TTO – 66 triệu năm trước, một tiểu hành tinh khổng lồ đã rơi xuống vùng biển nông gần Mexico. Vụ va chạm đã tạo ra một miệng hố rộng 145km và cày xới toàn bộ mặt đất. Điều gì đã xảy ra sau đó?
Theo tạp chí Kỷ Yếu Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ (PNAS), khủng long và nhiều loài khác đã tuyệt chủng vì thiên thạch khổng lồ nói trên.
Sự tuyệt chủng hàng loạt được lịch sử ghi lại dưới cái tên “Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng” (còn gọi là sự kiện K-Pg hoặc tuyệt chủng K-T).
T-rex và Triceratops (khủng long ba sừng) bị quét sạch đầu tiên, rồi tới các sinh vật nước ngọt và dưới biển cũng như phần lớn thực vật và vi sinh vật, bao gồm 93% sinh vật phù du. Chỉ có một số nhánh của loài khủng long bay vẫn sống, tiến hóa thành loài chim ngày nay.
Sau khi nghiên cứu lớp đất địa chất bất thường có niên đại Creta muộn và Paleocen sớm tại hố thiên thạch Chicxulub ở Mexico, các nhà khoa học tìm thấy nhiều nguyên tố Iridium, vốn rất hiếm trong lớp vỏ Trái đất.
Họ cho rằng thiên thạch đã “đầu độc” Trái đất bằng kim loại nặng; biến nước biển thành axit; kích hoạt các hoạt động địa chất của núi lửa làm giảm lượng ánh sáng và khả năng quang hợp, dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái của Trái đất.
Các hoạt động địa chất bị xáo trộn đã tạo ra các khu vực chôn sống các loài sinh vật, biến chúng thành hóa thạch được lưu giữ rất tốt.
Thành hệ địa chất Hell Creek tại bang North Dakota, Mỹ là một ví dụ. Tại đây, các nhà khoa học tìm thấy xác nhiều sinh vật cổ đại như thằn lằn thủy sinh, cá mập, côn trùng và các loài cá biển… Tất cả đều có tính chất tương tự lớp địa chất được tìm thấy ở Chicxulub.
Ở lớp địa chất phía trên đó là rất nhiều dương xỉ, chứng tỏ hệ sinh thái đã phục hồi ngay trên chính tàn tích mà lịch sử để lại.