Vào tháng 2 năm 2015, nam diễn viên 30 tuổi Nhạc Vân Bằng đã xuất hiện trong Gala lễ hội mùa xuân của CCTV với màn diễn hài cùng bạn diễn Tôn Việt. Ngôn ngữ hài hước và biểu cảm dễ thương của Nhạc Vân Bằng đã khiến hàng trăm người xem dưới khán đài phải cười thành tiếng, kể từ đó, cái tên Nhạc Vân Bằng đã trở sáng giá ở đất nước tỷ dân chỉ sau một đêm.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Nhạc Vân Bằng có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, phải bỏ học đi làm khi chỉ mới 14 tuổi. Anh là con thứ 7 trong nhà, có năm chị gái và một em trai. Do nhà đông con nên Nhạc Vân Bằng trước 13 tuổi chưa bao giờ được mặc quần áo mới, mà chỉ mặc lại đồ cũ của các anh chị em trong nhà.
Một ngày mùa đông năm 1998, anh đang run cầm cập ở trường, nhưng giáo viên vẫn không thông cảm, bắt ép anh đóng nốt phần học phí còn thiếu. Có rất nhiều bạn học vây xung quanh, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến lòng tự trọng của Nhạc Vân Bằng. Ngày hôm sau, Nhạc Vân Bằng, một cậu bé còn chưa học hết lớp 7 đã phải nghỉ học.
Vào tháng 3 năm 1999, Nhạc Vân Bằng đã bất chấp gió tuyết, đặt chân lên chuyến tàu đến Bắc Kinh cùng với chị gái của mình. Nhạc Vân Bằng và chị gái đi làm những công việc lặt vặt trong một nhà máy dệt ở Bắc Kinh. Nhưng chỉ sau 3 tháng, anh đã bị sa thải vì không có chứng minh thư. Sau đó, Nhạc Vân Bằng đã đến một nhà máy ở Bắc Kinh để làm bảo vệ, tuy còn nhỏ nhưng anh đã cao 1,7 mét, công việc cuối cùng cũng ổn định, thu nhập hàng tháng là 100 USD.
Một năm sau, Nhạc Vân Bằng không hài lòng với việc làm nhân viên bảo vệ cả đời, nên anh đã xin vào một khu ẩm thực để làm phụ bếp, với hy vọng sẽ được học nghề bếp. Nhưng làm hơn nửa năm, không những không được học nghề bếp mà anh còn bị sa thải, vì ông chủ muốn nhận người quen vào làm vị trí của anh.
Thấy Nhạc Vân Bằng đáng thương, đầu năm 2001, bạn của anh đã giới thiệu cho anh một công việc dọn dẹp nhà vệ sinh trong một nhà hàng. Vốn dĩ đang làm rất tốt, nhưng vào một đêm tháng 9 năm 2001, khi anh đang dọn dẹp trong nhà vệ sinh thì ông chủ nhà hàng say xỉn đột nhiên xông vào và nôn ra khắp sàn, Nhạc Vân Bằng cũng bị dính rất nhiều chất nôn trên người. Anh không than vãn gì, lập tức lau sạch chất bẩn trên người, sau đó cúi đầu dọn dẹp đống nôn mửa trên mặt đất. Nhưng sau khi ông chủ rửa mặt xong đã quay lại nói với Nhạc Vân Bằng: “Anh, lại đây, đừng làm nữa, lấy tiền rồi đi nhanh đi!”
Nhạc Vân Bằng bối rối hỏi tại sao, ông chủ nói: “Anh không thấy tôi say sao? Không lau cho tôi trước mà lại lau cho bản thân anh trước. Tôi muốn đi ra ngoài, anh cũng không giúp tôi mở cửa nhà vệ sinh, không biết phục vụ, vậy tôi giữ anh lại để làm gì?”
Cuộc sống anh sau đó vẫn thế, đi làm rồi bị đuổi, bị người khác sỉ nhục. Tết đến bị ốm, chỉ còn 40 USD, không thể về quê nhưng anh vẫn gửi 20 USD về mừng tuổi cha mẹ.
Một ngày tháng 12 năm 2003, một người quen cũ từng hát kinh kịch đã gọi Nhạc Vân Bằng đến và nói: “Tôi thấy cậu có giọng nói rất hay và biểu cảm phong phú, để tôi giới thiệu một người cho cậu. Người đó chuyên về tướng thanh, tên là Quách Đức Cương, cậu theo ông ta học đi.”
Mặc dù Nhạc Vân Bằng chưa bao giờ quan tâm nhiều đến loại hình hài kịch tướng thanh, nhưng anh cũng muốn đi gặp thử xem. Vì Nhạc Vân Bằng không biết gì nên lúc đầu Quách Đức Cương không đồng ý nhận. Sau khi xem Quách Đức Cương diễn, anh cảm thấy rất hứng thú với loại hình hài kịch này, nên đã bám riết Quách Đức Cương suốt 3 tháng, cuối cùng cũng đã cảm động được ông ấy.
Vào tháng 3 năm 2004, Nhạc Vân Bằng chính thức nghỉ việc và gia nhập câu lạc bộ Đức Vân Xã do Quách Đức Cương thành lập. Quách Đức Cương đã sắp xếp cho anh làm việc vặt trong một rạp hát nhỏ, và cấp cho anh phí sinh hoạt là 7 USD/ tuần. Lúc đầu Nhạc Vân Bằng cũng có ý định từ bỏ, dù sao làm phục vụ lương cũng khá hơn nhiều, anh có thể tiết kiệm được một ít để gửi về nhà, còn ở đây thu nhập hầu như là không có.
