Với động cơ từ máy cắt đường, cánh từ vải thô, bánh xe lấy từ xe kéo, một người bán bỏng ngô đã thu hút sự chú ý của Không quân Pakistan nhờ tạo ra chiếc máy bay của riêng ông.
Câu chuyện của Muhammad Fayyaz đã chạm đến trái tim của nhiều người, trên đất nước mà hàng triệu người dân, giống như anh, thiếu thốn về giáo dục và phải đấu tranh cho từng cơ hội.
“Tôi thực sự đã ở trên không. Tôi không thể cảm thấy điều gì khác”, Fayyaz kể về chuyến bay đầu tiên trên cỗ máy anh chế tạo phần lớn nhờ xem các clip trên TV và bản thiết kế trên mạng.
Pakistan từng xôn xao với những câu chuyện về các thần đồng khoa học ẩn dật trước đó – điển hình là năm 2012 khi một kỹ sư tuyên bố anh ta đã phát minh ra xe có thể chạy trên mặt nước – một câu chuyện sau đó bị lật tẩy bởi các nhà khoa học.
Nhưng Fayyaz khẳng định anh đã bay thật, và lực lượng không quân coi trọng tuyên bố này. Họ đã gửi đại diện tới gặp anh nhiều lần, thậm chí trao giấy chứng nhận để tuyên dương công trình của anh, Fayyaz cho biết.
Đã có một lượng khách du lịch nhất định muốn chiêm ngưỡng chiếc máy bay, giờ đây đang nằm trên khoảng sân trống tại ngôi nhà 3 gian của anh tại làng Tabur, trung tâm tỉnh Punjab.
Giấc mơ phản lực
Người đàn ông 32 tuổi cho biết anh mơ ước được gia nhập không quân từ nhỏ, nhưng cha mất khi anh còn đang đi học khiến anh phải bỏ học năm lớp 8, làm công việc lặt vặt để nuôi mẹ và 5 người em nhỏ.
Lớn lên, niềm đam mê bay lượn vẫn còn nguyên vẹn. Anh đã đánh cược vào giấc mơ mới, dùng tất cả những gì có để chế tạo máy bay riêng.
Ban ngày bán bỏng ngô, ban đêm làm bảo vệ, anh tiết kiệm từng rupee có thể.
Điều đầu tiên anh cần có là thông tin – bắt đầu bằng việc xem chương trình Điều tra tai nạn hàng không của National Geographic để hiểu rõ hơn về lực đẩy, áp suất không khí, mô men xoắn, động cơ đẩy.
Truy cập mạng giá rẻ tại thành phố lân cận giúp hoàn thiện phần còn lại. Fayyaz cho biết anh chắp nối các bản thiết kế máy bay tìm được trên mạng cho sản phẩm.
Anh đã bán một mảnh đất của gia đình, vay 50.000 rupee (350 USD) từ dịch vụ tài chính vi mô của một tổ chức phi chính phủ mà đến giờ anh vẫn đang trả nợ.
Anh sử dụng khoản tiền ít ỏi một cách sáng tạo, mua sỉ bao tải vải thô và thuyết phục một nhân viên xưởng tốt bụng, người đã chứng kiến anh tìm tòi vật liệu, chế tạo giúp một cánh quạt.
Đã có thử nghiệm và thất bại. Một số thiết bị cần phải thay, thiết kế cần điều chỉnh, dây nối cần sửa lại. Gia đình lo rằng anh bị ám ảnh thái quá.
“Tôi liên tục bảo con trai mình dừng lại. Tôi nói nó cần tập trung cho công việc và gia đình, rằng nó đang phí sức vào một thứ vô bổ. Nhưng nó hoàn toàn bỏ ngoài tai”, mẹ anh, Mumtaz Bibi, nhớ lại.
Nhưng Fayyaz vẫn tiếp tục. Và sau tất cả, chiếc máy bay ra đời, nhỏ xíu, mỏng manh và được sơn màu xanh da trời.
Bị bắt
Vào tháng 2, sau hơn 2 năm bị coi là trò cười, anh cho biết mình đã sẵn sàng. Những người bạn đã giúp anh phong tỏa một con đường nhỏ mà anh dùng làm đường băng cho lần thử đầu tiên.
Chiếc máy bay đạt đến 120 km/h trước khi cất cánh, Ameer Hussain, người chạy xe máy song song với chiếc máy bay nói.
“Chiếc máy bay ở khoảng 60 – 90 cm so với mặt đất”, ông nói. “Nó bay tầm 2 – 3 km trước khi hạ cánh”.
Thử nghiệm này đã khiến Fayyaz đủ tự tin để thử sức lần nữa trước toàn thể dân làng, phần lớn là những người đã chế giễu công sức của anh.
Anh chọn ngày 23/3, Quốc khánh Pakistan làm ngày công bố. Cảnh sát cho biết đã có hàng trăm người vây quanh chiếc máy bay nhỏ xíu của anh, tay cầm quốc kỳ.
Nhưng trước khi Fayyaz kịp khởi động động cơ, cảnh sát ập tới và bắt giữ anh, tịch thu chiếc máy bay.
“Tôi cảm thấy như mình đã phạm phải tội lỗi khủng khiếp nhất trên đời, rằng tôi là người Pakistan tồi tệ nhất”, anh giải thích, nói thêm: “Tôi đã bị bắt giam”.
Tòa án trả tự do cho anh với 3.000 rupee (19 USD) tiền phạt. Cảnh sát cho biết họ bắt giữ Fayyaz vì chiếc máy bay của anh có nguy cơ gây mất an toàn.
Sĩ quan Zafar Iqbal giải thích: “Chiếc máy bay được trả lại cho anh ta như một hành động thiện chí. Nếu anh ta có bằng lái máy bay hoặc giấy phép, anh ta có thể bay tự do”.
Sự cố của Fayyaz khiến anh nổi tiếng trên mạng xã hội, và anh trở thành “anh hùng” và “nguồn cảm hứng” của nhiều người.
Đại diện Không quân Pakistan đã có 2 chuyến thăm để chiêm ngưỡng chiếc máy bay, và chỉ huy một căn cứ gần đó đã cấp cho Fayyaz một giấy chứng nhận ca ngợi “niềm đam mê và sự khéo léo” của anh trong việc chế tạo một chiếc “máy bay mini cơ bản”.
Theo Minh Ngọc – NDH