Sâm Ngọc Linh được mệnh danh là “quốc bảo” phân bổ nhiều nhất ở vùng núi đặc hữu của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Chính vì quý, hiếm nên thời gian qua, đã xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng, thậm chí gắn mác sâm Ngọc Linh Kon Tum cho những loại củ có hình dạng gần giống nhưng không phải sâm Ngọc Linh nhằm mục đích trục lợi.
Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, bảo vệ quyền lợi người trồng, người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực kiểm tra, xác minh, minh bạch các thông tin liên quan để bảo vệ danh tiếng sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Huyện Tu Mơ Rông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt các hộ trồng sâm đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sâm giống và phải luôn nói không với những hành động tiếp tay cho các loại sâm không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ trà trộn với sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Đặc biệt, mới đây khi có thông tin có công ty bán sâm giới thiệu có liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn huyện không rõ ràng, minh bạch, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động kiểm tra, xác minh và báo cáo cụ thể vụ việc với cấp trên, đồng thời cung cấp cho các đơn vị truyền thông thông tin tộng rãi để mọi người cùng biết.
Trên địa bàn huyện hiện nay có hơn 1710ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, có gần 1700 ha là của các doanh nghiệp và gần 70 ha là của người dân. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số doanh nghiệp đã mượn danh nghĩa liên kết trồng sâm với các hộ dân để kinh doanh những sản phẩm gọi là sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc.
Nếu ngay trên địa bàn huyện các thông tin về sâm Ngọc Linh thiếu rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người trồng sâm, đến người tiêu dùng, đến thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, để tránh tình trạng các đơn vị khác lợi dụng giấy xác nhận liên kết trồng sâm để thực hiện ý đồ riêng, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã định kỳ hàng tháng lập danh sách các công ty, hợp tác xã có liên kết trồng sâm với dân trên địa bàn.
Danh sách liên kết phải nêu rõ hình thức liên kết, số hộ tham gia liên kết, diện tích liên kết, vị trí liên kết. Huyện cũng yêu cầu các xã định kỳ giám sát việc liên kết này để cập nhập biến động tăng, giảm các hộ liên kết trồng sâm với các công ty, hợp tác xã.
Tất cả đều công khai trên trang thông tin điện tử của huyện, của xã. Trường hợp phát hiện các đơn vị báo cáo gian dối việc liên kết, huyện sẽ kiến nghị tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm.
“Trên địa bàn huyện hiện có gần 40 nhóm hộ của 300 hộ tham gia liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và hàng chục tổ của dân, cán bộ, viên chức tự liên kết trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Trong đó, mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum với người dân khá hiệu quả, bền vững”- ông Võ Trung Mạnh cho biết.
Việc bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh theo đúng vùng chỉ dẫn địa lý thì cần phải có nhiều giải pháp và trách nhiệm từ nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia. Riêng đối với huyện Tu Mơ Rông, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nguồn gốc giống trồng mới; quản lý vùng trồng, đối tượng trồng theo hướng chặt chẽ hơn đến từng hộ dân, tiểu khu để tránh sự xâm nhập của cây sâm khác vào huyện…
Huyện phối hợp kiểm tra và cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với sâm củ; đề nghị các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình xây dựng vườn sâm phải có hồ sơ vườn sâm cá nhân để thuận tiện cho việc kiểm tra định kỳ.
Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về giá trị cây sâm Ngọc Linh từ núi Ngọc Linh Tu Mơ Rông để người dân trong và ngoài nước biết đến; duy trì thường xuyên phiên chợ trực tiếp và trực tuyến để người dân trong và ngoài nước được tiếp cận các sản phẩm sâm Ngọc Linh có nguồn gốc rõ ràng, đúng chỉ dẫn địa lý, trồng đúng núi Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn sâm giả từ giống đến sản phẩm sâm. Trong đó, tuyên truyền để người trồng sâm biết tác hại của việc để sâm giống giả trà trộn vào vườn sâm thật sẽ gây lai tạp, chất lượng giảm sút, người tiêu dùng mất niềm tin, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Qua đó, người dân sẽ nhận thức được việc bảo vệ nguồn gen sâm Ngọc Linh gốc không chỉ là việc của Nhà nước mà còn là của người trồng sâm, từ đó sẽ trở thành “tai mắt” cho huyện trong việc chủ động phát hiện, tố giác các đối tượng đưa sâm giả vào thủ phủ sâm.
Song song với đó, huyện cũng giao cho xã thông tin rộng rãi cho người dân biết trên địa bàn, có 2 doanh nghiệp được công nhận sở hữu vườn sâm gốc là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô để người dân đến đây mua giống sâm thật; định kỳ đi kiểm tra, giám sát các vườn sâm, nếu phát hiện sâm giả thì xử lý nghiêm và công khai lên cổng thông tin điện tử, báo chí.
Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý các tin báo liên quan đến mua bán, vận chuyển sâm giả.
Các tin báo có giá trị, giúp ngăn chặn thành công nạn sâm giả trà trộn vào thủ phủ sâm, huyện sẽ khen thưởng hoặc đề xuất các cấp khen thưởng xứng đáng. Tất cả đều nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi người trồng sâm trên địa bàn, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Văn Phương (Báo Kon Tum)