Ba thập kỷ trước, Trung Quốc hào hứng mời các nhà sản xuất ô tô Mỹ mang đầu tư và chuyên môn đến Trung Quốc, nhưng giờ đây vị thế và vai trò đã bị đảo ngược.
Thương vụ 3,5 tỷ USD
Hôm 13/2, Ford Motor thông báo lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện trị giá 3,5 tỷ USD ở Michigan, sử dụng công nghệ được cấp phép từ công ty Trung Quốc, nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới.
Nhà máy được xây dựng ở Marshall, một thị trấn nông thôn cách Detroit khoảng 100 dặm về phía tây, sẽ là nhà máy mới nhất trong danh sách ngày càng nhiều những nhà máy sản xuất pin và ô tô điện mới mà các doanh nghiệp Mỹ công bố trong những tháng gần đây. Ford dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 2.500 việc làm tại nhà máy và bắt đầu sản xuất vào năm 2026.
Theo đó, Ford sẽ sở hữu 100% nhà máy, bao gồm cả tòa nhà và cơ sở hạ tầng. Các công nhân của Ford sẽ chế tạo pin, trong khi CATL sở hữu công nghệ và dịch vụ.
Bill Ford, chủ tịch điều hành của Ford và là chắt của người sáng lập Henry Ford, cho biết trong buổi thông báo ngày 13/2 rằng hiệp ước sẽ “giúp chúng tôi bắt kịp tốc độ để chúng tôi có thể tự chế tạo những loại pin này”.
Nhà máy mới của Ford sẽ sản xuất pin lithium, sắt và phốt phát, một sự kết hợp được gọi là LFP. Những loại pin này ít tốn kém hơn vì không chứa những thành phần đắt tiền như coban và niken, được sử dụng trong các loại pin thông thường. Pin LFP có ưu điểm là bền hơn pin chứa coban và niken lưu giữ nhiều năng lượng hơn, cho phép xe điện đi trên khoảng cách xa hơn trong một lần sạc.
Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley cho biết: “Toàn bộ mục đích của dự án là giảm chi phí cho xe điện. LFP là công nghệ pin hợp lý nhất.”
Thời thế thay đổi: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Trung Quốc
CATL là công ty hàng đầu thế giới về pin lithium iron phosphate, rẻ hơn và ổn định hơn so với các loại pin dựa trên niken. CATL hiện có 13 nhà máy ở châu Âu và châu Á nhưng chưa có nhà máy nào ở Mỹ. CATL hiện đang cung cấp pin xe điện cho Tesla, BMW và nhiều hãng khác.
Các hãng xe hơi Mỹ hiện đang hợp tác chủ yếu với các công ty Hàn Quốc để sản xuất pin. Ford, General Motors và các nhà sản xuất ô tô khác xây dựng các nhà máy sản xuất pin khác thuộc sở hữu chung với các đối tác Hàn Quốc.
Ford đang xây dựng 2 nhà máy pin ở Kentucky và một nhà máy thứ ba ở Tennessee, cả 2 đều có sự tham gia của công ty Hàn Quốc SK On. GM gần đây bắt đầu sản xuất tại một nhà máy pin ở Ohio, đồng sở hữu với LG Energy Solution, các đối tác cũng đang xây dựng thêm 2 nhà máy nữa ở Tennessee và Michigan.
Thỏa thuận không phải là một lần. Cặp đôi này cũng đang khám phá các thỏa thuận cung cấp ở châu Âu và Trung Quốc, mặc dù cấu trúc mà họ sẽ thực hiện là không chắc chắn.
Đối với CATL, hiệp ước ở Michigan cho phép công ty thành lập tại Mỹ mà không phải chịu chi phí xây dựng và vận hành nhà máy trị giá hàng tỷ USD. Nó cũng bổ sung thêm một thương hiệu lớn khác vào lượng khách hàng ổn định ngày càng tăng của mình. Tesla, chiếm tới 10% doanh số bán hàng của công ty vào năm 2021, cho đến nay là khách hàng đơn lẻ lớn nhất của họ.
Thỏa thuận Ford-CATL là một phần của sự đảo ngược vai trò đối với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và Trung Quốc. Ba thập kỷ trước, Trung Quốc hào hứng mời các nhà sản xuất ô tô Mỹ mang đầu tư và chuyên môn đến Trung Quốc.
Các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã tiến vào Trung Quốc để thành lập liên doanh với các nhà sản xuất địa phương để dạy họ nghệ thuật chế tạo ô tô. Ngày nay, vị thế và vai trò đã bị đảo ngược khi một trong những doanh nghiệp công nghệ khổng lồ nổi tiếng nhất của Mỹ yêu cầu Trung Quốc cung cấp công nghệ cần thiết để sản xuất trong bối cảnh ngành ô tô toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Các công ty khác có thể xem xét một thỏa thuận tương tự để giảm chi phí cao khi nhập khẩu pin từ Trung Quốc. Hiệp ước cũng cung cấp một khuôn mẫu cho các nhà sản xuất pin Trung Quốc muốn thiết lập sự hiện diện ở Mỹ.
Tham khảo: Bloomberg, CNBC-Khánh Vy- Nhịp sống thị trường