Nếu bạn chỉ là một người bình thường, không có quan hệ, không có người chống lưng, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, tôi khuyên bạn nên tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này càng sớm càng tốt.
8 năm trước, tôi vừa tốt nghiệp, bước vào công ty đầu tiên với tâm trạng đầy lo lắng.
Ở đó có những trải nghiệm đáng tự hào, cũng có những điều tôi nghĩ mình vốn có thể làm tốt hơn. Mỗi khi nhìn lại quãng đường đó, tôi luôn có cảm giác “Nếu biết trước… mình đã có thể tránh được bao nhiêu đường vòng”, và vì vậy, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm mà tôi đúc kết được trong suốt 8 năm làm nghề với những ai có cảm giác mình đang phải vật lộn quá sức ở nơi làm việc.
Hãy để tôi nói về bản thân mình trước.
– Tốt nghiệp đại học hàng đầu châu Á với học bổng toàn phần, chuyên ngành kỹ thuật
– Năm cuối, vẫn không biết ra trường sẽ làm gì nên ngẫu nhiên thử sức một vài chương trình đào tạo quản lý ngân hàng nước ngoài theo gợi ý của bạn bè, và đã được nhận vào ngân hàng đầu tiên (Chương trình đào tạo quản lý lãnh đạo tương lai Barclays). Sau đó, tôi cũng có trúng tuyển ở BNP và Deloitte, nhưng vì lười nghiên cứu, nên tôi vui vẻ quyết định đầu quân cho Barclays.
– Làm việc ở ngân hàng hiện tại, tôi có cơ hội được làm việc ở London, New Zealand, Hong Kong và Singapore trong một dự án đặc biệt.
Kể ra những thành tích trên đây không phải để khoe khoang về bản thân, chỉ là dù có một CV khá đẹp, nhưng tôi vẫn muốn các bạn biết rằng ở tôi, vẫn tồn tại một vài điểm yếu mà tôi cảm thấy mình có thể làm lại và có thể làm tốt hơn, vì vậy bên dưới tôi muốn dùng chúng làm ví dụ để những người khác rút kinh nghiệm.
01
Con đường sự nghiệp của bạn thực ra nên bắt đầu khi bạn còn học ở trường đại học
Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch nghề nghiệp và có sự chuẩn bị sớm khi được hỏi về thành công trong nghề nghiệp.
Cá nhân tôi đã từng rất khổ sở về khoản này, ban đầu tôi không hề có định hướng làm việc tại ngân hàng, khi được Barclays mời, vì không biết đó là công ty gì nên tôi cũng không có ý định ứng tuyển. Có thể nói là việc tôi vào làm ở đây cũng một phần nhờ vào may mắn, vì vậy đến giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy mình hơi quá vô tư.
Trên thực tế, tôi có rất nhiều kinh nghiệm thực tập.
Từ năm thứ nhất, tôi đã thực tập ở các công ty kỹ thuật nổi tiếng thế giới, cũng đã làm việc trong các công ty tư vấn nhỏ, cả năm về cơ bản tôi đều thực tập bên ngoài trường (các khóa học của các trường đại học nước ngoài tương đối linh hoạt, cho phép sắp xếp như vậy).
Mặc dù những kỳ thực tập này có làm phong phú thêm kinh nghiệm và giúp tôi hiểu được những lĩnh vực mà bản thân không phù hợp, nhưng chúng cũng khiến tôi phải đi đường vòng khá nhiều bởi khi ấy, tôi không có kinh nghiệm thực tập nào phù hợp với ngành ngân hàng mà tôi đầu quân cho sau này.
Kết quả là tôi có rất ít lựa chọn khi quyết định tham gia chương trình đào tạo quản lý ngân hàng. Không có một bản lý lịch thật ấn tượng, càng không có một lý do chính đáng để giải thích vì sao tôi lại chọn ngành ngân hàng. Bây giờ nghĩ lại, có sự chuẩn bị sớm quả thực có thể tránh được nhiều rủi ro.
Ngay cả sau khi đã trúng tuyển, tôi vẫn phải trả giá.
Khi mới vào ngân hàng, tôi phải bắt đầu làm việc cật lực từ bộ phận kỹ thuật, bộ phận kỹ thuật không phải là bộ phận cốt lõi của ngân hàng, vì tôi không có kiến thức gì về nghiệp vụ ngân hàng.
