Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, có doanh nghiệp Việt mang về đơn hàng cả triệu USD. Đây là trường hợp thành công đáng chú ý nhờ chuyển đổi số. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng doanh nghiệp không đồng đều, nhiều trường còn rời rạc, bỏ cuộc giữa chừng.
Đây là thông tin đưa ra trong buổi công bố báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp, tổ chức tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều nay (16/2). Chủ đề báo cáo 2022 là mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp – cho biết, báo cáo được xây dựng dựa vào khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông – lâm – thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; giáo dục đào tạo…
Trình bày báo cáo tóm tắt, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phụ trách Văn phòng chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp – thông tin, năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng. Nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số.
Tuy có sự cải thiện, nhưng doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn khá rời rạc. Doanh nghiệp chuyển đổi số chỉ để đáp ứng nhu cầu tức thì, chứ chưa có kết nối giữa các giải pháp.
Khảo sát cho thấy, gần một nửa (48,8%) doanh nghiệp từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, nhưng hiện tại không tiếp tục áp dụng. Hơn 35% doanh nghiệp được khảo sát đã số hoá dữ liệu, quy trình, nhưng chủ yếu là đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống.
Chỉ 2,2% doanh nghiệp được khảo sát đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh. Dù vậy, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.
Chia sẻ về thành quả chuyển đổi số thành công trong doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nêu câu chuyện của Công ty TNHH Trang Trại Langbiang. Langbiang đã áp dụng thành công hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), giúp quản trị toàn bộ các hệ thống kế toán, tài chính, thu mua, kho hàng, và hệ thống truy suất nguồn gốc giúp theo dõi, quản trị toàn trình suốt vòng đời phát triển của cây rau và hoa.
Thời gian tới, Langbiang sẽ mở rộng sản xuất, triển khai hoàn thiện hệ thống dữ liệu và xây dựng hệ thống mã vùng trồng chi tiết, kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc. Khách hàng quốc tế dễ dàng kiểm tra và đánh giá nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông sản không chỉ của Langbiang mà của cả Việt nam
Hay Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công ty đã thành lập ban chuyển đổi số, ứng dụng nhiều công nghệ, số hoá hiện đại, chuyển hoá toàn bộ dữ liệu doanh nghiệp triển khai lên nền tảng điện toán đám mây.
Hệ thống vận hành được tích hợp trên nền tảng hiện đại, kiểm soát được dữ liệu, điều khiển và phân tích về phòng điều hành trung tâm. Công ty đồng thời thực hiện bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Năm 2022, dù có nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận doanh thu dự kiến tăng 16%. Tỷ trọng doanh thu từ các hợp đồng quốc tế tăng từ 30% (2021) lên 50% (2022). Trong đó, có đơn hàng quốc tế giá trị vượt 10 triệu USD.
Theo Việt Linh-Tiền phong