Theo lão nông Nguyễn Hữu Ánh, cá chình đối với nông dân Cà Mau còn rất xa lạ vì rất ít người biết đến.
Dưới không khí se lạnh của những ngày đầu năm, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Hữu Ánh (65 tuổi; ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), người đi đầu trong phong trào nuôi cá chình tại vùng cực Nam của Tổ quốc.
Quyết đoán để làm giàu
Theo lời ông Ánh, ông bén duyên với nghề nuôi cá chình từ một thương lái chuyên giao cá cho chợ đầu mối ở TP HCM. Người này đã nhiều lần khuyên ông nên chuyển sang nuôi cá chình vì nhu cầu thị trường rất lớn.
“Tôi đắn đo khi đưa ra quyết định chuyển đổi mô hình bởi thời điểm này nuôi cá bống tượng và làm ruộng cũng đem lại hiệu quả khá. Đặc biệt, cá chình đối với nông dân Cà Mau còn rất xa lạ vì rất ít người biết đến và chưa một ai nuôi”- ông Ánh nhớ lại.
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, ông Ánh đã đem số tiền bán 100 giạ lúa để mua 400 con cá chình giống về nuôi thử nghiệm vào năm 2000. Tuy thường xuyên bị vợ cằn nhằn do mạo hiểm nhưng ông vẫn quyết “chơi lớn” để tìm hướng phát triển kinh tế mới.
“Sau 18 tháng thả nuôi, tôi tát ao bắt được 330 con cá với trọng lượng hơn 1kg/con, lợi nhuận thu về được trên 65 triệu đồng. Cá chình đem lại hiệu quả cao, tôi cũng hãnh diện với bà nhà bởi lúc đầu bà nhà phàn nàn dữ lắm” – ông Ánh cười nói.
Sau đó, ông Ánh đã dùng số tiền trên thuê cơ giới đào thêm 8 ao mới rồi bắt cá chình giống về thả nuôi. Hiệu quả mô hình đem lại đã khiến không ít người ngỡ ngàng và khâm phục. Năm 2019, ông quyết định đầu tư hơn 8 tỉ đồng mua 5,5 ha đất và thuê cơ giới đào thêm 40 ao để nuôi cá chình. Quyết định táo bạo trên đã giúp lão nông này thu về hơn 1,3 tỉ đồng/năm.
Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả, nhiều hộ lân cận đã chọn nghề nuôi cá chình để phát triển kinh tế. Trong đó, không ít người đổi đời và xây dựng được cơ ngơi khang trang chỉ sau một vài vụ nuôi thành công.
Bí quyết để có những vụ nuôi bạc tỉ
Nói về bí quyết để có những vụ nuôi bạc tỉ, ông Ánh cho hay cá chình thường mắc một số bệnh về đường ruột. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến cá bỏ ăn, chậm lớn… Vậy nên, người nuôi cần phải theo dõi quá trình phát triển của cá hàng ngày.
“Người nuôi cần tránh tâm lý nôn nóng mà cho cá ăn hàng ngày để nhanh lớn. Như vậy sẽ dẫn đến cá hấp thụ không hết chất dinh dưỡng nên gây bệnh về đường ruột, mực nước trong ao nuôi phải đảm bảo từ 1,6m trở lên. Tôi chỉ cho cá ăn 1 lần/ngày nên cá chưa một lần bị bệnh đường ruột” – ông Ánh chia sẻ cách nuôi.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất việc cải tạo ao nuôi thì ông Ánh sẽ lấy nước vào, để khoảng 15 ngày rồi tát nước ra bỏ và tiếp tục bơm nước mới vào. Sau đó, ông dùng vôi bột, thuốc diệt khuẩn vệ sinh ao và bỏ khoảng 25 ngày thì bắt giống về thả nuôi. “Khi làm bờ ao nuôi phải có độ dốc để khi trời mưa nước sẽ đổ ra ngoài, còn không thì cá sẽ theo dòng nước chảy ra ngoài” – ông Ánh lưu ý.
Để cá phát triển tốt và mau lớn, cứ sau 7 tháng, ông Ánh sẽ chuyển cá sang ao mới cho đến khi thu hoạch. Qua đó, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cá do nguồn nước bị ô nhiễm.
Hiện, cá chình giống trên thị trường trên dưới 1,3 triệu đồng/kg (tùy loại); cá thương phẩm được thương lái đến tận ao thu mua với giá 420.000 đồng/kg (loại từ 1kg/con) trở lên.
Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho hay địa phương có hơn 250 ha nuôi cá chình. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân nói chung và hộ ông Ánh nói riêng.
“Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng tìm thêm thị trường mới, tập huấn kỹ thuật cho hộ nuôi cá chình… Đồng thời, đưa ra những dự báo kịp thời để giảm bớt thiệt hại cho hộ nuôi khi thị trường có biến động” – ông Trạng thông tin thêm.
Theo Vân Du-Theo nld