Giáo viên, trường đại học không nên cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, hãy dạy các em biết cách sử dụng hiệu quả, đúng cách.
Nhận định trên được PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra tại Tọa đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo – lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 13/2.
Sử dụng đúng cách thay vì cấm
“Đứng trước ‘cơn sốt’ ChatGPT, những người làm công nghệ thông tin như chúng tôi khá bình tĩnh. Trước đó nhiều công nghệ AI tương tự từng xuất hiện. ChatGPT cũng là demo cho ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Chúng ta sẽ còn nhiều bất ngờ trong thời gian tới về những công nghệ trí tuệ nhân tạo này”, PGS Hải Tùng nói.
Ông cho rằng, không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT thay thế con người. ChatGPT có thể tổng hợp thông tin, nhưng không có tư duy, phản biện. Do vậy, đây chỉ là một trong số vô vàn công cụ để ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày.
Về lo lắng sinh viên sẽ lười hơn khi ChatGPT ra đời, PGS Tùng bày tỏ, việc một số trường, giáo viên cấm sinh viên dùng ChatGPT là “bảo thủ”. Nhiều sinh viên kỹ năng viết bài luận cuối môn học rất kém, thậm chí nếu để các em tự viết và chấm thẳng tay, khó đạt điểm 5 – mức trung bình. Dù có kiến thức nền nhưng mức độ diễn đạt thành bài luận hoàn chỉnh rất kém.
Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì các em có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên, “kiến thức hoàn toàn của các em, ChatGPT chỉ đóng vai trò diễn đạt, phong phú câu văn, nội dung bài luận”.
“ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Chúng ta nên kỳ vọng đây là công cụ để sinh viên học tốt hơn, làm nền cho sự tiến bộ”, PGS Tùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni chia sẻ: “Khi sức nóng của ChatGPT lan toả khắp nơi, chúng tôi không tranh cãi tốt hay xấu, mà nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào dạy học như thế nào, dạy sinh viên sử dụng đúng cách, hiệu quả”.
Trường sẽ nhanh chóng có những buổi học hướng dẫn giảng viên, sinh viên sử dụng hiệu quả nhất ChatGPT vào nghiên cứu, học tập, sử dụng có trách nhiệm cũng như đề cao tính liêm chính trong học thuật, “nói không với đạo văn”.
Thay đổi để thích ứng với ChatGPT
Tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, sự ra đời của công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho con người nhiều lợi ích, giúp các công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành giáo dục, công nghệ khoa học giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của ngành.
Trước kia, khi radio, tivi, camera, máy tính… mới ra đời, nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi nhưng cuối cùng tất cả những công nghệ đó đều giúp cuộc sống, mà đặc biệt ngành giáo dục có những bước tiến lớn.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT chắc chắn sẽ tác động căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành, từ chương trình giáo dục, vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.
“Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng cần thay đổi thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi và chính sách của Nhà nước cũng sẽ phải thay đổi, điều chỉnh để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, công nghệ ra đời luôn có 2 mặt. Nếu cơ quan chức năng làm tốt được chính sách thì sẽ đưa công nghệ đến gần hơn với học sinh vùng sâu, vùng xa. Ngược lại, nếu không làm tốt chính sách, các em vùng sâu, vùng xa sẽ thiệt thòi, tạo nên khoảng cách lớn về vận dụng công nghệ số .
“Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục ngiên cứu các chính sách để giảm bất bình đẳng giáo dục và tăng độ tiếp cận, chất lượng với học sinh về mặt công nghệ trong thời gian tới”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Theo Hà Cường/VTC- Theo vtc.vn