Không chỉ những hành động trong cuộc sống bên ngoài mà thói quen sử dụng mạng xã hội cũng thể hiện bạn là người có EQ thấp hay cao.
Theo Giáo sư Đại học Harvard Daniel Goleman, trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc của chính mình, khả năng nhận thức cảm xúc của người khác, động lực bản thân và khả năng xử lý đúng đắn các mối quan hệ giữa các cá nhân. Ông đánh giá EQ là chìa khóa quyết định sự thành công trong cuộc sống.
Trong thời đại kinh tế và công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, hầu như ai trong chúng ta cũng phải có ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Nhiều người có thói quen trút bầu tâm sự, chuyện vui hay buồn đều đăng hết lên mạng xã hội mà vô tình không biết những nội dung này vừa gây không ít những gây phiền toái đến bạn bè, người thân mà còn thể hiện họ là người EQ thấp.
- Phô trương cuộc sống quá mức
Nhiều người có thói quen khoe sự giàu có, tài sản kếch xù hay những món quà đắt giá họ nhận lên trang cá nhân mạng xã hội. Nếu chỉ đăng với tần suất vừa phải, bạn bè của bạn sẽ ngưỡng mộ và thành tâm khen ngợi, chia sẻ niềm vui với bạn.
Nhưng nếu bạn khoe quá thường xuyên sẽ có không ít người khó chịu vì điều đó. Bởi con người luôn có ham muốn và so sánh. Nhìn cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn mình, không thể tránh khỏi cảm giác ghen tỵ với bạn và chán ghét bản thân.
Người có EQ khoe khoang bởi họ có mặc cảm tự ti sâu xa nhất trong lòng, và bằng cách phô trương sự giàu có hay hạnh phúc họ mới được thoả mãn. Trên thực tế, những người giàu có thực sự thường rất khiêm tốn, thậm chí cố giấu đi những tài sản đắt đỏ họ sở hữu.
Còn người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ biết họ nên thể hiện vừa đủ cuộc sống của mình trên mạng xã hội, giữ niềm vui cho riêng mình để tránh nhận sự đánh giá, ganh ghét từ người khác. Chăm khoe của cải cũng có thể đem đến nhiều rắc rối như trở thành đối tượng của lừa đảo, lừa tình lừa tiền, vay mượn khó đòi…
- Phàn nàn về mọi thứ với thái độ tiêu cực
Năng lượng tiêu cực giống như một loại virus cực kỳ dễ lây lan. Một khi có người bi quan, hay than thở bên cạnh, mọi người sẽ cảm thấy bầu không khí thật nặng nề, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý trong công việc và cuộc sống.
Đặc biệt khi bạn đăng những lời phàn nàn công việc. Khi đồng nghiệp hoặc lãnh đạo vô tình nhìn thấy, bạn sẽ để lại hình ảnh tiêu cực trong mắt họ, khiến người khác hiểu lầm, thậm chí phá hủy nhiều mối quan hệ. Nếu không biết kiềm chế cảm xúc, bạn sẽ chỉ bị cảm xúc chi phối, lâu dần bạn sẽ ngày càng sống thụ động.
Người có EQ cao biết rằng phàn nàn là vô ích bởi trong cuộc sống luôn dễ dàng xuất hiện những sự việc không như ý chúng ta. Họ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc của mình sao cho không ảnh hưởng đến người xung quanh, chọn chia sẻ có chọn lọc với người thân thiết nhất thay vì coi mạng xã hội là thùng rác để “xả” bức xúc.
- Bình phẩm, chỉ trích người khác
Nhiều người có thói quen “bóc phốt” ai đó trên mạng xã hội mỗi khi giữa họ có những mâu thuẫn. Việc này không những không giúp xung đột được giải quyết mà càng khiến mối quan hệ giữa họ tồi tệ thêm. Những nội dung này chỉ đơn thuần giúp thỏa mãn tâm lý của người đăng bài khi có ai đó bình luận bênh vực mình và chỉ trích đối phương.
Thêm vào đó, mạng xã hội cũng là nơi đăng tải vô số tin đồn chưa qua kiểm chứng mỗi ngày, đặc biệt là phần lớn chúng được phát tán từ các cá nhân. Càng tin giật gân, gây sốt càng thu hút nhiều người chia sẻ và bình luận dù họ thậm chí còn không biết rõ sự thật đằng sau ra sao.
Những người này thiếu khả năng nhận thức cảm xúc của người khác khi chỉ xem xét các vấn đề từ góc nhìn của bản thân. Họ không thể và cũng không muốn xem xét thêm nhiều khía cạnh của sự việc. Ngoài khả năng đồng cảm thấp, khả năng kiểm soát cảm xúc kém cũng là một nguyên nhân chính.
Khi những người có EQ thấp gặp phải vấn đề, họ luôn có thói quen tìm kiếm lý do từ bên ngoài. Họ không sẵn lòng lắng nghe và có thói quen quy mọi bất hòa cho người khác thay vì tìm cách để 2 bên cùng giải quyết êm đẹp.
Phương Linh–Thể thao & Văn hoá