Vô luận là trong làm ăn, kết giao bạn bè, vợ chồng, cổ nhân đều vô cùng xem trọng phẩm hạnh của đối phương. Chỉ một chút sơ suất trong việc kết giao sẽ dễ dàng khiến chúng ta bị lầm đường lạc lối, thậm chí nếu lỡ gặp kẻ bất lương thì hậu quả thực sự rất nghiêm trọng.
Các cao nhân thời xưa, hay người có đạo đức cao thượng rất nghiêm ngặt trong việc kết giao. Họ thà rằng không kết bạn chứ nhất định cẩn thận, giữ khoảng cách với bốn kiểu người dưới đây:
1. Cơ tắc phụ: Người ỷ lại, hễ gặp khốn khó là tìm sự cứu tế
Có những người hễ gặp một chút khó khăn, khốn cùng nghèo khổ liền nương nhờ vào người khác mà không dựa vào sự cố gắng của bản thân, chỉ muốn được người khác cứu tế. Kiểu người này thực sự vô cùng nhu nhược, tốt nhất không nên kết thân.
Cổ nhân có câu: “Cấp cứu bất cứu cùng”, ý nói cứu giúp những trường hợp cấp bách nhưng không cứu cái nghèo. Nếu có một người bạn nghèo khó, chúng ta chỉ có thể giúp họ đôi lần mà không thể giúp được cả đời. Nếu người bạn nghèo khó ấy “ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới”, lười biếng, ỷ lại thì sao chúng ta có thể giúp được mãi? Mỗi người đều có cuộc sống của mình, cần phải học cách tự lực cánh sinh, dựa vào bản thân mình mà sống.
Một người có khả năng tự lực cánh sinh mới có tôn nghiêm và thể hiện mình là người có trách nhiệm. Phàm là người hễ gặp một chút khốn khó liền tìm đến sự cứu tế của người khác thì đều không có tôn nghiêm. Đối với một người không có tôn nghiêm, cổ nhân cho rằng cách tốt nhất là nên tránh xa, không thể kết giao, càng không thể kết thân.
2. Bão tắc cụ: Người vô ơn, nhận được sự giúp đỡ là quên ngay
Người mà khi gặp nguy nan khốn khó, được người khác giúp đỡ xong liền “cao chạy xa bay”, không một chút lưu luyến. Kiểu người này cổ nhân xếp vào loại vô ơn bạc nghĩa, không có lương tâm.
Cổ ngữ nói: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, ý muốn khuyên răn người đời, nhận được ơn huệ của người khác dù chỉ nhỏ bé bằng giọt nước nhưng phải ghi nhớ mà báo đáp ơn ấy lớn bằng một dòng suối mạnh mẽ. Một người không biết cảm ơn thì sẽ chỉ một mực đòi nhận được mà không muốn hồi báo.
Giúp đỡ một người như vậy không chỉ không làm cho họ tốt lên mà thậm chí lâu dần còn khiến họ nghĩ rằng đó là việc hiển nhiên, là điều thường tình. Người không biết ơn thì một chút lợi nhỏ cũng không chịu thiệt, không biết quý trọng người tốt với mình. Bởi vậy, cổ nhân khuyên rằng, đối với người không biết ơn thì chỉ nên giữ khoảng cách nhất định.
3. Úc tắc xu: Người nhìn thấy phú quý liền siểm nịnh, bợ đỡ
Trong “Chu Tử trị gia cách ngôn” viết: “Kiến phú quý nhi sinh siểm dung giả, tối khả sỉ”, ý nói người thấy kẻ phú quý mà a dua siểm nịnh, chính là kẻ vô sỉ bỉ ổi nhất. Trong cuộc sống, người thường hay nói lời siểm nịnh, bỡ đỡ là rất nhiều, bất kể ở đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp. Những người này kết giao với người khác dựa trên cơ sở lợi ích, điều họ coi trọng nhất không phải phẩm hạnh mà chính là địa vị và phú quý.
Người giỏi bợ đỡ, gặp người nói chuyện với người, gặp quỷ nói chuyện với quỷ, rất khó nhận biết họ có thật lòng hay không. Những người như vậy thường có tâm cơ rất sâu. Khi bạn có địa vị, có quyền thế, họ sẽ luôn tươi cười qua lại với bạn. Nhưng khi bạn thất thế, họ sẽ lập tức coi thường bạn và rời đi, thậm chí còn “ném đá xuống giếng”. Người như vậy thực sự không thể kết giao.
4. Hàn tắc khí: Coi thường người nghèo khó
Trong “Chu Tử trị gia cách ngôn” viết: “Ngộ bần cùng nhi tác kiêu thái giả, tiện mạc thậm”, tức là kẻ thấy người nghèo khổ mà tỏ vẻ kiêu ngạo, kinh nhờn, chính là kẻ đê tiện nhất. Cổ nhân cho rằng người mà thấy nghèo liền tỏ thái độ khinh thường thì chính là người có nhân phẩm ti tiện nhất, không nên kết thâm giao.
Đối với kiểu người này, trong lòng họ coi tài phú là yếu tố đảm bảo cho nhân cách, người có tài phú mới đáng được người khác tôn trọng. Trong tâm họ luôn dùng tài phú để đánh giá con người và sự việc. Kỳ thực, người càng hiểu biết, ở tầng thứ càng cao thì càng có thể đối xử bình đẳng với mọi người. Họ nhìn thấy người giàu sang phú quý hay người nghèo khổ bần hàn thì đều có thể giữ thái độ nho nhã lễ độ mà đối đãi.
Cuộc đời của mỗi người đều có lúc lên lúc xuống, sóng gió gập ghềnh, có thể ngày hôm qua người ta đối với bạn còn là a dua siểm nịnh, hôm nay đã là khinh khi miệt thị. Nếu gặp được người như vậy thì chỉ có thể “kính nhi viễn chi” (ở xa mà tôn kính, không thể lại gần). Những lời dạy của cổ nhân thực sự rất đáng để chúng ta ngày hôm nay ghi nhớ học tập.
An Hòa