Đại gia Thượng Hải còn dùng tiền để mua chuộc quản giáo, họp hội đồng quản trị công ty trực tuyến trong tù.
Mọi người đều hiểu rằng tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ chứ chẳng có cái bánh nào từ trên trời rơi xuống cả.
Tuy nhiên, có một người dường như nằm ngoài quy luật này. Đó chính nhà Chu Chính Nghị, một doanh nhân Trung Quốc, từng là người giàu nhất Thượng Hải.
Doanh nhân này trong thời gian ngồi tù 16 năm, không những đã tránh được cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 mà còn kiếm được khoảng 3 tỷ NDT (khoảng 10,2 nghìn tỷ VNĐ).
Đi lên từ quán ăn ven đường
Chu Chính Nghị sinh năm 1961 tại Thượng Hải, là con út trong gia đình có 5 người con.
Nhà Chu có gia cảnh bình thường. Mẹ Chu Chính Nghĩa mở một cửa hàng hoành thánh nhỏ trên đường phố Thượng Hải, còn bố Chu lúc bấy giờ là trưởng phòng sản xuất của một nhà máy ở Thượng Hải.
Hai vợ chồng đều có thu nhập nên cũng đảm bảo cho việc học hành của 5 người con.
Tuy nhiên, Chu Chính Nghị không có hứng thú với việc học hành nên bỏ học khi lên cấp 2. Sau khi bỏ học, Chu đi làm công nhân được hai năm thì cũng bỏ giữa chừng.
Cuối cùng, Chu quyết định mở sạp hàng hoành thánh như của mẹ.
Đến giữa những năm 1980, ở Thượng Hải có xu hướng sang Nhật Bản kiếm tiền. Chu đã nắm bắt cơ hội và mang theo 101 hộp thuốc mọc tóc sang Nhật Bản để bán và trở thành “đại lý thu mua” sớm nhất lúc bấy giờ.
Được biết, có giai thoại kể rằng, trong thời gian ở Nhật, Chu có lần “anh hùng cứu mỹ nhân” và kiếm được khoản tiền lớn sau khi chia tay mỹ nhân này.
Năm 1989, sau khi trở về Trung Quốc, Chu đã dùng tiền để mở một nhà hàng ở Thượng Hải và công việc kinh doanh ngày càng phát đạt. Đến năm 1993, Chu gặp vợ mình là Mao Ngọc Bình.
Mao Ngọc Bình được đánh giá không phải là một người phụ nữ bình thường. Bà này từng phát triển sự nghiệp ở Hồng Kông và có mối quan hệ rất rộng. Vì vậy, sau này Chu phất lên một phần nhờ sự tương trợ của người vợ này.
Sự nghiệp thăng hoa
Năm 1994, vợ chồng Chu mở nhà hàng Amao dunpin, vì nhà hàng được trang trí sang trọng và phù hợp với xu hướng phát triển của Thượng Hải lúc bấy giờ nên cả hai nhanh chóng kiếm được bộn tiền.
Tất nhiên, đối với vợ chồng Chu, họ không hài lòng với việc mở nhà hàng để kiếm tiền, mà họ nhìn thấy những cơ hội kinh doanh khác: Thị trường chứng khoán và bất động sản.
Năm 1995, lĩnh vực niêm yết và lưu hành cổ phiếu của nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu hình thành, Chu đã mua cổ phiếu với giá vài NDT.
Chu kể, vào thời điểm đó, các nhân viên không tin rằng công ty của họ sẽ hoạt động tốt trên thị trường chứng khoán và họ yêu cầu tiền thay vì cổ phiếu. Chu đã mua cổ phiếu của nhân viên ở hàng chục công ty.
Hầu hết các cổ phiếu này đều có thể mua được với giá 2-3 NDT. Sau khi lên sàn, chúng đã tăng gấp vài lần hoặc hơn mười lần.
Sau đó, tất cả trong số những cổ phiếu này đã tăng một cách chóng mặt. Trong số đó, cổ phiếu của Gree tăng từ hơn 2 NDT lên hơn 20 NDT.
Hay như vào năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã khiến thị trường chứng khoán Hồng Kông rơi vào suy thoái. Chu lao vào thị trường chứng khoán Hồng Kông, mua một số lượng lớn cổ phiếu.
Không lâu sau, thị trường chứng khoán Hồng Kông phục hồi mạnh mẽ và Chu đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ đó.
Rồi nhận ra sự liên kết giữa ngân hàng và bất động sắt, Chu mua lại những tòa nhà chưa hoàn thành từ ngân hàng, rồi bán lại sau khi hoàn thiện. Trong một thời gian ngắn, Chu kiếm được tiền tỷ.
