Trong 11 năm, hơn 4.000 ngày, từ khi 80 tuổi đến năm 91, cứ 21h, ông lão lại ra khỏi nhà và trở về vào lúc 3-4h sáng để nhặt rác bán lấy tiền. Khi không thể cống hiến cho sự nghiệp trồng người, ông lại tìm cách khác để thắp sáng những cuộc đời tăm tối.
Vào những ngày đầu tiên của tháng 12, tuyết rơi ngày càng dày trên trên đường phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, trời càng lúc càng lạnh, người ta luôn thấy một cụ ông 91 tuổi đang lom khom đẩy chiếc xe ba gác, lật mở các thùng rác lớn nhỏ trên đường phố.
Tuyết rơi ngày càng dày, đôi tay cứng đờ vì giá lạnh nhưng không thể ngăn được niềm vui trên khuôn mặt của ông. Ông lão nhặt rác này chính là Vương Tân Sâm, 91 tuổi. Trước khi nghỉ hưu, ông là giảng viên của ĐH Chiết Giang, cũng từng làm tham mưu trong quân đội. Vậy tại sao trong thời gian dành để nghỉ ngơi, ông lại chọn đi nhặt rác trên đường phố?
Muốn giúp đỡ người khác phải dùng tấm lòng chân thành
Mục đích duy nhất của Vương Tân Sâm trong việc nhặt rác là để giúp cho trẻ em nghèo được đến trường. Trong hơn một thập kỷ, dựa vào nhặt rác hàng đêm ông đã tài trợ học phí học đại học cho 7 người con ông nhận nuôi. “Các con chỉ cần học tập và không cần lo lắng về học phí và tiền sinh hoạt”, ông nói.
Trong hơn 11 năm qua, bất kể gió mưa, hay lễ Tết, ông vẫn kiên trì đi nhặt từng chai lọ, hộp carton trên đường phố để bán lấy tiền nuôi 7 đứa trẻ được ông nhận nuôi trong 4 năm đại học. Số chai lọ đồng nát mà ông Vương nhặt thường bán được 2,3 USD mỗi đêm. Một tháng ông kiếm thêm được tầm 46-62 USD. Người nhà từng khuyên ông ngừng nhặt rác, nhưng ông đã dần thuyết phục được họ. “Muốn giúp đỡ người khác thì phải dùng tấm lòng chân thành”, ông nói.
Trước đây trong thời gian giảng dạy ở ĐH, ông cũng quan tâm và giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mùa hè năm 2012, thông qua truyền thông, ông biết đến Từ Linh Linh, nữ sinh viên vừa làm thuê vừa đi học do hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, ông quyết định nhận nuôi cô bé vào đại học. Ông Vương đã tài trợ cho Tô Linh Linh hơn 2.800 USD trong suốt 4 năm đại học. Tính đến nay ông đã tài trợ cho 4 học sinh nghèo hoàn thành việc học.
“Tôi muốn thông qua hành động để nói với giới trẻ rằng khó khăn không hề đáng sợ, chỉ cần chúng ta chăm chỉ và nỗ lực thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua”, ông Vương trả lời khi được hỏi tại sao có lương hưu nhưng ông vẫn đi nhặt rác để giúp học sinh nghèo.
Trong hơn 10 năm qua, có một điều ông kiên quyết không bao giờ thực hiện, đó là nhặt rác vào ban ngày. Ông chỉ rời nhà vào 21h và trở về lúc 3-4h sáng. Không phải vì xấu hổ, lý do xuất phát từ việc ông thấy có rất nhiều người sống bằng nghề nhặt rác để kiếm sống và họ cần nó hơn ông. “Tôi có lương hưu, không thể vì mục đích của mình mà tranh giành bát cơm với người khác”, ông Vương nói.
Tuổi thơ không hạnh phúc nên quyết dành tình cảm cho mọi người xung quanh
Trên thực tế, Vương Tân Sâm không có một tuổi thơ hạnh phúc. Mẹ ông qua đời sớm vì bệnh tật. Cùng lúc đó cha ông qua đời khiến cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm khốn khổ. Cả cuộc đời này ông sẽ không bao giờ quên trải nghiệm nhặt đầu mẩu thuốc lá trên đường để bán lấy tiền. Ông cũng không bao giờ quên cảnh các chị gái của mình phải khổ sở hơn vì không được đi học.
Vì vậy khi có cơ hội đến trường, ông đã trân trọng nó hơn bất kỳ ai khác và học tập chăm chỉ. Sau khi xuất ngũ, ông may mắn được bổ nhiệm vào Đại học Y khoa Chiết Giang (sau này trường trở thành khoa Y của ĐH Chiết Giang).
Một điều ông luôn khắc ghi trong tim: Cuộc đời này Vương Tân Sâm không có cơ hội nếm trải tình yêu của mẹ nhưng quyết dành hết tình yêu thương của mình cho thế gian. Vì thế ông đã làm việc chăm chỉ trong phần lớn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người. Trong những năm cuối đời, khi không thể giảng dạy, ông đã tìm ra một cách khác để giúp đỡ mọi người, đó là nhặt rác bán lấy tiền nuôi trẻ em nghèo được vào đại học.
Một năm trước, sau ca phẫu thuật, lưng của ông ngày càng còng và cơ thể của cũng thường xuyên đau ốm. Mọi người đã khuyên ông nên dừng lại để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ông không làm vậy. Ông vẫn kiên trì công việc nhặt rác trong hơn 11 năm qua. Đạp xe không được thì ông gồng hết sức, khi không đạp được lên dốc thì ông dắt bộ.
Trong 11 năm với hơn 4.000 ngày, từ năm 80 tuổi đến năm 90 tuổi, ông đã dành toàn bộ quãng thời gian nghỉ hưu của mình để soi sáng cuộc đời đầy bóng tối của những trẻ em nghèo.
May mắn thay, ông không đơn độc trên hành trình của mình. Những người hàng xóm biết việc tốt của ông lão nên chỉ cần trong nhà có thùng carton hay giấy vụn họ lại gửi ông. Những người buôn bán gần nơi ông sinh sống cũng chủ động tặng ông những chai nước giải khát. Những sinh viên được ông Vương giúp đỡ sau nhiều năm qua đã giờ đã trưởng thành. Họ đã chăm chỉ để vào đại học và ra trường làm việc. Họ cũng bắt đầu dùng những cách khác nhau để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Đinh Anh–Thể thao & Văn hoá