Sau khi các Nhà máy Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động đã tạo ra vùng lòng hồ rộng hàng nghìn héc ta ở huyện biên giới Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu). Nắm bắt lợi thế đó, huyện xác định phát triển nuôi cá lồng gắn với du lịch…
Nuôi cá lồng gắn với làm du lịch tại các hồ thủy điện ở Lai Châu là hướng đi đột phá, biến tiềm năng, thế mạnh thành mũi nhọn phát triển kinh tế – xã hội.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, huyện Nậm Nhùn đã vận động Nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đó là hướng đi mới của huyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Xã Mường Mô, một trong những địa phương có diện tích mặt nước lòng hồ lớn nhất với trên 1.000ha. Xã có 8 bản, 742 hộ và trên 2.900 nhân khẩu. Trong số 8 bản của xã có đến 7 bản là bản tái định cư thủy điện Lai Châu, việc tạo thu nhập cho người dân luôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã.
Với lợi thế sẵn có, trong những năm qua nguồn thu nhập từ thủy sản lòng hồ phần nào giúp cuộc sống các gia đình trong xã nâng lên đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Nhằm giúp người dân về vốn, kỹ thuật nuôi cá, từ năm 2017, thực hiện chương trình thí điểm nuôi cá lồng, huyện Nậm Nhùn đã hỗ trợ cho 21 hộ của xã Mường Mô tham gia.
Mỗi hộ được hỗ trợ đóng lồng bè nuôi cá với mức 10 triệu đồng/hộ. Sau khi thấy được hiệu quả của mô hình này, nhiều hộ ngoài chương trình hỗ trợ cũng mạnh dạn đầu tư, đóng bè nuôi cá.
Các hộ thả ghép nhiều loại cá như: rô phi, trắm, trôi, chép để tận dụng nguồn thức ăn cho cá, với những loại cá này bà con chỉ mất từ 5 – 6 tháng chăm sóc là có thể xuất ra thị trường; một số hộ đầu tư thả riêng giống cá lăng, loài cá được xem là đặc sản của sông Đà.
Một lợi thế cho việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Mường Mô là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ nguồn thủy sản lòng hồ. Vì vậy, các hộ nuôi cá không phải tốn thêm tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư. Hơn thế nữa, việc không sử dụng thức ăn hỗn hợp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng.
Ngoài các chính sách hỗ trợ con giống, lồng nuôi, UBND huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo xã Mường Mô thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng nhằm tăng cường mối liên kết giữa hợp tác xã với người dân.
Chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu phát triển nuôi cá lồng được vay vốn 50 triệu đồng/hộ. Thực hiện cho thuê mặt nước để tránh tranh chấp vùng nuôi giữa các hộ dân…
Để tạo điều kiện, giúp đỡ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, xã Mường Mô đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức cho người dân; tạo cơ chế thuận lợi cho thương lái thu mua, bao tiêu sản phẩm cá lồng.
Ngoài ra, hiện người dân ở xã Nậm Hàng, Nậm Chà và thị trấn Nậm Nhùn cũng tiến hành nuôi cá lồng nhưng quy mô nhỏ hơn. Với nguồn thủy sản từ việc nuôi cá lồng và đánh bắt từ tự nhiên, đến nay, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của xã Mường Mô đạt trên 50 tấn/năm.
Ông Đỗ Văn Thắng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: Nhằm giúp các hợp tác xã, hộ gia đình nuôi cá lồng, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh cho cá.
Hướng thu nhập từ nuôi cá thành nguồn thu chính của người dân, nhất là người dân ở những bản tái định cư. Nếu người dân có nhu cầu nuôi cá lồng sẽ được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật nuôi.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện Nậm Nhùn, từ năm 2017 đến nay đã hỗ trợ Nhân dân và các hợp tác xã làm được 259 lồng nuôi. Các chính sách về hỗ trợ lồng cá đã tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn kinh phí để phát triển cũng như nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, nhiều hộ còn triển khai nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá chiên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi cá lồng ở các hợp tác xã, hộ gia đình đã giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Về đầu ra, người dân không còn gặp quá nhiều khó khăn khi có doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm hay tiêu thụ ngay tại thị trường huyện.
Thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với những giải pháp gồm quy hoạch phát triển tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, quy hoạch chi tiết vùng gắn với các đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Nguyễn Tùng (Báo Lai Châu)