Trí tuệ cảm xúc vượt trội hơn trí tuệ nhận thức với tư cách là yếu tố dự báo tốt nhất cho sự thành công trong kinh doanh.
Trí tuệ cảm xúc là một kỹ năng mềm cần phải có của các nhà lãnh đạo. Đa phần mọi người đều bị thu hút bởi những thủ lĩnh có chỉ số EQ cao. Điều đó thể hiện rõ qua cách họ tương tác với đồng nghiệp. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể đoán được rằng một người nào đó sở hữu EQ cao hay không thông qua những cụm từ họ sử dụng hàng ngày.
Trong cuốn sách Trí Tuệ Cảm Xúc bán chạy nhất năm 1995 của mình, Daniel Goleman đã lập luận rằng trí tuệ cảm xúc vượt trội hơn trí tuệ nhận thức với tư cách là yếu tố dự báo tốt nhất cho sự thành công trong kinh doanh.
May mắn thay, trí tuệ cảm xúc là một trong những kỹ năng lãnh đạo có thể cải thiện được thông qua việc luyện tập thường xuyên. 8 câu nói đơn giản dưới đây là những “câu cửa miệng” mà những vị sếp thành công và có EQ cao thường sử dụng, bạn cũng có thể áp dụng nếu muốn được lòng người khác hơn.
“Nói cho tôi biết thêm đi!”
Các nhà lãnh đạo có EQ cao thường sở hữu một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng là giao tiếp. Họ cũng hiểu rằng đó có thể là thử thách đối với người khác và họ sẽ không bao giờ đưa ra giả định chắc chắn dựa trên lời nói với đồng nghiệp. Thay vào đó, họ sẽ nói: “Hãy nói cho tôi biết thêm về điều đó” hoặc “Ý bạn là gì khi bạn nói/ làm điều đó?”.
Tiến sĩ Neeta Bhushan – nhà giáo dục sức khỏe cảm xúc và tác giả của cuốn Emotional GRIT cho biết khi các nhà lãnh đạo sử dụng mẫu câu này, họ đang hành động từ chính sự tò mò và lòng trắc ẩn thay vì phán xét đối phương.
“Câu nói ‘bạn có thể nói thêm về điều đó không’ thể hiện mong muốn hiểu rõ hơn những gì người khác đang nói hoặc đang cố gắng đạt được, nhưng không mang tính đánh giá hay thái độ trịch thượng”, Drew Bird – người sáng lập The EQ Development Group cho biết thêm.
“Bạn thích được giao tiếp như thế nào?”
Các nhà lãnh đạo có chỉ số EQ cao cũng không đưa ra giả định về việc người khác thích nhận thông tin từ họ như thế nào. Chẳng hạn, một số người có thể đánh giá cao các cuộc trò chuyện trực tiếp trong khi những người khác lại thích một tin nhắn đơn giản. Các nhà lãnh đạo sở hữu EQ cao muốn biết về những sở thích để có thể điều chỉnh phong cách giao tiếp của bản thân cho từng cá nhân cụ thể.
“Những vị sếp EQ cao biết cách giao tiếp bằng sự đồng cảm. Và họ nhận ra rằng để làm được như vậy, họ phải tìm hiểu người khác và hỏi họ muốn nhận thông tin của họ như thế nào. Là con người, tất cả chúng ta đều thích tiếp nhận thông tin liên lạc theo những cách khác nhau và các nhà lãnh đạo có chỉ số EQ cao sẽ luôn tìm hiểu mong muốn đó từ bạn”, Colin D. Ellis, tác giả cuốn The Conscious Project Leader lưu ý.
“Tôi đánh giá cao bạn”
Đưa ra phản hồi là một cách mà các nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao áp dụng cực kỳ hiệu quả. Sanjay Malhotra, CTO của Clearbridge Mobile, cho biết cụm từ mà anh ấy thường dùng là “Trông ổn đấy”, “Tôi biết điều đó nghe có vẻ đơn giản”.
Malhotra chia sẻ thêm: “Nhóm của tôi làm việc ngày đêm để tạo ra ý tưởng. Đôi khi mọi thứ trở nên bận rộn với nhiều dự án chồng chéo nhau, vì vậy tôi cố gắng đảm bảo rằng mọi người đều biết họ được công nhận và hoàn thành tốt công việc dù chỉ trong một giây ngắn ngủi. Đó là một việc không quá lớn lao, nhưng tôi biết mọi người sẽ rất hạnh phúc khi lắng nghe điều đó”.
