Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả bình ổn thị trường bất động sản, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, kéo theo khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình cảnh lao đao. Muốn tồn tại, nhiều tập đoàn đang phải cắt giảm hàng vạn nhân sự, đẩy nhiều người lao động cùng gia đình vào tình cảnh khó khăn. Điều lo lắng là với khả năng lan tỏa, tác động to lớn của bất động sản, hàng chục ngành nghề, lĩnh vực và hàng triệu người làm công ăn lương sẽ bị ảnh hưởng.
Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, gần 40% doanh nghiệp địa ốc phá sản trong năm 2022 vì khó khăn dòng tiền, giá nguyên vật liệu leo thang. Trong số 60% doanh nghiệp, hiện khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đang phải cắt giảm tối đa chi phí để có thể sống sót và tồn tại.
Cụ thể, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) là doanh nghiệp giảm nhân sự nhiều nhất trong năm 2022 với khoảng 2.660 người, tương ứng tỷ lệ giảm 41,4%. Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) giảm hơn 360 nhân sự. Cùng với đó số lượng các tập đoàn, doanh nghiệp giảm từ số lượng lớn nhân sự không đếm hết.
Thậm chí, ngày 15/2, thị trường bất động sản cũng “sốc” với một văn bản có thông tin Hưng Thịnh Land có dự kiến trả lương nhân viên bằng voucher. Mặc dù, đại diện của Hưng Thịnh cho biết văn bản trên chưa được phát hành chính thức nhưng cũng đã thấy được khó khăn và túng quẫn của doanh nghiệp bất động sản. Trước Hưng Thịnh, nhiều Tập đoàn bất động sản như Crystal Bay, FLC…cũng đã thanh toán cho đối tác theo phương thức voucher nghỉ dưỡng.
Trong khi các chủ đầu tư khó khăn thì các sàn giao dịch cũng “thoi thóp”. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, cả nước hiện có gần 1.500 sàn giao dịch bất động sản, nhưng 500 sàn đang trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, có nguy cơ đóng cửa. “Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác”, ông Đính cho biết.
Không chỉ nhân sự ngành bất động sản bị ảnh hưởng mà hàng vạn lao động trong ngành xây dựng, ngoại thất cũng đang lao đao. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu cho biết toàn ngành xây dựng cũng đang lao đao, khó khăn chồng chất do công nợ kéo dài, chủ đầu tư chây ì không thanh toán. Thậm chí, có doanh nghiệp xây dựng không đòi được tiền công từ chủ đầu tư phải lấy sản phẩm bất động sản để gá nợ.
“Doanh nghiệp không có công ăn việc làm, không có tiền trả công nhân. Lượng công nhân ngành xây dựng chỉ khoảng 25% có thời hạn và 75% không thời hạn. Và khi không có việc 75% số lượng nhân sự ngành xây dựng không có thời hạn này gần như bị rơi vào mất việc. Điều này ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, huệ lụy của bất động sản “đóng băng” không chỉ ảnh hưởng đến làn sóng sa thải nhân sự, “bát cơm” của hàng trăm nghìn người làm trong lĩnh vực này mà đang gây ra những bất ổn xã hội khi doanh nghiệp “đứt gánh” cam kết với khách mua nhà, nhà đầu tư giữa đường.
Cụ thể, đầu tháng 2 Công ty Cổ phần NovaReal (thành viên Novaland) đã chính thức ra thông báo hoãn tài trợ ưu đãi lãi suất. Theo đó, khách hàng tự thanh toán lãi vay ngân hàng các đợt còn lại bằng vốn tự có trong thời gian hỗ trợ lãi suất. Sau này, công ty sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền lãi vay mà khách hàng đã thanh toán và chi trả thêm tiền lãi theo lãi suất 12%/năm với tổng số tiền lãi mà khách hàng tự thanh toán của từng đợt.
Không chỉ khách hàng của Novaland, khách mua trái phiếu, khách đầu tư của nhiều Tập đoàn bất động sản lớn hiện cũng đang trong tình trạng “mất ăn mất ngủ”.
Đánh giá về tình trạng thị trường bất động sản hiện tại ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bất động sản cho biết bất động sản được ví như chim báo bão cho nền kinh tế, khi bất động sản khủng hoảng sẽ kéo theo nhiều khó khăn cho xã hội. Với lần này, tính đột ngột và bất ngờ khi thị trường đảo lộn trạng thái từ hưng phấn sang khủng hoảng trên diện rộng khiến ai cũng phải ngỡ ngàng. Ngay lập tức, mọi thứ trở nên khó khăn và lan ra cả nền kinh tế chứ không riêng gì bất động sản.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng cho rằng nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả (theo khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng) thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Có thể nói, những khó khăn chưa từng có về thủ tục pháp lý, dòng vốn…đang đẩy các doanh nghiệp bất động sản vào tình cảnh đình trệ. Muốn tồn tại, hàng loạt tập đoàn bất động sản đang phải cắt giảm hàng vạn nhân sự, đẩy nhiều người lao động cùng gia đình vào tình cảnh lao đao. Điều lo lắng là với khả năng lan tỏa, tác động to lớn của bất động sản, hàng chục ngành nghề, lĩnh vực và hàng triệu người làm công ăn lương đang bị ảnh hưởng trầm trọng. Tất cả đang chờ giải pháp cụ thể cho lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế.
Theo Nam Anh–Nhịp Sống Kinh Tế