Tuy nhiên, trong một lần, Nhạc Vân Bằng xem một số đĩa CD của các bậc thầy tướng thanh, đột nhiên anh nhận ra rằng nếu học tướng thanh, sau 60 tuổi anh vẫn có thể là một nghệ sĩ, nhưng nếu làm phục vụ thì sau 60 tuổi anh không thể tiếp tục làm được nữa. Tư duy thay đổi, Nhạc Vân Bằng cũng cố gắng cải thiện bản thân hơn.
Làm việc vặt được 6 tháng thì anh mới bắt đầu được dạy tướng thanh. Do trình độ học vấn thấp nên anh phải học chăm chỉ hơn những người khác. Để luyện giọng nói chuẩn, anh ấy thường đứng ngoài trời vào mùa đông, cầm báo và đọc to. Sau hơn một năm khổ luyện, Nhạc Vân Bằng cuối cùng cũng đã được diễn ở phòng trà, nhưng vì là lần đầu, quá khẩn trương nên anh không gây cười được cho khán giả, cuối cùng còn bị đuổi xuống sân khấu.
Sau thất bại đó, lòng anh thì rất chán nản và sợ hãi, vì lúc đó, có một số diễn viên kỳ cựu của đoàn đã đề nghị Quách Đức Cương đuổi anh. Nhạc Vân Bằng đã bị đuổi rất nhiều lần, đến nỗi ám ảnh và nằm mơ hét toáng lên: “Thầy ơi đừng đuổi em,…”
Khi biết chuyện Quách Đức Cương đã rất xúc động, xét thấy sự kiên trì, chăm chỉ và tốt bụng của Nhạc Vân Bằng, thay vì khuyên can, ông đã động viên anh.
Năm 2006, sau vô số thử thách, Nhạc Vân Bằng cuối cùng cũng có thể khiến khán giả cười trên sân khấu. Anh ấy bắt đầu được hợp tác với nhiều đồng nghiệp nổi tiếng của các đoàn kịch khác. Năm 2007, anh và Quách Đức Cương lần đầu tiên diễn chung một vở diễn, hết lần này đến lần khác khiến khán giả cười “không nhặt được mồm”. Kể từ đó, Nhạc Vân Bằng cũng dần dần yêu cái nghề tướng thanh này. Tuy nhiên, do ít diễn nên anh vẫn không kiếm được nhiều tiền.
Sau 5 năm mài dũa, Quách Đức Cương liên tục sắp xếp cho anh tham gia biểu diễn ở khắp nơi. Có nhiều cơ hội rèn luyện hơn, Nhạc Vân Bằng cũng nhanh chóng có tiến bộ. Ngày 8 tháng 5 năm 2010, Nhạc Vân Bằng lần đầu tiên bước vào đại lễ đường Nhân Dân. Trước buổi biểu diễn, anh đã lấy điện thoại gọi cho cha, nói: “Cha, con sẽ biểu diễn ở đại lễ đường Nhân Dân!”
Năm 2010, sự nghiệp của Quách Đức Cương bùng nổ, nhờ đó mà Nhạc Vân Bằng cũng được theo thầy đi biểu diễn ở khắp nơi, điều này không chỉ làm tăng sự nổi tiếng của anh mà còn tăng thu nhập và điều kiện sống lên rất nhiều.
Đầu năm 2012, Nhạc Vân Bằng lần đầu tiên đóng vai chính trong bộ phim hài Tết “No Kidding”. Sau khi bộ phim được phát sóng, nó đã được khán giả vô cùng yêu thích.
Năm 2013, ở tuổi 28, anh đã trở thành thành viên “trụ cột” của Đức Vân Xã, quanh năm theo thầy đi biểu diễn trong và ngoài nước. Vào tháng 7 năm 2013, khi đang lưu diễn ở Đức thì nhận được tin cha qua đời, tuy vậy, anh vẫn cố nén đau buồn và hoàn thành buổi biểu diễn. Đêm hôm đó, trở về khách sạn sau buổi biểu diễn, anh đã mở ảnh của cha trên ipad ra, đặt nó lên bàn, quỳ xuống đất và bật khóc.
Tuy thành công liên tục nhưng bước ngoặc thực sự thay đổi đời anh chính là trong dịp gala lễ hội mùa Xuân 2015, Nhạc Vân Bằng đã gây được tiếng vang lớn với phần trình diễn tướng thanh “I Can’t Take It Anymore” do chính anh ấy thức trắng đêm sáng tác ra. Đêm giao thừa đó, sau khi xuống sân khấu anh đã âm thầm khóc, mặc dù cha không còn có thể nhìn thấy sự thành công của anh nữa, nhưng anh vẫn thầm nói trong lòng rằng: “Cha à, con không có làm mất mặt gia đình mình,…”
Để bù đắp cho khoảng thời gian xa cách gia đình, vào tháng 3 năm 2015, Nhạc Vân Bằng đã mua một căn nhà cho mẹ ở Bắc Kinh để cùng nhau sống chung.
Con đường thành công của Nhạc Vân Bằng rất gồ ghề và nhiều ngã rẽ, đau khổ trùng trùng. Có vô số những người trẻ tuổi như anh ấy đã rời quê hương để mong đổi đời, nhưng có bao nhiêu người có thể trải qua gian khổ như anh ấy mà vẫn bán mạng ôm chặt ước mơ của mình? Có một câu nói rất hay rằng: “Con đường tắt nhanh nhất trên thế giới này là hãy làm việc một cách nghiêm túc.” Nhạc Vân Bằng chính là một tấm gương sáng cho đạo lý này!
Trần Anh-Theo TTVH