đại học giúp chúng ta tích lũy kiến thức chuyên ngành, thế nhưng việc rèn luyện bản thân với công việc thực tế cũng quan trọng không kém. Cân bằng giữa việc học tập trên trường và tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc đi làm từ sớm sẽ giúp bạn có thêm thời gian đầu tư hơn vào kỹ năng thực tế.
Nhiều người chỉ trích cô gái đã quá ỷ lại vào giá trị của tấm bằng cử nhân mà quên đi việc trau dồi kiến thức thực tế
Dưới đây là một số bình luận của cư dân mạng về câu chuyện của cô gái:
– Nếu gửi hồ sơ đến 825 công ty mà chỉ có 30 công ty gọi phỏng vấn thì bạn cũng nên xem lại bản thân. Thời nay, đâu phải cứ sở hữu bằng đại học là nhà tuyển dụng nhận luôn đâu. Bạn còn cần nhiều thứ khác, nào là chứng chỉ, kinh nghiệm và kỹ năng mềm khi đi làm chẳng hạn.
– Sau khi tốt nghiệp, bạn này mới tìm việc làm đúng chuyên ngành là chậm đấy. Mình thấy giờ ở các công ty, thực tập sinh toàn là sinh viên 3 và năm 4, có người đi làm ngay từ năm nhất. Hiện nay, nhà tuyển dụng không chỉ đánh giá bạn ở tấm bằng đại học nữa đâu, mà còn vô vàn yếu tố khác. Nhất là khi bạn muốn làm việc trong ngành Quảng cáo, nơi kinh nghiệm thực tế của ứng viên được HR quan tâm hàng đầu thì việc bạn gái bị loại cũng không khó hiểu.
– Mình làm bên mảng tuyển dụng, đa phần mọi người đi tìm việc thường mắc lỗi là cứ “rải đơn”, thậm chí còn ghi sai tên công ty muốn ứng tuyển. Đến lúc phỏng vấn, mình hỏi gì họ cũng không biết. Thế này thì làm sao mà bên mình dám nhận và giao việc cho bạn được? Bạn gái này chắc cũng đang mắc lỗi này.
Tổng hợp-Theo Dương–Theo Trí Thức Trẻ