Qua cuộc thi Phụ nữ (PN) sáng tạo khởi nghiệp năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức, nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của PN được đánh giá cao. Trong đó, có mô hình “Nuôi cá chốt thương phẩm”
Chị Lê Thị Liên Mai (ấp Tân Đại, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc).cho biết, trước đây, gia đình chị nuôi tôm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kinh tế khá bấp bênh. Sau thời gian tìm hiểu về nhu cầu của thị trường, chị quyết định chuyển sang nuôi cá chốt và là người đầu tiên ở xã có ý tưởng nuôi loài cá này.
Đợt đầu tiên, chị thả nuôi 100.000 con cá chốt giống, sau khoảng 6 tháng thì thu hoạch. Cá chốt tuy dễ nuôi nhưng người nuôi phải có kỹ thuật, trước hết là phải dọn ao thật kỹ để tránh hao hụt con giống, mật độ nuôi vừa phải để giúp cá tăng trưởng nhanh.
Chị Liên Mai chia sẻ: “Đa phần nông dân ở đây đều nuôi tôm. Nuôi tôm thì phải chạy quạt nước, tốn nhiều chi phí. Đó là một trong những lý do tôi chuyển sang mô hình này. Nuôi cá chốt có thể giảm công lao động, ít chăm sóc, cũng dễ nuôi hơn so với những loại cá khác. Khoảng 6 giờ là tôi cho cá ăn, đến 17 giờ cho ăn thêm một lần nữa. Nhờ nuôi cá chốt thương phẩm, gia đình tôi có lợi nhuận nhiều và ít rủi ro hơn so với nuôi tôm”.
Thấy mô hình nuôi cá chốt cho thu nhập ổn định, chị Liên Mai mở rộng diện tích từ 3.000m2 lên 7.000m2. Hiện cá chốt thương phẩm được thương lái đến nhà thu mua với giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, chị có lãi khoảng 100 triệu đồng từ mô hình nuôi cá chốt.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Tập, huyện Cần Giộc, tỉnh Long An – Nguyễn Thị Trúc Phương cho biết, thời gian qua, Hội đẩy mạnh các phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; PN làm kinh tế giỏi.
Đồng thời, địa phương cũng thực hiện Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Riêng mô hình nuôi cá chốt trên vùng đất phèn, mặn của chị Lê Thị Liên Mai bước đầu thành công. Mô hình này đoạt giải Nhì tại cuộc thi phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tổ chức.
Đây cũng là mô hình phát triển kinh tế giúp phụ nữ có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cùng địa phương xây dựng xã nông thôn mới.
Thanh Nga (Báo Long An)