Cuộc đời mỗi người như một đường parabol, có thành công cũng có thất bại. Điều quan trọng là sau thất bại, chúng ta cần có trách nhiệm với những gì mình đã làm.
Hồi tháng 3, trên mạng xã hội Weibo xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông ăn mặc như công nhân, đứng giữa ngã tư đường, giơ một tờ giấy A4 kèm dòng chữ: “Thuê thợ phụ hồ”. Đoạn video sẽ không có gì đáng nói nếu đó là một người đàn ông bình thường. Tuy nhiên, nhân vật trong đây là giám đốc của 6 công ty với tổng số tài sản lên đến hàng chục triệu NDT, Trương Tăng Gia.
Trong đoạn video, anh đã quỳ xuống và nói: “Tôi là Trương Tăng Gia. Công ty của tôi đã phá sản năm 2018 và thua lỗ 23,8 triệu NDT (80,5 tỷ đồng). Sau khi bán nhà và xe, tôi đã trả được 18 triệu NDT. Hiện tôi còn nợ khoảng 6 triệu NDT. Nếu ai thuê tôi làm việc, chỉ cần 3 đến 5 năm nữa nhất định tôi sẽ trả hết nợ”.
Sau khi đoạn video được chia sẻ, không hề chế giễu hay phẫn nộ, người dùng mạng xã hội để lại những dòng bình luận tích cực ủng hộ hành động của người đàn ông họ Trương.
Liên tục thất bại ở những lần khởi nghiệp
Sinh năm 1971 ở Hưng Bình, Thiểm Tây, Trung Quốc, Trương Tăng Gia là con út trong gia đình nghèo có 8 người con. Khi 8 tuổi, cha đã hẹn ước gả anh cho con gái một gia đình nghèo trong vùng. Chưa kịp nhìn thấy con lập gia đình, chỉ một năm sau, cha anh lâm bệnh nặng rồi qua đời. 2 năm sau, mẹ anh cũng bị tai biến và liệt nửa người do làm việc quá sức.
Là con út, năm 11 tuổi, vì hoàn cảnh khó khăn, Trương Tăng Gia phải bỏ học để làm việc đồng áng và phụ giúp việc gia đình.
Đến năm 21 tuổi, gia đình hai bên vẫn thuận theo hẹn ước cũ, Trương Tăng Gia lấy Lưu Á Ni làm vợ. Quà cưới anh nhận được là một con bò và 500 NDT. Đôi vợ chồng dự định sẽ nuôi bò lớn để đẻ một lứa và bán lấy tiền. Tuy nhiên, ngay đêm đó bò bị mất trộm.
Vẫn nuôi khát vọng thoát nghèo, Trương Tăng Gia bàn bạc với vợ và quyết định khởi nghiệp bằng việc mua ngô của người nông dân và bán lại cho các “ông lớn”. Vì thiếu kinh nghiệm, sau khi kiếm được một vài khoản nhỏ, cuối cùng anh lại bị mất đến 50.000 NDT.
Việc kinh doanh không phát triển, Trương Tăng Gia nảy ra ý tưởng tinh chế dầu mỏ. Nhưng chỉ học hết tiểu học, kiến thức còn hạn hẹp, anh tiếp tục thất bại.
Vào thời điểm đó, trồng cây ăn trái là công việc “hái” ra tiền, anh lại quyết định thử một lần nữa. Dẫu bận rộn công việc tưới tiêu, chăm bón nhưng tiền lãi thu về không được nhiều.
Ba lần liên tiếp không kiếm được đồng nào từ khởi nghiệp, bệnh tình của mẹ lại ngày càng xấu đi, Trương Tăng Gia buôn chán và dần rơi vào trạng thái trầm cảm. May mắn với sự đồng hành của vợ Lưu Á Ni, anh dần lấy lại tinh thần.
Sau đó, Trương Tăng Gia đã nghiêm túc tổng kết kinh nghiệm và bài học từ những lần khởi nghiệp thất bại. Năm 1997, anh đến Hàm Dương và mở một nhà hàng nhỏ. Với mức giá phải chăng lại có vị trí đắc địa, cửa hàng của anh “đắt” khách.