Trên thực tế, tôi đã mất hơn 6 năm để từ từ hiểu mình muốn làm gì, rồi từ từ chuyển từ “hậu trường” lên phía trước. Những nội khổ và những nhân tố không thể kiểm soát được, chỉ có người trong cuộc là tôi mới hiểu hết được.
Trong khi đó, xung quanh tôi, có rất nhiều người sớm xác định rõ mục tiêu của mình ngay từ năm thứ nhất, gặp được công ty thực tập phù hợp, vì vậy họ dễ dàng gặt hái được một vài lời đề nghị phù hợp với chuyên môn khi tốt nghiệp đại học.
Bạn muốn làm gì trong tương lai?
Mục tiêu của bạn trong năm nay là gì?
Mục tiêu của bạn trong năm tới là gì?
Bạn muốn làm gì trong năm năm nữa?
Bạn muốn làm gì trong mười năm nữa?
Nhiều sinh viên ít nhiều nghĩ về câu hỏi này khi họ chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn việc làm, nhưng có bao nhiêu người trong số họ nghiêm túc suy nghĩ về những câu hỏi đó, nghiêm túc suy nghĩ về kế hoạch cuộc đời của chính họ, thay vì chỉ nghĩ về nó vì nó là nội dung có thể sẽ bị hỏi trong cuộc phỏng vấn? Suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề này sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống công việc sau này của bạn.
Nếu bạn chỉ là một người bình thường, không có quan hệ, không có chống lưng, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, tôi khuyên bạn nên tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này càng sớm càng tốt.
02
Có chính kiến riêng, biết cách khám phá những điểm sáng của riêng mình
Bạn bè xung quanh cho rằng tôi rất may mắn, kiến thức chuyên môn không bằng nhiều người chăm chỉ hơn, nhưng lại có thể có được một số cơ hội việc làm mà người khác mơ ước.
Về điểm này, tất nhiên may mắn là rất quan trọng (ví dụ như tôi), nhưng cũng không thể phủ nhận công lao của một số thế mạnh đặc biệt của tôi.
Khi học đại học, vì hứng thú nên tôi đã dành nhiều khá thời gian để tự nghiên cứu một số kiến thức khác, chẳng hạn như khởi nghiệp, trí tuệ nhân tạo… Kết quả là những kỹ năng nhỏ đã có cơ hội được thể hiện trong các cuộc phỏng vấn sau này.
Đừng thấy người khác làm gì mình cũng đều làm theo, hãy nghĩ về những điểm sáng, điểm mạnh của bản thân, điều này có thể giúp bạn trở nên bất khả chiến bại trong các cuộc phỏng vấn
03
Nỗ lực là pháp bảo
Không phải cứ vào đại học là suôn sẻ, không phải cứ có được một công việc rồi là sẽ trọn vẹn. Về điểm này, các bạn sinh viên nước ngoài có một cái nhìn thấu đáo hơn.
Nhiều người đánh mất chính mình sau khi vào đại học, chơi game, yêu đương, không có động lực tự học (ý tôi là học không chỉ là học trong sách, bạn có thể chọn hướng phát triển cho tương lai của mình, sau đó hướng tới nỗ lực vì mục tiêu . Ví dụ: việc chơi trò chơi, nếu bạn muốn và thích chơi, hãy tham gia một cuộc thi tầm cỡ thế giới hoặc phát triển trò chơi của riêng bạn).
Khi rảnh rỗi, bạn có thể nghĩ về cách cải thiện bản thân và những kỹ năng khác mà bạn có thể học hỏi thêm. Ngay cả trí tuệ nhân tạo cũng vẫn đang trong chu kỳ học hỏi không ngừng, vậy thì con người, với sức mạnh tính toán tương đối yếu càng cần phải không ngừng học hỏi.
Làm việc chăm chỉ ngày một ngày hai ai cũng làm được, nhưng không ngừng thử thách bản thân một năm hai năm, để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp hơn ở nơi làm việc thì không chỉ cần sự kiên trì mà còn cần phải có một kế hoạch tốt, phải biết cách nắm bắt và theo đuổi mục tiêu cuộc sống. Thỉnh thoảng thiết lập kế hoạch cho con đường sự nghiệp của bạn là một thói quen rất cần thiết, bởi nó sẽ kéo bạn trở lại đúng hướng trước khi bạn đi chệch hướng.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều bài học nhỏ cần rút ra, nhưng chỉ cần bạn nắm bắt được ba phương hướng chung này, vận may của bạn ở nơi làm việc chắc chắn không tệ!
Alexx-Theo thethaovanhoa