Sau 10 năm lăn lộn với núi rừng, ông Hà Khắc Sâm đã nuôi thành công cá quý tộc, được xem là vua cá tầm, cá hồi ở Thanh Hóa, với doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Dưới chân núi Pù Rinh, bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hiện có một trang trại nuôi cá tầm, cá hồi của ông Hà Khắc Sâm (SN 1966, người địa phương), được xem lớn nhất xứ Thanh. Được mệnh danh là “vua” cá tầm, cá hồi ở xứ này, ông Sâm đã phải vượt qua vô vàn khó khăn để có được thành quả như ngày hôm nay.
Như một cơ duyên
Năm 2010, vừa từ nước ngoài trở về và đang là chủ của một doanh nghiệp xây dựng ở TP Thanh Hóa, ông Hà Khắc Sâm biết được thông tin UBND tỉnh Thanh Hóa đang khảo sát đưa mô hình nuôi cá tầm, cá hồi từ Sa Pa (Lào Cai) về nuôi thử tại huyện Lang Chánh, do nguồn nước khu vực núi Pù Rinh có nhiệt độ phù hợp nuôi loại cá quý này.
Với máu mê kinh doanh, ông Sâm đã đứng ra nhận dự án, dù bản thân chưa hề có kinh nghiệm với nghề nuôi cá. Thấy được quyết tâm của ông Sâm, UBND huyện Lang Chánh đồng ý để ông thực hiện dự án nuôi cá này, được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 200 triệu đồng. “Nói thật, lúc đó nhận dự án tôi cũng rất lo, kinh nghiệm chưa có, đây lại là dự án điểm, thành công thì không sao nhưng thất bại không biết sẽ như thế nào vì vốn đầu tư cho loài cá khó tính này rất lớn” – ông Sâm nhớ lại.
Được huyện Lang Chánh trao gửi niềm tin, ông Sâm bắt tay ngay vào việc, biến vùng đất gian khó, hoang vu dưới chân núi Pù Rinh thành một trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. “Khi đã vào việc mới thấy dự án này khó khăn thế nào, dòng nước suối Tá nằm tít trên đỉnh Pù Rinh, trong khi việc dẫn nước xuống núi rất khó khăn. Ngoài bỏ công sức ra mở đường đưa nước về bể, tôi còn đi khắp các trại nuôi cá tại Sa Pa để học hỏi kỹ thuật nuôi. Lúc đầu, nhiều người tỏ ra ái ngại cho dự án này của tôi, vì theo nhiều người, chỉ có “khùng” mới lên núi nuôi cá” – ông Sâm cho hay.
Khi việc chuẩn bị đã căn bản, ngay vụ đầu tiên ông Sâm đã bỏ ra 420 triệu đồng để mua 6.000 con cá hồi về thả. Đến thời điểm thu hoạch, ông Sâm không thể lường trước được khó khăn đầu ra, do thị trường trong tỉnh chưa chuộng loại cá này nên ông phải mang cá ra tận Hà Nội tìm nơi tiêu thụ. “Loài cá này sống trong môi trường nước lạnh nên bị chết nhiều trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ xa. Lứa nuôi đầu tiên vì thế chỉ hòa vốn” – ông Sâm tâm sự.
Do là nghề mới lạ, chi phí nuôi lớn nên đến lứa thứ 2, gia đình ông Sâm bắt đầu thấy lo lắng khi cuối năm 2011, toàn bộ số cá khoảng 8 tấn mà gia đình bỏ công, bỏ sức nuôi suốt nhiều tháng bị một trận mưa lớn cuốn trôi tất cả. Hàng tỉ đồng bỏ ra suốt 2 năm coi như đi tong. Vợ ông, vì mất tiền tiếc của, ốm cả tháng trời.
“Sau vụ đó, nhiều người động viên, chia sẻ nhưng cũng có người khuyên ngăn nên dừng lại. Nhưng tiếc bao công sức đã bỏ ra, lại được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi quyết tâm làm lại. Để có tiền, gia đình đã vay thêm 1 tỉ đồng từ ngân hàng để xây thêm 6 bể nuôi cá thương phẩm và 5 bể cá giống. Năm 2013, ngoài thả 4.000 con cá hồi, tôi đưa về nuôi thử nghiệm 10.000 con cá tầm” – ông Sâm nhớ lại.
Trời không phụ công người, sau vụ xuống giống này ông Sâm đã xuất bán, thu về trên 2 tỉ đồng, trừ hết chi phí, còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Kể từ lần đó, nghề nuôi cá tầm, cá hồi của gia đình ông Sâm cứ thế phát triển theo từng năm, giúp gia đình có nguồn thu nhập cao, ổn định, đồng thời tạo ra thương hiệu “vua” cá tầm, cá hồi trên đất Thanh Hóa.
Nâng tầm vị thế huyện nghèo
Theo ông Hà Khắc Sâm, bình quân mỗi năm trang trại xuất khoảng 9 tấn cá thương phẩm, với giá bán 400.000 đồng/kg cá hồi, 250.000 đồng/kg cá tầm, doanh thu gần 3 tỉ đồng, lời khoảng 500 – 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, trang trại của ông còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 -7 triệu đồng/tháng và nhiều lao động mùa vụ.
Ông Sâm cho biết ngoài nguồn nước lạnh (là yếu tố tiên quyết) thì việc lựa chọn nguồn thức ăn cũng rất quan trọng. Hầu hết thức ăn cho cá của trang trại đều được ông nhập từ nước ngoài về, giá cả rất đắt đỏ nhưng khi xuất bán thịt cá sẽ thơm ngon, bảo đảm dinh dưỡng nên bán được giá. “Cá nuôi ở đây có nguồn nước sạch sẽ, khí hậu mát quanh năm, cá khỏe mạnh nên ngon không thua kém cá nhập khẩu từ nước ngoài. Gia đình đang dự định sắp tới đây, sẽ đầu tư mở rộng thêm vài bể lớn để nuôi cá, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa phương khác” – ông Sâm phấn khởi.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang, khẳng định mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của gia đình ông Sâm là mô hình điểm của địa phương, có hiệu quả kinh tế cao. “Chúng tôi đang nghiên cứu mở rộng mô hình, từ đó giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, tạo sự kết hợp đưa du lịch cộng đồng phát triển hơn nữa vì xã chúng tôi có tiềm năng về du lịch” – ông Hùng nói.
Nhờ mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của ông Sâm mà huyện nghèo Lang Chánh cũng dần được nhiều người biết đến, tạo cộng hưởng cho du lịch cộng đồng của địa phương vươn xa ra nhiều tỉnh, thành. Bởi, quanh khu vực dãy núi Chí Linh có rất nhiều cảnh đẹp như thác Bảy Tầng, thác Ma Hao, chùa Mèo… Trước đây, du khách thường tới tắm thác rồi về, công tác nghỉ ngơi, ăn uống chưa được chú trọng. Tuy nhiên, trong những năm qua, huyện Lang Chánh đã quan tâm, đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch cộng đồng, trong đó các món ẩm thực của địa phương không thể thiếu được 2 loại cá đặc sản từ trang trại của gia đình ông Sâm.
Theo Thanh Tuấn–Người lao động