Việt Nam khả năng sẽ duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 miễn là môi trường toàn cầu tiếp tục được cải thiện.
Nhận định trên trang web Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) mới đây, ông David Dapice, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Ash về Quản trị và Đổi mới thuộc Trường quản lý nhà nước Harvard Kennedy, Đại học Harvard cho rằng, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và chỉ đạt mức tăng trưởng GDP là 2% và 3%, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022. Các dự báo cho thấy Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP hơn 8% cho năm 2022, mặc dù thấp hơn so với mức 8,8% trong 9 tháng đầu năm.
Xuất khẩu của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11/2022 tăng trưởng cao hơn nhập khẩu – với mức tăng 13% đối với xuất khẩu và 10% đối với nhập khẩu – do đó, có thặng dư thương mại nhất định. Du lịch cũng đã phục hồi từ mức thấp của năm 2021, qua đó hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.
Theo ông Dapice, sản xuất và công nghiệp của Việt Nam đã tăng gần 9% cho đến cuối tháng 11/2022, nhưng đây là tốc độ chậm hơn so với đầu năm. Các đơn đặt hàng xuất khẩu bị chậm lại, dẫn đến nguy cơ nhiều công nhân nhà máy có thể bị mất việc. Đây là một mối lo ngại nếu xu hướng này gia tăng vào năm 2023.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản. Hàng tỷ đô la trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam cần được tái cấp vốn vào năm 2022 và 2023. Hầu hết trong số này đã được bán thông qua phát hành riêng lẻ và sau đó được bán cho các nhà đầu tư trong nước. Với tín dụng thắt chặt, một phần do việc sử dụng dự trữ ngoại hối của Việt Nam để hỗ trợ đồng tiền của mình, rất khó để các công ty tái cấp vốn.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Dapice lưu ý rằng Việt Nam có những thế mạnh để bù đắp những thách thức này. Lạm phát được báo cáo ở mức thấp một con số. Tính đến đầu tháng 12/2022, đồng tiền của Việt Nam chỉ mất giá khoảng 5% so với đồng USD, thấp hơn nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa được thắt chặt. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều ở thế mạnh với nguồn vốn dồi dào. Dòng vốn cao và việc hiện thực hóa đầu tư nước ngoài có nghĩa rằng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, sẽ có một dòng lao động tiếp tục chuyển từ nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất năng suất cao hơn. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản ở các thành phố, bất chấp tốc độ tăng trưởng dân số thấp hơn.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam. Các kế hoạch ngừng hoặc cắt giảm việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ tránh được tài sản bị mắc kẹt và ô nhiễm. Trong khi đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới.
Năm 2023, có dự đoán rằng các động lực của nền kinh tế sẽ không còn là xuất khẩu hay thậm chí là chi tiêu của người tiêu dùng, vốn đã tăng trưởng 15% trong năm 2022. Thay vào đó, ngành du lịch sẽ phục hồi hơn nữa khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm phong tỏa vì COVID-19 cùng với các chính sách mạnh mẽ như tăng đầu tư của chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hướng tới đạt tăng trưởng GDP 6,5%.
Ông Dapice cho rằng đây là một mục tiêu đầy tham vọng và có thể gặp thách thức nếu nền kinh tế thế giới, hoặc ít nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, EU và Trung Quốc, suy yếu. Tóm lại trong năm 2023, nếu không có biến động lớn, Việt Nam khả năng sẽ duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế miễn là môi trường toàn cầu tiếp tục được cải thiện.
Theo Công Thuận–Báo tin tức