Những nhà lãnh đạo hiệu quả sử dụng cụm từ này sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt và lòng tin sâu sắc hơn với đồng nghiệp của họ, đó là cách hữu hiệu để có được mối quan hệ lâu dài. Bhushan nói: “Thể hiện lòng biết ơn và sự chấp nhận là một cách chắc chắn để có được sự gắn kết tích cực và sự hài lòng của nhân viên”.
Còn Bird lại nói: “Việc giúp mọi người hiểu tại sao bạn biết ơn sẽ khiến nó có ý nghĩa hơn là chỉ đơn giản nói lời cảm ơn. Khi nói tôi thực sự đánh giá cao việc bạn làm điều đó vì hay chia sẻ thêm cả tác động thực sự của hành động của họ”.
“Quan điểm của bạn là gì?”
Theo Ellis, các nhà lãnh đạo EQ cao có bản chất hòa nhập và không bao giờ ngừng tìm kiếm cơ hội để khéo léo đưa suy nghĩ và quan điểm của người khác vào một cuộc thảo luận. Họ nhận ra rằng bản thân không phải là người thông minh nhất, thay vào đó họ tìm cách nâng người khác lên.
“Tôi có cách nhìn khác”
Các nhà lãnh đạo có chỉ số EQ cao không né tránh những cuộc trò chuyện. Thay vào đó, họ sử dụng những bất đồng quan điểm như là cách để bắt đầu đối thoại và tìm ra hướng đi chung. Bird nói: “Câu ‘Tôi có một quan điểm khác’ là một cách thông minh hơn về mặt cảm xúc để nói rằng ‘Tôi không đồng ý’. Có một góc nhìn khác đơn giản nghĩa là bạn có một cái nhìn khác về cơ hội hoặc thách thức này”.
Khi những quan điểm thay thế đó dẫn đến xung đột, Bird gợi cách nói: “Điều đó khiến tôi [chèn cảm xúc/cảm giác] khi bạn…”. Câu này thể hiện rằng sếp đã suy nghĩ về những gì đang xảy ra và cho phép người khác nghe thấy và tác động của hành động của họ.
“Bạn ổn chứ?”
Đối với hầu hết mọi người, khả năng sáng tạo không phải lúc nào cũng dồi dào. Có những ngày chúng ta làm việc hết công suất, có những ngày chúng ta cần thêm vài tách cà phê chỉ để vượt qua những giờ đồng hồ làm việc căng thẳng.
“Có những lúc mọi người không thể trở thành phiên bản tốt nhất, hiệu quả nhất của chính họ. Trong những thời điểm như thế này, phản ứng của những nhà lãnh đạo EQ cao là không mắng mỏ họ vì đã trễ hạn hoặc để chất lượng công việc bị trượt dốc. Thay vào đó là hỏi han họ, theo một cách đồng cảm, xem họ có ổn không. Phúc lợi của người khác là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí và đây chỉ là một cách để họ thể hiện điều đó”, Ellis nói.
“Tôi lắng nghe bạn”
Đồng cảm, như Ellis lưu ý, là một dấu hiệu của trí tuệ cảm xúc cao. Trước quan điểm này Bhushan hoàn toàn đồng ý, nói: “Thể hiện sự đồng cảm là cách cực tốt để thể hiện trí tuệ cảm xúc, để chứng minh rằng bạn lắng nghe người khác và rằng bạn không có bất kỳ mục đích ngầm nào thúc đẩy hành động của mình. Những câu như ‘Tôi lắng nghe bạn mà’ và ‘Tôi hiểu bạn mà’ rất hữu ích trong việc đưa ngôn ngữ của sự đồng cảm vào vốn từ vựng của bản thân”.
“Tôi xin lỗi”
Các nhà lãnh đạo EQ cao không ngại thừa nhận sai lầm của bản thân. Bird nói: “Xin lỗi một cách chân thành thể hiện trí tuệ cảm xúc ở mức độ cao vì nó thể hiện sự khiêm tốn và nhún nhường”.
Ellis lưu ý thêm rằng sự khiêm tốn là chìa khóa của thành công: “Khiêm tốn là một đặc điểm hành vi quan trọng của vị sếp EQ cao. Họ có khả năng tự nhận thức để biết khi nào họ đã nói điều gì đó hoặc hành động theo cách gây khó chịu hoặc làm suy yếu người khác và quyết tâm sửa chữa điều đó càng sớm càng tốt”.
Theo Huỳnh Đức-Theo ttvn.toquoc