Nắm bắt được thị trường, anh Tạ Văn Đô ở ấp Phước Thới B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi dúi và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dúi còn được gọi là chuột nứa, thịt dúi được xem là thức ăn giàu chất dinh dưỡng nên ở nhiều vùng miền, dúi được xem là đặc sản.
Ngày nay, những món ăn được chế biến từ dúi đang hấp dẫn nhiều thực khách và giá trị kinh tế của loài vật này ngày càng cao. Nắm bắt được thị trường, anh Tạ Văn Đô ở ấp Phước Thới B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi dúi và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Đô để tìm hiểu về mô hình này. Trò chuyện cùng chúng tôi anh Đô chia sẻ: Cách đây 2 năm, anh bắt đầu tìm tòi, đầu tư thả nuôi được 30 con dúi, mỗi cặp dúi giống được mua với giá gần 2 triệu đồng. Nhưng do mới khởi nghiệp, kinh nghiệm chưa có nên khi chọn mua con giống về nuôi, dúi giống không đạt, khi thả nuôi, toàn bộ số dúi giống đều bị chết…
Tuy nhiên, anh Đô đã không dừng lại ở đó, mà tiếp tục tìm hiểu thêm những kiến thức nuôi dúi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kinh nghiệm từ những trại giống đang nuôi và anh đầu tư mua thêm 30 con giống mới, lần nuôi này đã đem về hiệu quả đáng mong đợi, bước đầu khẳng định sự thành công của mô hình.
Anh Đô cho biết, dúi là loài vật rất dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh như các loài vật nuôi khác. Trong quá trình chăm sóc chỉ cần lưu ý một số tập tính của dúi là được. Thức ăn cho dúi như thân tre, mía, cây mì, cỏ voi, bắp trái, khoai lang.
Nếu những con nào ốm yếu thì mình có thể kết hợp cho ăn thêm một ít thức ăn công nghiệp để vỗ béo. Những thức ăn nào ăn vô dúi bị ảnh hưởng thì mình sẽ không cho ăn nữa; các loại cây ăn vào dúi đi phân tốt thì tiếp tục cho ăn. Dúi không uống nước mà chỉ cần cung cấp mía và thân cỏ voi cho ăn là được”.
Hiện tại đàn dúi của gia đình anh Đô có khoảng 80 con lớn nhỏ, trong đó có 30 con đang trong giai đoạn sinh sản. Dúi từ lúc thả nuôi đến khi sinh sản mất gần 12 tháng, sinh 3 lần/năm, mỗi lần sinh trung bình 2 con, nuôi từ 6-7 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 1,6 – 1,7 kg/con nếu sử dụng thức ăn công nghiệp.
Còn người nuôi sử dụng thức ăn như thân tre, mía, cỏ voi, cây khoai mì, bắp trái,… thì thời gian nuôi kéo dài khoảng 8 tháng; giá bán thịt từ 600.000 đồng/kg, riêng dúi giống có giá từ 900.000 đến 1.000.000 đồng/con.
Việc đầu tư chuồng nuôi cho dúi cần thiết kế sao cho phù hợp, mỗi con sẽ bố trí từng ô chuồng riêng lẻ và đặc biệt phải chú trọng nhiệt độ chuồng không được cao hơn 300C, vì nóng quá dúi sẽ không chịu được, ảnh hưởng đến sự phát triển của dúi.
Là loài vật dễ nuôi, có thể tận dụng được những phụ phẩm xung quanh nhà nhưng chi phí đầu tư ban đầu cho con giống và xây dựng chuồng trại là khá cao, do đó, mô hình này cũng gây khó khăn cho hộ nuôi khi mới khởi nghiệp.
Anh Tạ Văn Đô cho biết thêm: “Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng số lượng nuôi, nếu ai mua con giống hoặc thịt thì tôi đều bán. Nếu số lượng nhiều hơn nữa, tôi sẽ đi đăng ký kiểm lâm để dễ dàng bán con giống, người mua cũng an tâm hơn”.
Hiện thị trường tiêu thụ dúi thương phẩm lẫn dúi giống đều rất sôi động và giá bán khá cao. Tin rằng trong thời gian tới, mô hình nuôi dúi của gia đình anh Đô sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư nhân rộng để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Phối Võ (Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng)