Đây là thành phố có khoảng 113 tỷ phú sinh sống, nhiều hơn cả New York của Mỹ.
Từng là một thị trấn nông nghiệp nhỏ, Thâm Quyến đã trải qua một quá trình chuyển đổi lớn trong vài thập kỷ qua để trở thành một trong những thành phố thịnh vượng nhất ở Trung Quốc. Số tỷ phú sống ở đây chỉ sau hai siêu đô thị khác của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải.
“Thành phố này mang một tinh thần kinh doanh và làm ăn mạnh mẽ. Mọi người đến đây chỉ vì một mục đích thôi: làm giàu, kiếm tiền,” nhà kinh tế và giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu là Gu Qingyang nói với Insider. Ông đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về chính sách và kinh tế Trung Quốc.
Trong khi Forbes xếp hạng New York – trung tâm tài chính của Mỹ – là nơi có nhiều tỷ phú cư trú nhất trên thế giới thì vẫn có những tranh cãi xung quanh sự thống kê này.
Theo Danh sách người giàu toàn cầu Hurun, bảng xếp hạng hàng năm của công ty tư nhân Trung Quốc Hurun, Thâm Quyến đã vượt qua New York để trở thành thành phố được giới siêu lựa chọn. Danh sách cho biết có 110 tỷ phú sống ở New York tính đến ngày 14/1, tức là ít hơn 3 tỷ phú so với Thâm Quyến.
Gu cho biết rằng quá trình vươn lên của Thâm Quyến để trở thành trung tâm của giới siêu giàu đã được thực hiện trong nhiều năm, đồng thời đây cũng là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc mở cửa để cải cách và giới thiệu nền kinh tế thị trường.
Thâm Quyến đã trở thành Đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1980. Điều đó có nghĩa là nơi này được miễn thuế, trợ cấp đất đai và kiểm soát nhiều hơn hoạt động kinh doanh tư nhân, dẫn đến việc một số công ty và doanh nhân trở nên giàu có và nắm trong tay hàng tỷ USD.
Vị trí địa lý mang lại sự giàu có
Thâm Quyến nằm ở phía đông nam Trung Quốc thuộc tỉnh Quảng Đông.
Thâm Quyến có diện tích khoảng 2.000 km2, chỉ nhỏ hơn một chút so với Thành phố New York, theo một báo cáo của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC).
Thâm Quyến là thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc với khoảng 17,5 triệu cư dân. Liên hợp quốc định nghĩa siêu đô thị là những thành phố có trên 10 triệu dân, đồng nghĩa với việc Thâm Quyến là một trong bảy siêu đô thị của quốc gia này. Tuy nhiên, trước khi thành phố được phát triển vào những năm 1980, nơi đây chỉ có ít hơn 30.000 cư dân, chủ yếu sống ở các ngôi làng, theo Guardian.
Sarah Tong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, đã mô tả dân số của Thâm Quyến là “trẻ và năng động”. Tong là một người lớn lên ở Trung Quốc, được đào tạo ở Bắc Kinh và San Diego và chuyên nghiên cứu về kinh tế và phát triển Trung Quốc.
Nằm trên bờ biển phía đông của Trung Quốc, cảng của Thâm Quyến là một trong những cảng lớn nhất ở Trung Quốc. Đây là cảng bận rộn thứ ba trên thế giới, với lưu lượng thông qua là 27,7 triệu vào năm 2020.
Thâm Quyến chỉ cách một trung tâm tài chính lớn khác là Hồng Kông 30 phút lái xe. Vị trí địa lý đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến Thâm Quyến nổi lên với tư cách là một trong những thành phố giàu có nhất trong cả nước.
Được hoàn thành vào tháng 7/2007, cầu Vịnh Thâm Quyến nối Trung Quốc đại lục với Hồng Kông qua Thâm Quyến. “Đó là một khu vực cạnh tranh,” Gu nói, đồng thời đề cập đến Greater Bay Area. Đây là một dự án của chính phủ quốc gia nhằm kết nối 11 thành phố ở miền nam Trung Quốc thành một mạng lưới kinh tế rộng lớn. Dự án này đã thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Thâm Quyến.
