Siêu thị là một trong những kênh phân phối hiện đại nhiều nữ chủ doanh nghiệp mong muốn đưa hàng hóa của mình vào, để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Chị em cần phải chuẩn bị hành trang gì để có thể đưa hàng vào và trụ vững trên quầy kệ của những siêu thị lớn? Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opMart Hà Nội đã chia sẻ những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: Hệ thống siêu thị Co.op Mart là một hệ thống siêu thị thuần Việt. Siêu thị luôn luôn ưu tiên những sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, đặc biệt là những sản phẩm của doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ.
“Để vào hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống Co.op mart, chúng tôi yêu cầu các loại giấy tờ: Thứ nhất là giấy phép đăng ký kinh doanh. Thứ hai là đăng ký thuế. Thứ ba nữa là công bố chất lượng và cái thứ tư là kiểm nghiệm sản phẩm. Bốn loại giấy tờ đó là bắt buộc cơ quan nhà nước phải yêu cầu. Vì vậy, chúng tôi chỉ cần 4 loại giấy tờ đó. Ngoài ra, chúng tôi cần về năng lực sản xuất về mẫu mã bao bì để đúng với thông tư nghị định của Nhà nước, là đã có thể đưa hàng vào hệ thống”, bà Kim Dung nhấn mạnh.
Khi hàng hóa vào hệ thống siêu thị, bà Kim Dung thông tin: “Chúng tôi cũng ưu tiên cho những sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ ưu tiên được trưng bày ở những vị trí quầy kệ tốt nhất và đặc biệt là những chương trình quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi cũng biết những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất hạn chế về quảng bá thương hiệu cũng như về mẫu mã. Vì vậy, chúng tôi có những ưu tiên như trưng bày ở những vị trí đẹp, vị trí thuận lợi cho khách hàng… Đồng thời, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ quảng bá thương hiệu giới thiệu sản phẩm, cũng như đưa vào cẩm nang mua sắm để phát cho toàn bộ khách hàng để khách hàng nhận biết được sản phẩm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp hiện tại, chúng tôi thấy có một số hạn chế. Hạn chế thứ nhất là hạn chế về công nghệ sản xuất, hạn chế về năng suất lao động, hạn chế về diện tích. Vì vậy, giá cả của những sản phẩm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang phải cạnh tranh và đối đầu với những doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp”.
Kinh nghiệm tăng doanh thu từ kênh siêu thị
Đưa hàng vào siêu thị đã khó, duy trì sản phẩm thật lâu trên kệ và tạo được dấu ấn với khách hàng còn gian nan hơn. Trước thực tế đó, bà Kim Dung đưa ra một số lời khuyên nào dành cho nữ chủ doanh nghiệp đang muốn phát triển mạnh kênh bán hàng tại các siêu thị.
Đó là: Khi sản phẩm đã vào được các hệ thống siêu thị rồi, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì những sản phẩm đó phải có chất lượng ổn định cả về lượng và chất. Khi mà sản phẩm của các chị em đã có chất lượng rồi sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến với hệ thống siêu thị và khi khách hàng đã vào siêu thị và mua nhiều sản phẩm của chúng ta thì đương nhiên là doanh nghiệp của chúng ta sẽ tăng lượng sản xuất lên và lúc đó là thương hiệu của chúng ta sẽ được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Như vậy, thương hiệu chúng ta mới quảng bá được ra nhiều hệ thống phân phối khác và nhiều khách hàng trên cả nước nói chung và từng khu vực nói riêng biết đến, tìm mua.
“Chúng tôi cũng mong muốn chị em sản xuất một sản phẩm nào thì cũng nghiên cứu sâu về phân khúc khách hàng và từng khu vực, từng địa phương để sản xuất và cung ứng vào các hệ thống kênh hiện đại, phù hợp từng với từng khách hàng và từng phân khúc khách hàng thì tôi nghĩ sẽ có hiệu quả tốt hơn”, bà Kim Dung khẳng định.
Theo PNVN