Để tạo ra được những cú nhảy vọt công nghệ, đào tạo ra một thế hệ “công dân số” chính là chìa khóa thành công. Và việc làm đầu tiên của họ là“Ươm mầm” lập trình viên tương lai từ mẫu giáo.
Mô hình kinh tế đã thay đổi, thế giới đang tăng tốc. Cuốn tiểu thuyết viễn tưởng ngày hôm qua đã nhanh chóng trở thành khoa học công nghệ của chính hôm nay. Làm sao để ta thích ứng được với những thay đổi chóng mặt của công nghệ? Làm sao xã hội bắt kịp với tốc độ phát triển của kinh tế? Làm cách nào để ta có thể học khi kiến thức đang mở rộng với tốc độ ánh sáng?
Có một thành phố đang tiên phong trong làn sóng phát triển – thành phố đang tạo dựng những công cụ cho tương lai. Họ muốn tạo ra một cuộc cải cách, họ tin rằng một ngày họ sẽ tự tạo ra được một nguồn lương thực bền vững và họ tham vọng đi trước nhân loại 40 năm, họ vô cùng tích cực trong việc nghiên cứu chế tạo khoa học công nghệ để nâng cao đời sống của người dân và để giữ vị trí tiên phong.
Năm 1965, Singapore trở thành một quốc gia độc lập. Thời điểm đó, gần như toàn bộ đất nước sống trong cảnh đói nghèo. Họ không có đủ nước sạch để uống, rất nhiều gia đình phải sống trong những cái chòi nhỏ.
Thủ tướng đầu tiên của Singapore – ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh: “Nơi đây từng chỉ là một bãi bồi, một đầm lầy, nhưng hôm nay, chúng ta là một thành phố hiện đại. 10 năm sau, kể từ hôm nay, chúng ta nhất định sẽ trở thành một đô thị lớn”.
Singapore ngày nay đã lột xác thành một thành phố sầm uất, sôi động và hào nhoáng, được mệnh danh là một trong bốn con rồng châu Á. Họ có gần 6 triệu công dân với diện tích chỉ hơn 700 km vuông, nhưng điều đó không làm giảm đi vị thế của họ trên trường quốc tế. Thành phố thông minh Singapore đang khiên cả thế giới phải nghiêng mình nể phục.
Steve Leonard – CEO của Trung tâm đổi mới SGInnovate trả lời Computerworld: “Phát triển thành phố thông minh đối với chúng tôi là một hành trình gian nan, đó cũng là con đường mà nhiều quốc gia đang theo đuổi. Chúng tôi với vai trò vừa là một thành phố, đồng thời cũng là một quốc gia, chúng tôi có tham vọng rất lớn và toàn diện. Tất cả mọi lĩnh vực ở Singapore: y tế, giao thông, năng lượng,… tất cả mọi thứ, chúng tôi đều muốn phát triển công nghệ để sử dụng thông tin hiệu quả hơn, xử lý vấn đề già hóa và đô thị hóa tốt hơn. Rất nhiều thành phố đang hành động, nhưng chúng tôi tin là họ không thể toàn diện như chúng tôi”.
Ông Steve Leonard cho biết, đô thị hóa sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải, an ninh công cộng, tài nguyên môi trường, năng lượng. Vì thế Singapore phát triển các phương tiện giao thông tự lái, cũng như các ứng dụng lái xe chia sẻ. Đó không nhất thiết phải là những nền tảng như Uber hay Lyft, mà có thể là những nền tảng xã hội hóa, nơi tất cả mọi người đều tham gia vào mạng lưới đó.
“Chúng tôi cũng phát triển y tế thông minh, vì quan tâm đến những thế hệ cao tuổi. Già hóa dân số không hề đơn giản và nhiều các quốc gia châu Á khác cũng đang mắc kẹt trong vấn đề này. Nếu số lượng người dân trên 65 tuổi tăng gấp 3 trong vòng 15 năm tới, bạn sẽ không muốn họ phải ngồi chờ hàng giờ trên hàng ghế bệnh viện chỉ để thực hiện những kiểm tra y tế đơn giản như đo huyết áp. Singapore đã thiết kế những thiết bị cảm biến để theo dõi sức khỏe của người già trong gia đình. Mọi thứ nên được tự động hóa và vận hành từ xa bằng công nghệ. Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ thành công, chỉ đơn giản là đương đầu với rủi ro và tạo ra những phát kiến vĩ đại mà thôi” – Steve Leonard chia sẻ.
Singapore gần như không có nông nghiệp, 93% lương thực thực phẩm của họ là nhập khẩu, đơn giản vì họ không còn diện tích đất trống để canh tác. Để tạo ra một nguồn lương thực bền vững cho quốc đảo này, Benjamin Swan – CEO của Sustenir Agriculture đã phát triển một hệ thống nông nghiệp kiểu mới, không chỉ áp dụng ở Singapore, mà có thể là bất kỳ môi trường đô thị nào. Công ty của anh tạo ra một phiên bản nhân tạo của tất cả các yếu tố tự nhiên cần thiết để trồng trọt, không cần đất đai, không cần ánh mặt trời, và tất cả đều được tự động hóa.
Để tạo ra được những cú nhảy vọt công nghệ đó, đào tạo ra một thế hệ “công dân số” chính là chìa khóa thành công.
Trong giáo dục, Singapore muốn trẻ em có những trải nghiệm tích cực nhất ngay cả với những môn học được cho là khó nhất – lập trình. Trẻ em Singapore được tiếp xúc với những kiến thức lập trình cơ bản ngay từ mẫu giáo. Họ tạo ra những con robot với các nút trái, phải, trên, dưới, và nếu học sinh muốn di chuyển con robot, các em sẽ nhấn một “chuỗi mã lệnh” các phím để yêu cầu robot chạy đúng hướng.
Các em học sinh lớn hơn, ở cấp tiểu học sẽ học các kỹ năng lập trình cao hơn một chút, các em sẽ được học cách làm việc theo đôi, theo nhóm thông qua các nhiệm vụ được thực hiện trên máy tính bảng. Những kỹ năng này là rất cần thiết để nuôi dưỡng một thế hệ “công dân số” cho tương lai.
Bash – trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Singapore đóng vai trò cố vấn cho các bạn trẻ, hỗ trợ họ thực hiện những ý tưởng khả thi và thậm chí còn hướng dẫn họ cách để thuyết phục các nhà đầu tư đổ tiền cho dự án của họ.
“Điều tuyệt vời nhất là tạo ra một không gian đầy động lực cho tất cả mọi người. Chúng tôi tin rằng mức độ thành công của một startup phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có hài hòa được các cá thể khác biệt trong một đội ngũ hay không. Trong thời đại toàn cầu hóa, bạn sẽ phải làm việc với những người có giới tính khác nhau, quốc tịch khác nhau, nền tảng khác nhau, nếu bạn biết cách tận dụng thì bạn sẽ thành công. Vì thế chúng tôi tập hợp rất nhiều startup ở khắp nơi, 200 người với hơn 50 quốc tịch, và tăng khả năng thành công của họ đã tăng thêm hơn 40%”.
PV