Sau chuyến du lịch cùng công ty, anh Trần Đình Nhâm quyết định cùng vợ bỏ làm công nhân để trở về quê xây dựng trang trại nuôi con mà bạn bè từng ái ngại khuyên ‘nuôi con này bán không ai mua đâu..
Có mặt tại xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) để tham quan mô hình trang trại nuôi dúi của gia đình anh Trần Đình Nhâm (29 tuổi) mới biết được cái duyên đến với nghề nuôi dúi của anh.
Anh Nhâm sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đồi núi của huyện Hương Sơn, sau khi kết hôn, anh cùng vợ ra Bắc Ninh xin vào công ty làm công nhân.
Năm 2015, vợ chồng anh Nhâm cùng hàng chục đồng nghiệp được công ty tổ chức cho đi du lịch, tham quan một trại nuôi dúi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Vốn xuất thân từ vùng rừng núi, biết rõ về dúi nhưng là dúi tự nhiên chứ chưa thấy dúi nuôi bao giờ nên anh tò mò muốn tìm hiểu.
Khi được gia chủ gợi mở một ít kinh nghiệm, nhận thấy việc chăm sóc cũng không quá khó mà mang lại thu nhập ổn định, anh Nhâm nghĩ bụng sẽ có ngày tìm hiểu về mô hình này để mang về quê khởi nghiệp.
Nghĩ là làm, vào những ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng anh cùng nhau đến một số trang trại nuôi dúi tại tỉnh Bắc Ninh và Thanh Hoá để học hỏi cách xây dựng mô hình và kinh nghiệm chăm sóc con dúi.
Sau một thời gian học hỏi, nhận thấy bản thân đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi nên anh đã cùng vợ xin nghỉ việc tại công ty để về quê xây dựng chuồng trại.
“Thời gian đầu về quê, người dân ở đây chưa ai biết về mô hình nuôi dúi nên mọi người đều chưa tin tưởng về sự thành công khi nuôi con vật đặc sản này. Ngày đầu khởi nghiệp, bố mẹ tôi không ủng hộ nhưng cũng không phản đối. Còn bạn bè, hàng xóm thì hoài nghi, tặc lưỡi bảo nuôi dúi cho vui chứ biết bán cho ai”, anh Nhâm nhớ lại.
Cũng trong thời gian này, để có thể phát triển mô hình, anh Nhâm đã chủ động xin giấy chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã theo quy định của pháp luật. Vào năm 2016, anh Nhâm đã đặt mua 3 cặp dúi đầu tiên với giá 5 triệu đồng và xây dựng trang trại với 3 ô chuồng, mỗi ô diện tích 60 cm để nuôi thử nghiệm.
Được biết, xây chuồng cho dúi cũng đơn giản và không mất quá nhiều chi phí khi dùng gạch men khổ lớn xếp thành các ô có kích thước khác nhau tuỳ theo mật độ nuôi; phía trên dùng tấm gỗ che bớt ánh sáng và lợp mái tranh chống nóng cho toàn chuồng nuôi để đàn dúi sinh sản và phát triển.
Vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc nên 2 con trong số các con mới mua bị chết, số còn lại bị bệnh khiến anh Nhâm càng quyết tâm hơn trong công việc chăn nuôi mới này.
“Tôi tiếp tục tìm các tài liệu liên quan đến kỹ thuật nuôi dúi, đi thực tế tham quan tại các trại dúi lớn ở nhiều tỉnh thành như Nghệ An, Thanh Hóa… với mong muốn sớm tìm ra quy trình nuôi. Sau nhiều ngày tìm hiểu, tôi tham khảo được cách chữa trị bằng việc cho chúng ăn củ sắn. Ngoài ra, thấy dúi chịu rét tốt hơn chịu nóng nên tôi đã dùng hệ thống mái tranh để lợp cho trang trại”, anh Nhâm nói.
Bốn tháng sau, thấy hai cặp dúi giống phát triển tốt và đẻ con, anh Nhâm làm thêm hàng chục ô chuồng khác trên diện tích hàng trăm mét vuông, mua thêm 20 cặp dúi giống và dúi đang bầu 20 ngày để mở rộng quy mô.
Kể từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Nhâm bắt đầu thu lãi từ trang trại nuôi dúi. Bình quân mỗi năm bán dúi giống và thương phẩm được khoảng hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phi lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng.
Anh Nhâm cũng chia sẻ thêm về cách chăm sóc, thức ăn của dúi chủ yếu là thân cây tre, nứa, mía, ngô, sắn. Một ngày dúi ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần một đốt tre nứa dài 20 cm, mía thì 5-7 cm, không uống nước.
Dúi là động vật hoang dã, dễ chăm sóc, chi phí ít mà lợi nhuận đem lại cao. Nhưng để nuôi dúi thành công, đòi hỏi người nuôi phải thực sự chuyên tâm, kiên trì và thường xuyên theo dõi sự phát triển của vật nuôi.
Bệnh thường gặp của dúi chỉ liên quan đến tiêu hóa, nếu cho ăn thêm thân cây sắn thì sau ít ngày sẽ khỏi bệnh.
“Trang trại của tôi chủ yếu nuôi dúi giống cho sinh sản, 2 tháng xuất bán một lần. Dúi mẹ mang bầu sau 48 ngày là đẻ, dúi con sau 2 tháng được tách ra nuôi theo cặp đực cái và bán cho các cơ sở giống trong và ngoài tỉnh để tiếp tục chăm sóc. Dúi một năm đẻ khoảng 3-4 lần, mỗi đợt khoảng 4-5 con”, anh Nhâm cho biết.
Cũng theo anh Nhâm, mỗi lần xuất bán một cặp dúi giống trọng lượng khoảng 2 – 4 lạng có giá từ 800nghìn đến 1 triệu đồng. Những con không đạt tiêu chuẩn xuất giống sẽ được chăm sóc để bán thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn với giá khoảng 500 nghìn đồng/kg.
Hiện, trang trại của anh Nhâm đang nuôi hơn 200 con dúi, đa số là dúi bố mẹ phục vụ sinh sản. Anh Nhâm dự định thời gian tới sẽ mở rộng quy mô lên gấp đôi so với hiện tại và đầu tư phát triển mạnh dúi thương phẩm.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hồng đánh giá, mô hình nuôi dúi của hộ anh Nhâm là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.
“Mô hình này rất phù hợp với điều kiện của địa phương vì nguồn thức ăn dồi dào, tre nứa có sẵn. Vì vậy, sắp tới địa phương sẽ làm các thủ tục nhằm đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý hoá cho người nuôi. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ người nuôi phát triển mô hình lâu dài và bền vững”, ông Mỹ cho biết.
Theo Đại Đoàn Kết