Người Do Thái được biết đến với chỉ số IQ cao ngất, bí quyết thành công của họ chính là chú trọng giáo dục con trẻ vận dụng những nguyên tắc kinh doanh vào thực tiễn.
Nhiều doanh nhân giàu có người Do Thái đều lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Chẳng hạn như, doanh nhân nổi tiếng Rockefeller, ông bắt đầu làm trợ lý kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ từ năm 16 tuổi, trong quá trình làm việc được ông chủ đánh giá cao vì làm việc nghiêm túc, rõ ràng và phân minh; ông hoàng kim cương Petersen đã đến học việc tại một cửa hàng trang sức khi đang tuổi thiếu niên, vì tay nghề giỏi, ông nhận được sự công nhận của thầy dạy nghề trong vòng 5 tháng.
Nếu bạn đang quyết tâm lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, hãy tin vào nguyên tắc “biến không thành có” trong cách thức kinh doanh của người Do Thái.
Tay trắng theo đuổi giấc mơ kinh doanh khách sạn
Ông trùm khách sạn thế giới Conrad Nicholson Hilton là người đã tin và vận dụng thành công nguyên tắc này, ông lập nghiệp chỉ với 30.000 USD và xây dựng nên một đế chế khách sạn nổi tiếng thế giới.
Năm 1923, ông Hilton mang theo giấc mơ của mình đến khu phố thương mại sầm uất của Dallas, ông nhận thấy rằng nơi đây chẳng có một khách sạn tử tế nào, thế nên ông đã nghĩ: “Nếu một khách sạn cao cấp được xây ở đây, việc kinh doanh hẳn sẽ rất tốt.”
Sau khi khảo sát một lượt, ông chọn được một mảnh đất thích hợp. Tuy biết quyền sở hữu mảnh đất này nằm trong tay một doanh nhân bất động sản tên là Demick, nhưng ông không có lập tức đi tìm chủ sở hữu, mà trước hết ông mời đến kiến trúc sư cùng nhân viên thẩm định bất động sản. Kết quả thẩm định cho thấy, nếu ông muốn xây dựng một khách sạn tại đây phải cần ít nhất 1 triệu USD.
Khi gặp phải tình huống này nhiều người đã nản lòng, thậm chí bỏ cuộc. Nhưng Hilton thì không, ông đã huy động được 300.000 USD từ những người thân quen, nhưng số tiền này không đủ để xây khách sạn mà chỉ đủ để mua một mảnh đất.
Thực hiện chiến lược “thuê trả góp 90 năm” nhằm sở hữu quyền sử dụng đất
Ông Hilton tìm đến Demick và dự định ký thỏa thuận mua mảnh đất với giá rao bán là 300.000 USD. Nhưng khi đến hạn thanh toán, Hilton chỉ mang 30.000 USD đến gặp ngài Demick và chân thành nói rằng:
“Tôi mua mảnh đất này với mục đích xây dựng khách sạn, nhưng sau khi tính toán kỹ lưỡng thì số tiền đó chỉ đủ xây một khách sạn bình thường, thế nên tôi rất tiếc, tôi chỉ có thể thuê đất của ông thôi.”
Ngay khi ngài Demick vung tay muốn nói rằng: “Quên đi, tôi không muốn hợp tác cùng cậu” thì Hilton thành khẩn nói:
“Tôi thuê 90 năm theo hình thức trả góp, tôi sẽ trả 30.000 USD một năm. Nếu tôi không trả tiền thuê đúng hạn, ông hãy thu hồi lại mảnh đất và khách sạn trên đó. Ông nghĩ sao?”
Ngài Demick nghe vậy cho rằng thỏa thuận này cũng không tồi: mảnh đất vốn trị giá 300 nghìn USD có thể đổi lấy 2,7 triệu USD tiền thuê, mà mảnh đất vẫn thuộc về ông và khách sạn trên đó cũng có thể là của ông. Vì vậy, ông đồng ý đề nghị này của Hilton.
Bí quyết thành công từ nguyên tắc “biến không thành có”, giấc mơ kinh doanh khách sạn thành hiện thực
Hilton đã dùng 30.000 USD để có được quyền sử dụng đất trong một năm và thiết lập mối quan hệ cho thuê – thuê giữa Demick và mình. Nhưng 270.000 USD còn lại vẫn không đủ để xây một khách sạn. Ông Hilton lại tìm đến ngài Demick và thương lượng “dùng mảnh đất này thế chấp một khoản vay để xây khách sạn”. Vì để có được số tiền thuê 2,7 triệu USD nên ngài Demick đã đồng ý.
Theo như dự kiến, Hilton vay ngân hàng 300.000 USD, nhờ đó ông có trong tay 570.000 USD số tiền vốn để xây dựng khách sạn.
Vào tháng 5 năm 1924, khách sạn Hilton đã được khởi công. Sau khi sử dụng hết 570.000 USD, Hilton lại đến tìm ngài Demick, ông chân thành giải thích những khó khăn về tài chính, hy vọng ngài Demick có thể đầu tư vốn để tòa khách sạn được hoàn thành thuận lợi, sau đó cho Hilton thuê lại để kinh doanh với giá thuê hàng năm tối thiểu là 100.000 USD.
Ngài Demick nghĩ ngợi một hồi, cảm thấy bản thân cũng không chịu thiệt thòi: đất đai là của mình, khách sạn cũng là của mình, hàng năm còn có thể kiếm thêm được 100.000 USD, thế nên ông chấp nhận bù đắp lỗ hổng kinh phí xây dựng khách sạn.
Ngày 4/8/1925, khách sạn mang tên Hilton chính thức khai trương. Ông Hilton dùng 30.000 USD để thực hiện sự kiện trọng đại này. Ngoài sự khôn ngoan của Hilton, bạn rút ra bài học gì từ câu chuyện của ông?
Mơ ước, Hilton đã tiết lộ bí quyết thành công trong cuốn tự truyện “Khách đến nhà” viết vào những năm cuối đời: “Tôi nghĩ rằng một giấc mơ vĩ đại là then chốt dẫn lối con người đến thành công!”. Sở dĩ nhiều doanh nhân thành công đều vì họ có cho mình hoài bão cần theo đuổi.
Quan sát, Hilton tìm thấy cơ hội kinh doanh bởi vì ông quan sát thấy nhu cầu cần thiết của mọi người. Kinh doanh chính là đáp ứng nhu cầu của người khác, từ đó khám phá ra thị trường. Những người quen chú trọng bản thân và luôn muốn người khác thỏa mãn mình rất khó thành công, vì họ không nhận thấy nhu cầu của người khác.
Lòng can đảm, có thể nhiều người gặp phải trường hợp như ông Hilton đã bỏ cuộc ngay từ đầu, vì tổng số tiền cần có để kinh doanh một khách sạn vượt xa tưởng tượng, họ không đủ dũng khí để thử. Nếu chính bản thân bạn không tự tin, không phấn đấu, mơ ước chỉ có thể mãi nằm trong suy nghĩ của bạn.
Kinh nghiệm, khả năng đưa ra những đánh giá chính xác của Hilton không thể tách rời khỏi kinh nghiệm quản lý khách sạn nhiều năm của ông. Ông mở khách sạn không phải vì đam mê nhất thời mà dựa vào kinh nghiệm tích lũy để chạm đến thành công. Theo quan điểm này, chăm chỉ làm việc và tích lũy kinh nghiệm sẽ là yếu tố giúp bạn thành công.
Theo Nhịp sống thị trường