Chấp nhận làm bất kì công việc gì miễn là kiếm được tiền để trả nợ
Với số vốn có được sau khoảng thời gian mở nhà hàng, năm 2002 anh tiếp tục kinh doanh chế biến gỗ. Ở lần thứ 5 khởi nghiệp, sau bao vất vả cuối cùng, Trương Tăng Gia cũng thu lãi được 2,2 triệu NDT. Năm 2010, anh tiếp tục khởi nghiệp lần thứ 6.
Lần này, anh đầu tư 8 triệu NDT để thành lập Shaanxi Baofa Auto Trade Co Ltd. Trong 30 năm nỗ lực làm việc, Trương Tăng Gia sở hữu đến 7 cửa hàng và là cổ đông của 6 công ty với khối tài sản lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ.
Song số phận như một trò đùa, thành quả có được đã mất sạch vào năm 2018. Vào thời điểm đó, doanh số bán ô tô ở Trung Quốc xuống thấp đến mức kỷ lục trong vòng 28 năm. Chuỗi vốn của Trương Tăng Gia bị phá vỡ. “Mở rộng một cách mù quáng với 7 cửa hàng. Chi phí vay vốn tư nhân rất cao nên cuối cùng khủng hoảng nổ ra”, anh nói.
Chia sẻ thêm Trương Tăng Gia cho biết bản thân là một người coi trọng tình nghĩa nên anh đã đặt tất cả những nhân viên từng làm việc trong nhà máy gỗ vào các vị trí quan trọng ở Shaanxi Baofa Auto Trade Co Ltd. Do khả năng không đáp ứng công việc mới nên công ty làm ăn thua lỗ.
So với những biến động của thị trường rõ ràng lý do xuất phát từ trình độ yếu kém của nhân viên là nguyên nhân chính. Không quan tâm đến những vấn đề này, để thoát được tình thế khó khăn, Trương Tăng Gia đã huy động tiền ở khắp nơi để cứu công ty.
Vào cuối năm 2018, công ty rơi vào tình trạng kiệt quệ và phải tuyên bố phá sản với số nợ lên đến 23,8 triệu NDT.
Do áp lực quá lớn, anh từng bị nhồi máu cơ tim. Song được cứu chữa kịp thời, Trương Gia Tăng dần hồi phục. Thay vì bỏ chạy, anh quyết bán xe, nhà và trả được 18 triệu NDT. 6 triệu NDT còn lại anh chọn cách đi làm thuê để trả đủ.
Không từ chối bất kỳ công việc gì có thể kiếm ra tiền, kể cả thông cống hay vào công trường làm việc, anh cho rằng “phải ngay thẳng để có ngày làm nên nghiệp lớn”.
“Miễn là được làm việc để trả nợ, tôi sẽ luôn cảm thấy thanh thản trong lòng, Trương Tăng Gia chia sẻ thêm.
Ở thời kỳ hoàng kim của mình, doanh nhân Trương Tăng Gia cũng có nhiều đóng góp cho xã hội. Anh và vợ đã tích cực tham gia hoạt động cứu trợ trong trận động đất ở Tứ Xuyên, năm 2008. Vợ chồng anh đã thuê 2 chiếc ô tô lớn và đích thân vận chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân. Trương Tăng Gia cũng là một trong những doanh nhân có đóng góp trong quá trình xây dựng bệnh viện ở Tây An. Bởi vậy, ngay khi xuất hiện trên đường phố với vẻ ngoài có phần khác lạ, nhiều người đã nhận ra anh.
Trải qua nhiều thất bại Trương Tăng Gia hiểu được rõ tầm quan trọng của trách nhiệm. “Đau khổ một mình là đủ rồi. Đừng để người khác phải chịu đau khổ như vậy nữa. Rất nhiều chủ nợ đang chờ tôi kiếm tiền để trả nợ. Tôi cần phải trả hết nợ. Tiền không dễ kiếm đâu…”, người đàn ông họ Trương bộc bạch.
Với 6 lần khởi nghiệp của Trương Tăng Gia có thể thấy rằng cuộc đời của mỗi người thực chất là một đường parabol. Có thành công thì cũng có thất bại. Điều quan trọng là sau mỗi lần thất bại, chúng ta cần có trách nhiệm với những gì mình làm. Duy trì tinh thần trách nhiệm khi đối mặt với nghịch cảnh là lý do để tin rằng sau cơn mưa, cầu vồng sẽ xuất hiện.
Theo Đinh Anh-Theo thethaovanhoa