Ví dụ như tòa nhà nổi tiếng “London Phương Đông”, Chu mua nó với giá 200 triệu NDT, chi thêm 100 triệu NDT để cải tạo và bán nó với giá 500 triệu NDT.
Công việc làm ăn ngày càng lớn mạnh, Chu trở thành một thương gia giàu có nổi tiếng ở Thượng Hải.
Vài năm sau, thậm chí Chu còn trở thành người giàu nhất Thượng Hải lúc bấy giờ.
Tính đến năm 2000, Chu sở hữu 4 công ty trong tay, đồng thời đầu tư vào nhiều ngành bao gồm nông nghiệp, bất động sản, thương mại và tài chính.
Năm 2002, Chu xếp hạng thứ 11 trong Danh sách Người giàu Trung Quốc của Forbes với tài sản ròng trị giá 320 triệu USD.
Khoe mẽ và đi tù vẫn khoe mẽ
Những người giàu có khác lo lắng về tài sản của họ bị rò rỉ ra ngoài nhưng Chu lại sợ người khác không biết mình giàu có. Chu từng mua một chiếc thắt lưng kim cương và dùng nó khi đi ra ngoài.
Chu cũng là người sở hữu chiếc Ferrari đầu tiên ở Thượng Hải. Chu đã đặt xe này trước cửa một khách sạn của mình để quảng bá danh tiếng.
Cha của Chu qua đời vào năm 2003, trong tang lễ của cha, Chu phô trương sự giàu có của mình một cách lộ liễu, trang bị trực tiếp dàn xe 300 chiếc Mercedes-Benz.
Khi sự nghiệp đang phát triển tốt thì Chu bị bắt giữ vào năm 2003 vì nghi ngờ khai man vốn đăng ký, thao túng giá giao dịch chứng khoán… Chu bị kết án 3 năm tù cho lần sai phạm này.
Nhưng dù vào tù, Chu không quên được cuộc sống vương giả xưa kia. Vào mùa hè năm đầu tiên trong tù, Chu cảm thấy trong tù rất nóng nên đã mua chuộc quản giáo, rồi dùng tiền của mình để lắp đặt máy điều hòa không khí trong mỗi phòng giam trong tù.
Thậm chí, Chu còn kết nối mạng để họp hội đồng quản trị từ xa trong tù. Vào tháng 5/2006, Chu được trả tự do sau khi mãn hạn tù.
Nhưng đến tháng 10/2006, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thượng Hải đã thu được bằng chứng liên quan về tội hối lộ và hóa đơn thuế giá trị gia tăng giả của Chu nên Chu một lần nữa bị bắt giữ.
Ngày 21/1/2007, Chu Chính Nghĩa bị bắt giữ theo pháp luật. Vào ngày 30/11/2007, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 Thượng Hải kết án Chu 16 năm tù.
Mặc dù thời gian ngồi tù lần này dài hơn nhưng nó cũng giúp Chu thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Do tài sản của Chu bị phong tỏa trong thời gian ngồi tù nên sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế đi qua, tài sản của Chu vẫn nguyên vẹn.
Đặc biệt, hai căn biệt thự ở Hồng Kông mà Chu mua với giá 150 triệu trước đó, một trong số đó nằm trên đỉnh đồi, đã được bán đấu giá với giá trên trời 1,5 tỷ NDT (5,2 nghìn tỷ VNĐ) vào đầu năm 2015.
Và Chu cũng có thể kiếm được khoản lợi nhuận ổn định là 3 tỷ NDT (10,2 nghìn tỷ VNĐ) chỉ với hai dinh thự này.
Chưa kể Chu còn có thể đang nắm trong tay hàng chục tỷ NDT khác.
Vào ngày 18/4/2021, Chu đã tổ chức một bữa tiệc sinh nhật lần thứ 60 tại khách sạn nổi tiếng bên Bến Thượng Hải ở Thượng Hải sau khi mãn hạn tù.
Sau tiệc, Chu nói với giới truyền thông: ” Tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc kiếm tiền nữa và tôi không muốn nói cho người khác biết mình có bao nhiêu tiền nhưng cuộc sống của tôi vẫn ổn, tôi khẳng định, tôi không thiếu tiền “.
Với người Trung Quốc cuộc vui nào rồi cũng đến ngày tàn và cuộc đời người giàu nhất Thượng Hải chẳng qua cũng chỉ là một giấc mộng Nam Kha. Câu chuyện của ông ta, cũng như câu chuyện của những người khác, sẽ dần chìm vào dĩ vãng cát bụi.
Nguồn: Tổng hợp–Theo An An-Theo Nhịp sống thị trường