Tao Huabi lớn lên từ một ngôi làng nghèo ở phía tây nam Trung Quốc. Nhưng đây cũng là nơi bà đã làm ra một loại gia vị được yêu thích hiện đang xuất hiện trong tủ lạnh của các hộ gia đình ở khắp nơi trên thế giới.
Có một câu nói về tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc, cũng là quê hương của Tao Huabi, như thế này: “Đất không có nổi 3 tấc bằng phẳng, mưa không rơi nổi trong 3 ngày, các gia đình không nhà nào có nổi 3 đồng bạc.” Tuy nhiên, Tao Huabi, giờ còn được mệnh danh là “người phụ nữ nóng bỏng nhất” Trung Quốc đã vượt lên những khó khăn này chỉ với một loại gia vị.
“Người mẹ già đỡ đầu” nghiêm nghị
Tao Huabi là người phụ nữ đã tạo nên ớt chưng dầu cay giòn Lao Gan Ma. Đây là một loại nước sốt nóng với ớt cắt nhỏ được chiên giòn lên có màu đỏ sẫm đến mức gần như chuyển sang màu đen. Cái tên Lao Gan Ma có nghĩa là “mẹ già đỡ đầu”.
Những ai cầm chiếc lọ Lao Gan Ma lên đều sẽ thấy cái nhìn nghiêm khắc của một người phụ nữ tóc ngắn. Khi mở lọ ra, bạn sẽ thấy sự kết hợp tuyệt vời của một chút đậu phộng, một ít đậu nành mặn giòn, dầu và ớt hoà quyện vào nhau khiến hỗn hợp gia vị này trông như đang phát sáng.
Lao Gan Ma đã trở thành một biểu tượng của Trung Quốc và ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong ngăn bếp và tủ lạnh ở các nước khác trên thế giới. Trên thực tế, Tao Huabi có khối tài sản lớn hơn 3 đồng bạc. Forbes Trung Quốc ước tính tài sản của bà là 1,05 tỷ USD.
Là con gái thứ tám của một gia đình nghèo trong một ngôi làng miền núi ở Quý Châu, người phụ nữ sinh năm 1947 vốn không được đi học, không biết đọc cũng không biết viết. Bà đã trải qua thời thơ ấu đói khổ và sống sót sau Nạn đói lớn ở Trung Quốc bằng cách ăn rễ cây, theo tiểu sử viết về bà trên What’s On Weibo. Khi chồng mất, bà chuyển đến thành phố Quý Dương và bắt đầu bán mì với nước sốt do chính bà tự làm. Cuối cùng, Tao Huabi đã mở nhà hàng có tên Shi Hui Restaurant vào những năm 1990.
Sau khi một đường cao tốc mới đi vào hoạt động, nhiều tài xế xe tải đã đến được Quý Dương. Bà tặng họ những lọ nước sốt miễn phí và đã trở nên nổi tiếng bởi hành động của mình. Năm 1996, Tao Huabi thành lập một nhà máy tại một ngôi nhà ở Quý Dương. Một năm sau, Công ty Thực phẩm Hương vị Đặc biệt Lao Gan Ma ra đời.
Mặc dù thương hiệu Lao Gan Ma gần như thành công ngay lập tức, nhưng Tao Huabi vẫn phải vật lộn trong nhiều năm khi một số đối thủ cạnh tranh tung ra loại nước sốt Lao Gan Ma giả với bao bì tương tự. Điều này đã gần như hủy hoại công việc kinh doanh của bà.
Năm 2001, khi Tao Huabi 54 tuổi, tòa án cấp cao ở Bắc Kinh cuối cùng đã ra phán quyết rằng các sản phẩm tương tự khác không được sử dụng tên “Lao Gan Ma” cũng như không được bắt chước các bao bì của bà. Bà đã nhận được 400.000 nhân dân tệ tiền bồi thường (khoảng 60.000 USD). Mười hai năm sau, công ty của bà có doanh số bán hàng hàng năm là 3,7 tỷ nhân dân tệ (540 triệu USD).
Ngày nay, theo trang web của công ty này, Lao Gan Ma đã sản xuất 1,3 triệu chai/ngày. Trong khi đó, Heinz Ketchup sản xuất 1,8 triệu chai và Huy Fong Sriracha (còn được gọi là “Nước sốt con gà trống”) sản xuất được 55.000 chai.
“Vương quốc đỏ”
Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Michigan, người đang viết sách về lịch sử món ăn Trung Quốc là Miranda Brown nói rằng sự nổi tiếng của Lao Gan Ma có một phần là nhờ sự “đúng điệu” của sản phẩm.
Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích những thực phẩm của một vùng khi nó sử dụng các nguyên liệu được trồng trên mảnh đất của chính vùng đó. Brown cho biết rằng ngay cả khi Quý Châu không có “3 tấc đất bằng phẳng” thì đây cũng lại trở thành một lợi thế cho Tao Huabi. Bởi ớt phát triển tốt nhất trên vùng đất dốc ấy.
Ở Trung Quốc, ớt giòn được ăn kèm với mọi thứ, thậm chí là cả kem. Theo Yicai, thương hiệu này cũng nổi tiếng khắp nơi, đến nỗi có cả bao điện thoại, quần áo và vỏ bút chì Lao Gan Ma. Thậm chí, người Trung Quốc có một trò đùa rằng một người đàn ông sẽ kết hôn với hai người phụ nữ: hôn thê của anh chàng ấy và Tao Huabi.
Sản phẩm này nổi tiếng đến mức vào năm 2016, Bloomberg đã ghi nhận Lao Gan Ma giúp thị trấn Quý Châu vốn rất nghèo trong lịch sử có thể đạt được mức tăng trưởng 10,5% – nhanh thứ hai so với tất cả các tỉnh của Trung Quốc trong năm đó, và vượt xa tỷ lệ toàn quốc là 6,7%. Lao Gan Ma cũng ngày càng phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
Một bài báo nghiên cứu về gia vị do hai viện sĩ tại Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông ở Quảng Châu thực hiện đã ghi nhận thành công ở nước ngoài của Tao Huabi. “Lao Gan Ma cố tình đặt một phụ nữ Trung Quốc có ngoại hình trung bình và già dặn trên bao bì sản phẩm của mình, điều này ngược lại khơi dậy sự tò mò mạnh mẽ của người tiêu dùng nước ngoài,” bài báo viết.
Vào năm 2021, trong thời gian diễn ra đại dịch ở Anh, khi mọi người đang tìm cách để làm cho bữa ăn nấu tại nhà của họ trở nên thú vị hơn, nhà bán lẻ trực tuyến Sous Chef cho biết doanh số bán hàng của Lao Gan Ma đã tăng 1.900%.
Để nói về người mẹ già đỡ đầu, một bài báo trên Yicai Global mô tả bà là Nữ hoàng của “vương quốc đỏ” với những cánh đồng ớt và một nhà máy.
Nguồn: Tổng hợp-Theo Nhịp sống thị trường