Dưới đây là cách mà tôi dùng 10 năm đằng đẵng để tìm ra sở trường và công việc mà mình yêu thích, từ đó lên kế hoạch cho cuộc sống của mình.
Có một câu nói thế này: “Người trẻ phải làm những việc có ý nghĩa cho tương lai của mình”, chúng ta hiểu câu nói này nhưng lại mơ hồ không biết nên làm thế nào cho đúng, không biết cách đặt ra mục tiêu cho cuộc sống của mình. Vì thế tôi hi vọng có thể dùng chút kinh nghiệm ít ỏi của bản thân giúp đỡ những người trẻ muốn thay đổi cuộc sống nhưng đang lạc trong mơ hồ chưa tìm được lối đi đúng đắn.
Đầu tiên, hãy dùng 3 phút để tạo cho mình một kế hoạch nghề nghiệp lý tưởng.
Thứ nhất, bạn hãy suy nghĩ xem sở trường và năng lực của bạn là gì
Đây không phải là một nghề nghiệp, một công việc mà là “năng lực”, ví dụ “tính toán”, “giao tiếp”, “tư duy logic”, “viết lách”, “tạo ra ý tưởng”, v.v.
Có thể liệt kê ra những năng lực mà bạn cảm thấy mình mạnh nhất, những thứ mà từ nhỏ đến lớn mọi người thường khen ngợi bạn, những điều mà thầy cô giáo thường tán dương bạn.
Lưu ý năng lực này chưa chắc là cái mà bạn thích nhưng phải chắc chắn là sở trường của bạn.
Thứ 2, nghĩ thử xem bạn thích một môi trường như thế nào
Môi trường này có thể rộng một chút, ví dụ “yên tĩnh một mình”, “sôi động và đầy không khí làm việc”, “môi trường chuyên nghiệp mọi người đều thắt cà vạt”…
Thứ mà bạn thật sự yêu thích không phải là “công việc” mà là môi trường làm việc. Nơi mà bạn có thể cảm thấy thoải mái, thỏa mãn, thân thuộc và có cảm giác thành tựu.
Thứ 3, thay vì viết ra một “cơ hội nghề nghiệp” cuối cùng, hãy tìm điểm chung của phần thứ nhất và thứ hai
Mục đích là để xem thử với những điều bạn đã liệt kê bên trên thì sẽ có những nghề nào phù hợp, tôi gọi những nghề này là “nghề chính”. Tức là nghề bạn phải làm hằng ngày.
Tiếp theo, sau khi đã có những hiểu biết nhất định về nghề chính, bạn có thể viết ra những cơ hội việc làm mà bạn cảm thấy có khả năng.
Cơ hội này là xu hướng bạn đã thấy, những thứ bạn đã quan sát,…kết hợp tất cả lại với nhau, nó sẽ trở thành “nghề tạm thời” hoặc “cơ hội để bạn kiếm thu nhập”.
Cuối cùng, khi thu nhập của bạn đạt đến một cột mốc nhất định, có thể tự do tài chính mà không cần lo nghĩ đến kế sinh nhai, lúc này bạn có thể suy nghĩ về “nghề yêu thích”.
Có thể hiểu đây là nghề không đặt thu nhập lên hàng đầu. Nó thường là những công việc có tính “cơ hội” và đầy thử thách trong môi trường mà bạn yêu thích.
Dù bạn bắt đầu từ “nghề chính”, “nghề tạm thời” hay “nghề yêu thích”. Nếu tương lai bạn đạt được cả 3 điều này thì chúc mừng- bạn đã tìm thấy sự nghiệp của mình.
“Sự nghiệp” là thứ khiến bạn phải làm việc, nỗ lực hết mình nhưng lại vui vẻ khi làm nó, có thu nhập tốt và cơ hội phát triển rộng mở.
Nó đòi hỏi bạn đầu tiên phải yêu thích, sau đó phải quen thuộc và làm nhuần nhuyễn, hơn hết là công việc này phải có cơ hội tốt hoặc một tương lai rõ ràng thì mới có thể kiếm được tiền, từ đó giúp bản thân thỏa mãn trong cả hai phương diện tiền tài và thành tựu.
Suy cho cùng có được “sự nghiệp” là khi bạn được làm việc trong “môi trường” yêu thích, được làm những gì thuộc về “sở trường” của mình và tìm thấy “cơ hội” nghề nghiệp.
Còn một điều nữa có thể không liên quan cho lắm nhưng tôi muốn nói rằng “tìm được sự nghiệp” không phải là đáp án chính xác duy nhất.
Tuy sự nghiệp rất quan trọng nhưng đôi khi được sống theo những gì mình muốn còn quan trọng hơn.
Nếu bạn hi vọng có một cuộc sống bình dị thì bạn chỉ cần làm “một nghề tạm thời và một nghề mình yêu thích” cũng đủ làm nhiều người ngưỡng mộ, vì bạn có thể quyết định lịch trình của mình bất cứ lúc nào.
Thậm chí có rất nhiều bạn trẻ muốn giống như bố mẹ mình làm một công việc ổn định, lương thấp nhưng đủ chi tiêu trong gia đình, sống một cuộc đời bình dị, điều này cũng rất tốt. Không có nhiều áp lực và phiền não.
Mỗi người đều có mục tiêu sống của riêng mình, thay đổi cuộc sống không bao giờ là muộn, không có đúng sai tuyệt đối.
Chỉ cần thuận theo ý mình, sống một cuộc sống mà mình mong muốn, đừng quan tâm tới giá trị quan và ý kiến của người khác, theo phương diện nào đó đây cũng là một loại “hoạch định cuộc sống thành công”, vì thế hãy sống theo cách mà mình muốn.
Theo Hoa Thu-Theo Nhịp sống thị trường