Trên thực tế, Thâm Quyến có tổng sản phẩm quốc nội cao nhất trong số tất cả các thành phố ở Khu vực Vịnh Lớn, thu về 475,3 tỷ USD vào năm 2021, theo HKTDC. Thành phố này có nền kinh tế lớn hơn các quốc gia như Na Uy, Ireland và UAE.
Thâm Quyến từng là thành phố giàu nhất Trung Quốc. Năm 2019, nơi đây có GDP bình quân đầu người là 29.498 USD, theo hãng truyền thông nhà nước China Daily.
Gu giải thích rằng một lý do khác khiến GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến tăng là do chính các tỷ phú. “Các tỷ phú sống ở thành phố mang lại những công việc kinh doanh khổng lồ. Họ mang lại sự đổi mới và tạo ra việc làm và doanh thu của chính phủ,” Gu nói.
Theo Gu, rất nhiều cá nhân giàu có nhất ở Thâm Quyến đã chuyển đến sống ở thành phố này trước khi trở thành tỷ phú. Trong đó, Ma Huateng là người giàu nhất Thâm Quyến. Theo Forbes, tài sản trị giá 25 tỷ USD đã khiến ông trở thành người giàu thứ tư ở Trung Quốc.
Ma Huateng – Giám đốc điều hành của tập đoàn internet Trung Quốc Tencent – đã chuyển đến sống ở Thâm Quyến từ khi còn nhỏ. Ông tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến năm 1993 và thành lập Tencent 5 năm sau đó. Ngày nay, Ma Huateng tiếp tục cư trú tại Thâm Quyến vì Tencent có trụ sở tại thành phố, theo Forbes.
Được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc.
Thâm Quyến là nơi có khoảng ba triệu doanh nghiệp, theo trích dẫn dữ liệu chính thức của South China Morning Post.
Theo Viện Phát triển Quản lý, không giống như các khu vực khác của Trung Quốc, Thâm Quyến là một thành phố được xây dựng dựa trên doanh nghiệp tư nhân. Và giống như Thung lũng Silicon, Thâm Quyến là nơi nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã được thành lập nên, bao gồm Tencent, tập đoàn điện thoại di động Huawei và DJI – nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới.
Nhưng cho đến nay, Tencent là câu chuyện thành công lớn nhất của thành phố từng giàu có nhất Trung Quốc.
Giờ đây, Tencent là công ty Trung Quốc lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường, với mức vốn hóa thị trường là 303,32 tỷ USD. Đây cũng là tập đoàn trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, với doanh thu 8,121 tỷ USD và đánh bại các đối thủ như Apple, Microsoft và Google.
Thâm Quyến vẫn muốn tiếp tục giàu có hơn, mặc dù đã là một trong những thành phố giàu có nhất ở Trung Quốc.
Mục tiêu của Thâm Quyến là tăng gấp đôi tổng GDP và GDP bình quân đầu người chỉ sau 15 năm, theo SCMP trích dẫn một kế hoạch chi tiết do chính quyền địa phương công bố. Thành phố này đã tăng trưởng kinh tế gấp 5 lần chỉ trong 14 năm qua, tăng GDP từ 580 tỷ nhân dân tệ năm 2006 lên 2,8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, SCMP đưa tin.
Gu cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Thâm Quyến ban đầu được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhưng thành phố này cũng đầu tư mạnh vào nền kinh tế dựa trên internet và công nghệ cao.
“Thâm Quyến muốn trở thành một trung tâm cho các trung tâm tài chính, blockchain và các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Những dịch vụ cao cấp này sẽ đóng một vai trò lớn trong sự tăng trưởng và giàu có của thành phố đầy tham vọng này,” Gu nói thêm.
Giờ đây, để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm của thành phố, chính quyền Thâm Quyến có kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mạch tích hợp, trí tuệ nhân tạo và y sinh, theo kế hoạch chi tiết của chính quyền địa phương. Họ cũng có kế hoạch phân bổ ít nhất 30% quỹ nghiên cứu khoa học của thành phố cho nghiên cứu và phát triển.
Tham khảo Insider-Theo Minh Phương-Theo Nhịp sống thị trường