Đi làm xa, môi trường “toxic”, sếp khắt khe… là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến họ nghỉ việc.
*Bài viết là chia sẻ của Tom Corley – một nhà lập kế hoạch tài chính và tác giả của hai cuốn sách về thói quen làm giàu khá nổi tiếng.
Tôi đã dành 5 năm nghiên cứu và phỏng vấn 233 triệu phú để tìm hiểu về thói quen và cách họ suy nghĩ. Trong số đó, 51% là doanh nhân, 28% có công việc truyền thống (làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều) và 18% là giám đốc cấp cao tại các công ty lớn.
Nhưng tất cả những người này đều có một điểm chung: Từ bỏ công việc đang ở giai đoạn giữa hoặc cuối sự nghiệp vì cảm thấy đó là cách duy nhất để có thể thực sự thành công và gây dựng sự giàu có.
Một số rời đi để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình trong khi những người khác tìm thấy công việc làm thêm mang lại nhiều cơ hội phát triển và thu nhập cao hơn.
Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất khiến họ quyết định bỏ việc:
Làm công việc nhàm chán
Các triệu phú trong nghiên cứu của tôi thường cảm thấy như họ luôn làm “công việc của thây ma”, nhàm chán, lặp đi lặp lại và không thể hiện được thế mạnh cũng như khả năng của họ.
Một người mà tôi phỏng vấn từng làm việc cho công ty vận chuyển container. Khi nhận thấy đang làm công việc không phát huy hết được khả năng của bản thân, anh đã bỏ việc để hợp tác cùng một đồng nghiệp khác.
Họ cùng thành lập một công ty vận chuyển container quốc tế mới. Thời điểm hiện tại, công ty của họ trị giá hàng tỷ USD.
Có cấp trên “độc hại”
Những người quản lý khắt khe, ích kỷ, kiêu ngạo hoặc ít quan tâm đến ý kiến của nhân viên sẽ không giúp họ đạt được thành tựu trong công việc.
Một triệu phú cho biết ông đã phát chán với quản lý của mình – người chỉ biết chỉ trích công việc của ông thay vì đưa ra phản hồi mang tính xây dựng. Ông cảm thấy mệt mỏi và quyết định nghỉ việc để thành lập công ty xây dựng nhà của riêng mình, hợp tác cùng một số nhân viên chủ chốt cũng có chung suy nghĩ.
Công ty của họ đã phát triển thành một công ty xây dựng nhà thành công, khiến những người sáng lập trở nên rất giàu có.
Văn hóa công sở không lành mạnh
Văn hóa ngồi lê đôi mách ác ý có thể khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy lo lắng mỗi ngày khi đi làm. Đây là trường hợp của một trong những nhân vật trong nghiên cứu của tôi – người từng là giám đốc tại một công ty kế toán.
Cuối cùng, người này đã rời đi do môi trường độc hại. Sau nhiều tháng phỏng vấn xin việc, anh ấy nhận được lời đề nghị tại một công ty đối thủ, nơi anh thăng tiến nhanh hơn và làm việc trong môi trường thân thiện hơn.
Mức lương không xứng đáng (hoặc không được tăng lương)
Một dấu hiệu chắc chắn rằng đã đến lúc bắt đầu tìm kiếm công việc khác là khi tiền lương gần như không thể trả nổi các hóa đơn, kỳ nghỉ hay tiết kiệm đủ tiền để mua nhà.
Một người làm việc cho một đại lý ô tô lớn đã quyết định tự kinh doanh. Nhờ các khoản góp vốn từ gia đình và bạn bè, anh đã thành lập đại lý riêng và nhượng quyền thương mại, cho phép anh tạo dựng khối tài sản đáng kể.
Đi làm xa
Một triệu phú tự thân từng phải di chuyển từ New Jersey đến New York để đến chỗ làm. Điều này khiến cô mệt mỏi và quyết định tìm công việc mới ở gần nhà hơn.
Sau đó, cô đầu quân cho một công ty dược phẩm và nhanh chóng được thăng tiến. Nhờ gói thưởng bằng cổ phiếu rất hậu hĩnh, cô quyết định nghỉ hưu sớm.
Lĩnh vực đang làm không ổn định
Một chuyên gia công nghệ thông tin đã rời công ty sản xuất đang gặp khó khăn của mình để gia nhập một doanh nghiệp mới cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán.
Vào thời điểm đó, đây là một ngành công nghiệp tương đối mới. Tuy nhiên, việc chấp nhận rủi ro của người này đã được đền đáp xứng đáng. Công ty làm ăn ngày càng phát đạt, giúp tài sản của anh ấy cũng vì thế mà tăng lên.
Nguồn: CNBC-Mộc Tiên-Theo Nhịp sống thị trường