Ông từng là doanh nhân thành đạt sở hữu nhiều nhà hàng nổi tiếng tại Trung Quốc. Sau khi phá sản, ông quyết tâm trả khoản nợ 6,4 triệu USD bằng cách đi bán xúc xích.
Gần đây, trên con phố ăn vặt tại đường Diên An, tỉnh Hàng Châu, Trung Quốc, có một người đàn ông vừa nướng xúc xích vừa livestream bán hàng, quầy xúc xích của ông buôn bán khá đắt khách, đã thu hút đông đảo sự chú ý của dân cư mạng. Nhưng ít ai biết ông từng là triệu phú thành đạt trong lĩnh vực ăn uống. Hện nay, vì vỡ nợ 46 triệu NDT nên ông phải bán xúc xích để gom tiền trả nợ.
Doanh nhân thất thế đi bán xúc xích
Đường Kiện năm nay 53 tuổi, ông từng là doanh nhân thành công trong lĩnh vực ăn uống tại Thanh Đảo, một tay ông sáng lập nên nhiều nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ tại địa phương. Ở độ tuổi 36 việc làm ăn kinh doanh của Đường Kiện vô cùng thuận lợi, ông sở hữu nhiều nhà hàng, xe sang, biệt thự và khối tài sản bao người ngưỡng mộ.
Đến năm, 2005, Đường Kiện quyết định lấn sang một lĩnh vực trước giờ ông chưa từng tiếp xúc, ông đầu tư vào công trình xanh hóa. Sau khi đầu tư nhiều vấn đề bắt đầu phát sinh, khoản tiền đầu tư ngày càng thua lỗ, ông chuyển nhượng hết cổ phần nhà hàng, bán nhà, bán xe nhưng vẫn không đủ trả hết số nợ. Với khoản nợ 46 triệu NDT, ông đối mặt với cuộc sống quay về con số không.
Sau khi ông phá sản, gia đình ông cũng ly tán, vợ con ông đến vùng khác sinh sống. Dưới sự ủng hộ và cổ vũ của người mẹ đã ngoài 70, ông nảy ra ý tưởng mở một quầy bán xúc xích để trả nợ, vì xúc xích là món ăn vặt đường phố được nhiều người ưa chuộng và độ khó cũng không cao.
Livestream bán hàng, thuận lợi chốt cả nghìn đơn mỗi ngày
Đường Kiện không ngừng miệt mài nghiên cứu để tìm ra công thức chế biến hương vị xúc xích thơm ngon. Cuối cùng, ông quyết định chọn loại thịt chân giò 30% mỡ và 70% nạc, đồng thời, ông chỉ sử dụng thịt tươi trong ngày, kết hợp với phương pháp gia truyền của mẹ, sau đó cho thêm đường, rượu, gia vị rồi tẩm ướp trong nhiệt độ lạnh 48 giờ. Bằng cách này, ông làm ra những chiếc xúc xích nướng thơm phức không ngấy, nạc nhưng không khô.
Tính đến thời điểm hiện tại ông đã bán xúc xích được sáu năm. Biển hiệu cửa tiệm “Đường huynh đệ” được nhiều thực khách biết đến, việc làm ăn buôn bán trở nên khấm khá. Hiện tại, Đường Kiện đã bán được hơn 100 nghìn đơn xúc xích, lợi nhuận thu về tương đối ổn định, dù cách ngày trả hết số nợ 46 triệu NDT còn rất xa, nhưng ông đã tìm được đúng hướng đi cho chặng đường tiếp theo.
Năm 2020, một dịp tình cờ có một cô gái đến mua xúc xích và quay phim, Đường Kiện cùng cô gái trò chuyện vài ba câu về cuộc đời mình, không ngờ sau khi cô gái đăng tải video lên Douyin (nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc) lại nhận được nhiều sự chú ý của dân cư mạng về câu chuyện của ông.
Đường Kiện khá tò mò về nền tảng công nghệ này của giới trẻ, dù đang độ tuổi ngoài 50, việc sử dụng công nghệ hiện đại với ông chưa bao giờ dễ dàng, ông vẫn nghiêm túc tập tành học hỏi cách sử dụng Douyin và lập hẳn một kênh Douyin riêng để livestream bán xúc xích.
Trong những năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc kinh doanh bị ảnh hưởng không ít, đến cuối năm 2021 có nhà đầu tư nhìn trúng tiềm lực thương hiệu xúc xích “Đường huynh đệ” của ông nên quyết định đầu tư. Hiện nay, ông đang sở hữu 5 cửa tiệm xúc xích “Đường huynh đệ” và kênh Douyin với hàng nghìn lượt theo dõi, lượng tiêu thụ từ 500-1500 đơn mỗi ngày.
“Chúng ta sinh ra vốn đều tay trắng cớ sao phải sợ bắt đầu lại từ đầu?”
Theo ông chia sẻ, động lực để ông có thể kiên trì đến ngày hôm nay chính là người mẹ luôn ở cạnh động viên. “Trong lòng tôi rất khó chịu, mẹ tôi già rồi, còn lo lắng cho tôi”, ông mấy lần lén rơi nước mắt sau lưng mẹ. Và cũng chính câu nói của mẹ khi ông vấp ngã: “Chúng ta lao động, để sống cuộc sống chân thật” đã là động lực thức tỉnh ông khi nản chí.
Bên cạnh đó, ông cũng gửi những lời động viên đến giới trẻ thất bại khi lập nghiệp: “Chúng ta sinh ra vốn đều tay trắng cớ sao phải sợ bắt đầu lại từ số 0?”
Trải qua thăng trầm trong cuộc đời với số nợ vẫn chưa trả hết, Đường Kiện vẫn rất lạc quan đối mặt quá khứ và tìm được hướng đi phù hợp trong tương lai. Người xưa có câu: “Thất bại là mẹ của thành công” chưa bao giờ trái lệch hiện thực cả.
Lưu Ly–Nhịp sống thị trường