Susan Collins là người phụ nữ gốc Phi, da màu đầu tiên lãnh đạo một Cục Dự trữ liên bang (FED) khu vực. Để có được thành công như ngày hôm nay, bà đã trải qua nhiều thăng trầm.
Người phụ nữ có học vấn và trình độ uyên bác
Năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Boston thông báo rằng tiến sĩ Susan M. Collins sẽ giữ chức chủ tịch tiếp theo, giám đốc điều hành và người tham gia hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang.
Trước khi giữ vai trò lớn tại Fed, bà Susan Collins là phó chủ tịch và giám đốc điều hành các vấn đề học thuật tại đại học Michigan. Bà cũng là giáo sư chính sách công và giáo sư kinh tế của đại học Edward M. Gramlich.
Người phụ nữ tài năng này còn vô cùng nổi tiếng với nhiều nhà hoạch định chính sách tiền tệ và là nhà kinh tế vĩ mô quốc tế. Bà cũng là chuyên gia kinh tế cấp cao tại Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống; thành viên hội đồng quản trị của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, và nhiều hội đồng kinh tế khác.
Quan điểm không độc tài
Dù là ở trường đại học, người phụ trách học thuật cho nhiều tổ chức quốc tế hay là chủ tịch ngân hàng Fed Boston, Susan luôn nói chuyện với nhiều người và lắng nghe các quan điểm khác nhau. “Bà không phải là người chỉ đưa ra quyết định đơn phương”, Paula Lantz, phó hiệu trưởng tại Ford School cho biết.
Paul Courant, cựu hiệu trưởng của đại học Michigan cũng nói rằng Collins không gặp khó khăn gì khi chia sẻ quan điểm của mình. “Bà ấy nói với bạn những gì bản thân nghĩ.” Nếu làm việc cùng nhau, Susan là một người chia sẻ và lắng nghe tuyệt vời.
Đam mê kinh tế
Khi còn nhỏ, Susan Collins đã từng trải qua kỳ nghỉ hè với gia đình tại Jamaica. Ở đây bà đã có bài học kinh tế đầu đời. Nó đã đi theo xuyên suốt hành trình phấn đấu trên thương trường của bà.
Susan Collins. Ảnh: Vanessa Leroy/Bloomberg
Chứng kiến bối cảnh người dân Jamaica phải “vật lộn” sau khi quốc gia này giới thiệu đồng tiền mới vào năm 1969. Susan nhận thấy ngay cả những người có điều kiện, họ vẫn phải đối mặt với tình trạng mất điện và cắt nước. Bà bắt đầu hiểu rằng chỉ bằng sự hiểu biết và tiềm lực kinh tế của một quốc gia không phải lúc nào cũng đủ để giúp người dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
“Việc cho ra đồng tiền mới gây ảnh hưởng không nhỏ tới gia đình người dân, cộng đồng và nền kinh tế nói chung”, nữ chủ tịch của Fed Boston cho biết. Từ sự kiện đó, trong đầu bà đã đặt ra nhiều câu hỏi và suy nghĩ để khắc phục tình trạng như thế này.
Vì vậy, Susan Collins bắt đầu hành trình nghiên cứu kinh tế sâu hơn và trở thành nữ lãnh đạo tại Fed với mong muốn cao cả.
Bà nói rằng bản thân rất ấn tượng và bị thu hút bởi sứ mệnh thiết lập một nền kinh tế ổn định, mang lại lợi ích cho tất cả người lao động mà Fed luôn hướng tới. Bà cũng đã sử dụng thông điệp này trong các bài phát biểu công khai và các cuộc họp với các bên liên quan trong quận của mình.
“Tôi muốn nói rằng sứ mệnh của chúng tôi không phải gây dựng nên một nền kinh tế phù hợp với một bộ phận con người mà là nền kinh tế phù hợp cho mọi tầng lớp”, Susan nói với một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong chuyến thăm dài ngày tới Providence vào tháng 11.
Susan khi bước sang tuổi 63 đã chính thức gia nhập hàng ngũ các nhà hoạch định chính sách của Fed vào thời điểm ngân hàng trung ương này đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ. Mục đích của việc làm này là hạn chế tình trạng lạm phát gia tăng.
Chỉ vài tuần sau khi nhận công việc mới, Susan đã bỏ phiếu bầu đầu tiên tại Fed, ủng hộ mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Bà cũng đã ủng hộ ba lần tăng lãi suất nữa kể từ đó.
Mặc dù Susan sẽ không ở trong hội đồng ấn định lãi suất vào năm 2023, nhưng bà vẫn sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách trong tương lai.
Bên cạnh đó, Susan cho biết bà nghĩ rằng những người lao động yếu thế, bao gồm cả những người da đen và người gốc Tây Ban Nha sẽ thường là những người cuối cùng được hưởng lợi từ việc mở rộng kinh tế. Họ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều gánh nặng kinh tế nặng nề. “Đó là điều mà tôi quan tâm lúc này,” bà nói với các phóng viên trong một hội nghị gần đây.
Collins cũng chia sẻ quan điểm của chủ tịch Jerome Powell rằng vẫn có khả năng Fed sẽ đạt được mục tiêu giảm lạm phát đồng thời giảm thiểu tình trạng mất việc làm hiện nay. Bà cũng sẽ cố gắng để hiện thực hóa điều này trong phạm vi cho phép.
Luôn hướng tới người dân lao động
Chính trong các lớp kinh tế đầu tiên khi Susan còn là sinh viên đại học Harvard, chủ tịch Fed Boston đã xem các vấn đề của người lao động là lĩnh vực kết hợp giữa sở trường toán học của bà và mối quan tâm tới các vấn đề xã hội. Bà từng làm trợ lý nghiên cứu cho Richard Freeman, một giáo sư kinh tế nghiên cứu các vấn đề về lực lượng lao động, bao gồm công đoàn, bất bình đẳng chủng tộc trong cả lực lượng lao động nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng.
Freeman nói rằng Susan đã sớm cho thấy sự nhạy bén của mình trong vấn đề kinh tế-con người. Bà luôn tìm hiểu ngọn nguồn để chứng minh hay lập luận một vấn đề về lĩnh vực này.
Một phần là do bà sớm có tiếp xúc với các nền văn hóa và quốc gia khác nhau. Susan sinh ra ở Scotland, lớn lên ở Manhattan và thường xuyên đến thăm Jamaica, quê hương của cha mẹ bà. Vì vậy, bà đã chọn ngành kinh tế quốc tế khi còn học cao học tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Susan được đào tào kinh tế chính quy. Bà đã viết luận án tiến sĩ về khủng hoảng tiền tệ và cơ chế điều hành tỉ giá. Luận án này đã giúp bà hiểu sâu sắc hơn về các chính sách tiền tệ.
Bà cũng tin rằng người cha quá cố, người có bằng tiến sĩ về nhân học văn hóa xã hội và làm việc cho Liên Hợp Quốc đã khơi dậy sự tò mò ban đầu của bà về kinh tế học. Mẹ bà, một thủ thư tại trường đại học cũng đã truyền cho Susan một tình yêu với sách. Gia đình chính là nơi thúc đẩy bà trở thành một người phụ nữ quyền lực, tham vọng đóng góp cho kinh tế và xã hội như ngày hôm nay.
Tham khảo: Bloomberg-Thuỳ Bảo-Theo Nhịp sống thị trường