Dù điều kiện khí hậu khắc nghiệt không người sinh sống, nhưng đảo Ross từng là nơi đặt trạm của nhiều chuyến thám hiểm đến Nam Cực.
Nằm chơ vơ nơi vùng đất băng giá của Nam Cực, đảo Ross được phát hiện vào năm 1840 bởi nhà thám hiểm, đồng thời là sĩ quan Hải quân Anh, Sir James Clark Ross.
Dù điều kiện khí hậu khắc nghiệt không người sinh sống, nhưng đảo từng là nơi đặt trạm của nhiều chuyến thám hiểm đến Nam Cực. Cũng giống những địa điểm xa thẳm, hoang vu của Trái đất, ở đây cũng tồn tại những lời đồn về hiện tượng huyền bí, siêu nhiên.
Bi kịch của đoàn thám hiểm
Về phía Tây của đảo Ross là một mỏm đá có tên là Cape Evans, tạo thành lối vào phía Bắc vịnh Erebus, cũng khắc nghiệt và ảm đạm như phần còn lại của hòn đảo.
Chính tại đây, trong chuyến thám hiểm Nam Cực của người Anh (1910 – 1913), còn được gọi là “Cuộc thám hiểm Terra Nova”, Robert Falcon Scott đã xây dựng nơi dừng chân, còn gọi là “căn lều của Scott” làm bằng gỗ, dài 15m và rộng 7,6m, được cách nhiệt bằng rong biển nhét giữa các bức vách.
Lều có mái che, toàn bộ được thắp sáng bằng khí acetylene và sưởi ấm bằng than. Vào năm 1911, trong lều này có 25 người của đoàn thám hiểm trú Đông. Sau đó, hơn phân nửa do Scott dẫn đầu tiếp tục hành trình, phân còn lại ở tại lều chờ tin tức.
Chuyến thám hiểm này mang ý nghĩa khoa học và toán của Scott cũng mong muốn trở thành những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất cực Nam này. Nhưng họ chẳng những không đạt được mục tiêu, mà hơn phân nửa thành viên bị thiệt mạng sau khi rời trại. Mãi 8 tháng sau, thi thể của họ mới được phát hiện cùng ảnh và nhật ký.
Sau khi nhóm của Scott mất tích, những người còn lại trong đoàn đã ở lại căn lều này thêm một mùa Đông nữa để tìm kiếm các thi thể trong băng giá. Một trong số đó là Apsley Cherry-Garrard, 24 tuổi, thành viên trẻ nhất của đoàn thám hiểm.
Theo Apsley, trong khi thay nhau tìm kiếm thi thể của các thành viên trong nhóm trên vùng đất hoang lạnh giá và ẩn mình trong bóng tối của căn lều tối tăm, họ có một số trải nghiệm bí ẩn, không thể giải thích được. Anh ta ghi trong nhật ký:
– Toàn bộ nơi này rất kỳ lạ, không chỉ tôi mà nhiều người khác đều cảm giác như có những người sống quanh đây. Đêm qua, sau khi trở về từ cuộc tìm kiếm, tôi thề rằng đã nghe thấy tiếng người la hét.
Có thể đó là tiếng hải cẩu gọi nhau, nhưng nghe giống tiếng người. Đêm trước nữa, khi quay về được khoảng hai tiếng, chúng tôi nghe có năm hoặc sáu tiếng gõ vào ô cửa sổ nhỏ phía trên đầu. Ai đó đã thắp một ngọn nến… Chúng tôi vội vã ra ngoài. Nhưng tất cả đều lặng như tờ.
Năm 1913, cuộc thám hiểm kết thúc, căn lều bị bỏ lại cùng thực phẩm, dầu và than dành cho những cuộc thám hiểm trong tương lai. Sau đó không lâu nó đã hữu ích cho 10 thành viên bị lạc của nhóm Ross Sea, do nhà thám hiểm Nam Cực nổi tiếng, Sir Ernest Henry Shackleton dẫn đầu, khi bị mất phương hướng trong băng. Họ đã trú trong căn lều này và được giải cứu, nhưng không lâu sau, ba người đã chết, được chôn cất gần đó.
Vào những năm 1950, căn lều của Scott được khai quật trong băng tuyết và tồn tại cho đến nay. Nó nổi tiếng là nơi bị ma ám, đặc biệt là ở khu vực gần một cây thánh giá do nhóm Ross Sea dựng lên để tưởng niệm ba trong số những thành viên thám hiểm đã chết tại đây.
Người ta cho rằng không chỉ quanh nơi đặt cây thánh giá có những bóng ma lảng vảng mà nơi đây còn thu hút linh hồn của những nhà thám hiểm khác đã chết khi tìm đến Nam Cực. Ngay căn lều cũng được cho là nơi ẩn náu của những bóng đen, gây sợ hãi bởi nhiều tiếng động dị thường như tiếng bước chân, cả giọng nói.
Tai nạn máy bay đầy ám ảnh
Một căn lều khác được xây dựng trên đảo Ross trước đó bởi nhà thám hiểm Nam Cực, Sir Ernest Shackleton, vào năm 1907 – 1909, nằm trên Mũi Royds, cực Tây của đảo, là nơi ở dành cho tối đa mười bốn người cùng cũi chó, chuồng ngựa con, trạm khí tượng và một phòng thí nghiệm.
Giống như căn lều của Scott, nó cũng được coi là một di tích lịch sử Nam Cực và nơi xảy ra những hiện tượng siêu linh. Sir Edmund Hillary, người New Zealand, nhà thám hiểm nổi tiếng từng chinh phục núi Everest, kể lại, “Tôi nhớ lần đầu tiên đến căn lều này, bên trong khá trống trải nhưng tôi thấy rõ ràng Sir Shackleton đang tiến đến chào đón tôi, rồi mọi thứ vùn vụt trôi qua và ông ta biến mất”.
Đối diện căn cứ Shackleton là Trạm McMurdo, địa điểm nghiên cứu Nam Cực của Hoa Kỳ ở mũi phía Nam Đảo Ross. Đây là khu định cư lớn nhất Nam Cực, với sức chứa khoảng 1.200 người. Vào năm 1979, tại đây trở thành hiện trường của một thảm kịch lớn, biến nó trở thành trong những nơi bị ma ám nhất trên đảo.
Ngày 28 tháng 11 năm 1979, một chiếc máy bay ngoạn cảnh của New Zealand chở 257 người hướng tới đảo Ross. Trong khi hạ độ cao máy bay qua bầu trời u ám để hành khách có thể nhìn thấy thềm băng Ross, phi công đã phán đoán sai, đưa máy bay xuống quá thấp khiến nó đâm vào núi vỡ tan, không người nào sống sót.
Với quá nhiều người chết trong tai nạn, không có gì ngạc nhiên khi nơi này được cho là địa điểm ma ám. Nhiều du khách và nhân viên tại Trạm McMurdo đã kể về việc từng nhìn thấy những bóng ma lang thang vô định trên lãnh nguyên băng giá hoặc xuất hiện ngay trong trạm, họ cũng nghe thấy tiếng bước chân, giọng nói hoặc thậm chí là tiếng rên rỉ và la hét kỳ lạ.
***
Những câu chuyện huyền bí có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu, kể cả những nơi tối tăm và xa xôi nhất trên Trái đất này. Thật sự có những bóng ma lang thang ở Nam Cực băng giá hay đó chỉ là những ảo ảnh và hoang tưởng của những người không quen với nơi hoang vu vắng vẻ? Cho đến nay, mọi chuyện vẫn còn chìm trong bí ẩn.
Theo Mysteriousuniverse-Theo Giáo dục Thời đại