Người khôn ngoan sẽ biết chuyện nào nên “đen”, chuyện nào nên “trắng”, biết chuyện nào xứng đáng chuyện nào không, biết tính toán giữa lợi và hại.
Không có tầm nhìn xa, bạn sẽ có những nỗi lo gần. Muốn công việc và cuộc sống trong tương lai đều thuận buồm xuôi gió, bạn cần nhìn thấu những “luật ngầm” của đời người.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng chỉ có sóng to gió lớn, để người ta chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với trọng trách trên vai. Đôi khi, chính những công việc lặt vặt, những tiểu tiết đời thường trong rất nhiều mối quan hệ giữa các cá nhân mới là những “cọng rơm đè chết con lạc đà”.
Hẳn là nhiều người từng nghe câu chuyện ngụ ngôn như sau:
“Một người chủ có một con lạc đà già. Dù tuổi đã lớn nhưng nó vẫn ngày ngày chăm chỉ làm việc. Có một lần chủ nhân muốn biết con lạc đà già đến cùng có thể mang bao nhiêu hàng hóa, thế nên không ngừng tăng, không ngừng tăng, thế nhưng lạc đà già vẫn không quỵ.
Thế nhưng, ngay khi chủ nhân tiếp tục đặt thêm một cọng rơm trên lưng nó, vào đúng thời điểm đó, con lạc đà đã quỵ xuống mãi mãi.”
Trong cuộc sống, có rất nhiều việc chúng ta không thích, không giỏi hoặc đơn giản là không muốn làm, nhưng vẫn phải làm. Ngược lại, có rất nhiều việc khao khát và đam mê, nhưng không thể thực hiện được. Cuộc sống rất khó có thể diễn ra theo đúng ý muốn của chúng ta 100%.
Do đó, trên đường đời, đôi khi bạn cần đủ tỉnh táo để hiểu rõ 4 điều “đen tối” này thì mới có thể khiến tương lai trở nên “tươi sáng” hơn.
1. Mọi món hời miễn phí đều tiềm ẩn nguy cơ
Có câu nói rằng: “Không có bữa trưa nào miễn phí trên đời, và nếu có, chưa chắc đã đến lượt bạn.”
Luôn có một số người thích nhàn hạ, ghét làm việc, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc ngồi không mà hưởng lợi. Vì vậy cho dù họ làm việc gì cũng không thực tế, không muốn nỗ lực phấn đấu hết sức mình.
Tuy họ hy vọng vào cuộc sống tương lai tốt đẹp, nhưng về thực tế, hành động của họ giống như một loại cam chịu với cuộc sống tầm thường trước mắt. Tuýp người này rất dễ bị cám dỗ bởi những thứ được gắn mác “món hời”, “miễn phí”.
Sống trên đời, cần hiểu rằng, chẳng có tiền bạc hay cơ hội từ trên trời rơi xuống. Nếu có ai đem tới thứ gì miễn phí, cần cẩn trọng để tránh rơi vào những cái bẫy bịp bợm, lừa lọc. Hậu quả để lại không chỉ đánh mất thời gian, công sức, mà có thể còn hủy hoại cả tương lai.
Nếu muốn đạt được thành công, chỉ có con đường duy nhất là tự dựa vào chính mình, từng bước nỗ lực tiến lên.
2. Đừng quá bộc trực, nếu không người bị tổn thương sẽ là chính bạn
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, nếu không bạn sẽ là người phải chịu đựng. Bạn phải có khả năng xoay chuyển, nhưng quá thẳng thắn và bộc trực có thể sẽ phơi bày hết khuyết điểm của bạn. Lâu dần người khác sẽ lợi dụng khuyết điểm của bạn để hại chính bạn, không chỉ trong cuộc sống đời thường mà còn ảnh hưởng tới cả sự nghiệp, vận mệnh về sau.
Một số người thường nói chuyện bộc trực, có gì nói nấy. Họ cảm thấy mình chỉ đang thẳng thắn nói ra suy nghĩ của bản thân, vốn mang ý tốt, nhưng họ không nghĩ đến hậu quả của sự việc, điều này thường khiến họ rơi vào thế bất lợi. Chỉ khi sự việc để lại hậu quả rồi, họ mới giật mình hối hận.
Không phải tự nhiên mà người xưa có câu, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Cần phải cẩn trọng từ lời nói đến việc làm thì mới có thể tiến xa hơn nữa trên đường đời. Và chỉ khi đó bạn mới có thể thu được nhiều lợi ích và kinh nghiệm hơn.
3. Người sống lương thiện, nhưng cũng đừng nghĩ ai cũng lương thiện như mình
Người xưa đã từng nói câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”.
Nghĩa của câu này đơn giản là “Vẽ hổ vẽ da nhưng không vẽ được xương, nhìn người nhìn mặt nhưng không nhìn thấy tấm lòng”. Nội tâm của người khác, suy nghĩ hay con người thật của người khác là điều vô cùng khó đoán khó lường.
Con người cần giữ tấm lòng lương thiện, sống không thẹn với trái tim, cũng khiến người khác tin yêu và đánh giá tốt. Tuy nhiên, đừng để lương thiện đồng nghĩa với “ngốc nghếch”, để rồi bị kẻ khác lợi dụng mà không hay biết.
Đôi khi con người càng tốt bụng càng dễ bị người khác rắp tâm lừa lọc. Do đó, cần giữ sự cảnh giác và luôn tỉnh táo trong đối nhân xử thế. Hãy dùng “lương thiện” làm điểm mạnh, chứ đừng trở thành điểm yếu, để kẻ khác sử dụng làm hại chính mình. Tỏ tường điều này, bạn mới có thể hiểu được lẽ đời, nhìn rõ đầu đuôi sự việc, giữ được tâm trí và nhận rõ phương hướng chính xác cho tương lai.
4. Sống tích cực nhưng đừng tích cực mù quáng
Ai cũng muốn trở thành một người tích cực, nhưng đừng biến nó thành sự mù quáng. Nói một cách dễ hiểu, bạn phấn đấu làm người hoàn hảo, chứ đừng cưỡng ép bắt mình phải hoàn hảo mọi thứ. Chính tâm lý này sẽ khiến tích cách của bạn ngày càng trở nên xấu đi, ngày càng thiếu hoàn hảo.
Thay vào đó, hãy làm mọi việc trong khả năng của mình, dùng thời gian để dần dần điều chỉnh mọi thứ theo kế hoạch tuần tự. Hấp tấp hay nóng vội đều khiến mọi thứ trở nên lộn xộn.
*Nguồn: 163-Phương Thùy–Thể thao & Văn hóa