Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về mặt nguyên tắc trong việc cùng với Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu máy bóc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Bộ ba quyền lực
Theo các nguồn thạo tin, việc Nhật Bản và Hà Lan về cùng phe với Mỹ có thể làm suy yếu tham vọng của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ. Hai quốc gia này có thể sẽ đưa ra thông báo chính thức trong vài tuần tới về việc họ sẽ áp dụng ít nhất một phần trong số các biện pháp sâu rộng mà Mỹ công bố nhằm hạn chế Trung Quốc có thể sản xuất được các loại chip bán dẫn tiên tiến.
Hồi tháng 10, Chính quyền của ông Joe Biden đã đưa ra các biện pháp này nhằm ngăn chặn Trung Quốc có thể tiếp cận các công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn.
Với liên minh gồm 3 quốc gia này, Trung Quốc sẽ bị phong tỏa gần như hoàn toàn với khả năng tiếp cận thiết bị nhằm tạo ra những con chip tối tân. Trước đó, Mỹ cũng đã cấm bán thiết bị cho phía Trung Quốc nếu chúng có những “yếu tố Mỹ”.
Các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc sẽ khó có thể xây dựng được một ngành công nghiệp mũi nhọn trong lĩnh vực bán dẫn nếu sự hợp tác này thực sự diễn ra.
Hôm 12/12, Trung Quốc đã đệ đơn lên WTO nhằm phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Bắc Kinh nói rằng những hạn chế này đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và cho rằng lý do an ninh quốc gia mà Mỹ đưa ra là không rõ ràng.
Trung Quốc gặp khó
Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết ngày càng có nhiều quốc gia quay lưng với tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc. Tuần trước, các quan chức Hà Lan đang lên kế hoạch cho biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm vào Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã đồng ý với những hạn chế tương tự trong những tuần gần đây vì hai quốc gia muốn hành động cùng nhau. Trong khi đó, Nhật Bản dường như đã vượt qua được sự phản đối của các doanh nghiệp trong nước, những người không muốn mất doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm 6/12, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết Mỹ đang thảo luận với các nước khác về vấn đề này nhưng từ chối bình luận về diễn biến của đàm phán. Ông Nishimura cho biết họ đang đánh giá tác động từ các biện pháp này đối với doanh nghiệp Nhật Bản.
Cho tới thời điểm hiện tại, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan là nguồn cung cấp máy móc, thiết bị chuyên dụng hàng đầu trong ngành bán dẫn. Thiếu các doanh nghiệp này, không quốc gia nào trên thế giới có khả năng tạo ra những con chip tối tân. Thông tin này đã ngay lập tức khiến cổ phiếu ASML – doanh nghiệp Hà Lan chuyên về lĩnh vực này, giảm 1,4%.
Trước đó, Tarun Chhabra, quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia và Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và An ninh của Mỹ đều đã có mặt tại Hà Lan vào cuối tháng 11 nhằm thảo luận về kiểm soát xuất khẩu. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cũng đã nói những điều tương tự với người đồng cấp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura trong một cuộc họp trực tuyến hồi tuần trước.
Nhiều khả năng, Hà Lan và Nhật Bản sẽ lên kế hoạch cấm bán thiết bị có khả năng tạo ra loại chip 14 nanomet hoặc cao cấp hơn cho Trung Quốc. Dù công nghệ 14nm chậm hơn ít nhất 3 thế hệ so với những loại chip tối tân nhất nhưng đây đã là loại chip công nghệ cao thứ 2 mà nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc mà SMIC có thể tạo ra.
Tham khảo: Bloomberg-Linh Anh–Nhịp sống Thị trường